Kiểm tra việc sử dụng vốn vay nên là... quyền của TCTD
Dưới góc độ pháp lý, việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay là quyền hay nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) khi cho vay?
Theo Thông tư 39, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay chỉ đơn thuần là quyền của TCTD thay vì là nghĩa vụ, tỏ ra hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ảnh: TL
|
Quy định nội bộ về cho vay của các TCTD thường yêu cầu cán bộ, nhân viên của TCTD phải thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nhằm đánh giá xem khách hàng vay có sử dụng tiền vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng vay hay không.
Trong thực tế, nghiệp vụ này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện. Trong khi đó, trách nhiệm của nhân sự có liên quan của TCTD có thể bị xem xét. Chính vì thế, trong một số trường hợp, nó trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít người làm tín dụng hay quản lý sau vay.
Mục đích sử dụng vốn vay
Theo điều 7, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 39), một trong những điều kiện vay vốn từ TCTD mà khách hàng phải thỏa mãn là “nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp”. Khoản 1, điều 23 của thông tư này quy định hợp đồng vay bắt buộc phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn vay.
Từ góc độ của TCTD là bên cấp vốn, việc hợp đồng vay quy định mục đích sử dụng vốn vay sẽ đưa lại cho TCTD sự yên tâm rằng: (i) khách hàng vay sẽ có khả năng trả nợ khi có yêu cầu bởi vì mục đích sử dụng vốn vay sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với việc thẩm định và quyết định cho vay của TCTD; và (ii) tiền vay sẽ không được sử dụng vào một mục đích phi pháp hay thiếu thận trọng. Do đó, thông thường, bản thân TCTD cũng muốn quy định rõ trong hợp đồng vay cách thức mà khách hàng vay sử dụng vốn vay.
Tùy theo từng trường hợp, hợp đồng vay có thể quy định TCTD sẽ giải ngân số tiền cho khách hàng vay để khách hàng sử dụng vào mục đích đã thỏa thuận hoặc rót trực tiếp số tiền này cho bên thụ hưởng (là bên có quan hệ với khách hàng vay trong việc mua bán tài sản, thanh toán các chi phí hình thành nên tài sản và các chi phí khác thuộc nhu cầu vay vốn theo hợp đồng vay) theo mục đích vay vốn đã xác định (chẳng hạn chủ đầu tư trong trường hợp cho vay mua nhà dự án hay nhà thầu trong trường hợp tài trợ chi phí xây dựng công trình).
Cách tiếp cận mới của Thông tư 39, theo đó, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay chỉ đơn thuần là quyền của TCTD thay vì là nghĩa vụ, tỏ ra hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
|
Khoản 4, điều 94, Luật các TCTD nêu rõ “tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn”. Trên tinh thần này, khoản 1, điều 24, Thông tư 39 quy định khách hàng vay có trách nhiệm: (i) sử dụng vốn vay theo nội dung thỏa thuận; và (ii) cung cấp cho TCTD các tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của TCTD. Tương tự, khoản 2, điều 16 của thông tư này cũng đặt ra nghĩa vụ đối với khách hàng vay phải báo cáo cho TCTD về việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận.
Cần lưu ý hợp đồng vay thường có điều khoản theo đó việc khách hàng vay không sử dụng vốn vay theo mục đích đã thỏa thuận sẽ trở thành một sự kiện vi phạm (event of default) cho phép TCTD có quyền chấm dứt cho vay và thu hồi nợ trước hạn.
Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay
Về nguyên tắc, TCTD không thể đặt hết niềm tin vào sự ngay tình của khách hàng hay những thông tin mà bên này cung cấp cho mình liên quan đến việc sử dụng vốn vay. Do đó, TCTD sẽ chủ động kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cần lưu ý pháp luật ngân hàng không quy định rõ cách thức mà TCTD có thể tiến hành công việc này. Thông thường TCTD tiến hành kiểm tra định kỳ và yêu cầu khách hàng vay cung cấp một số tài liệu, chứng từ như hóa đơn, biên bản giao hàng, bảng kê hàng hóa/tài sản, phiếu nhập kho, bảng lương có ký nhận...
Khoản 3, điều 94, Luật các TCTD quy định “tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay [...] của khách hàng”. Như vậy, theo điều luật này, việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của TCTD cho vay. Tuy vậy, khoản 2, điều 24, Thông tư 39 có cách tiếp cận cởi mở hơn khi quy định TCTD “có quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay” của khách hàng. Khi thông tư này mới ban hành, không ít người làm tín dụng hay quản lý sau vay cảm thấy khá hào hứng với quy định này bởi nó dường như không coi việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn là nghĩa vụ của TCTD cho vay nữa.
Tuy nhiên, chính điều luật này của Thông tư 39 lại nêu việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng được thực hiện theo quy định nội bộ quy định tại điểm c khoản 2, điều 22 của Thông tư 39. Điểm c, khoản 2, điều 22, Thông tư 39 yêu cầu quy định nội bộ về cho vay của TCTD phải có nội dung về quy trình kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng cũng như việc phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng. Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy quy định này lại có vẻ gián tiếp ngầm định nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của TCTD.
Sự không thống nhất này cũng như khác biệt trong cách tiếp cận so với Luật các TCTD khiến không ít TCTD còn khá băn khoăn. Trong một hướng dẫn chính thức bằng văn bản cho ngành ngân hàng liên quan đến việc áp dụng Thông tư 39, NHNN đã nhắc lại quy định nêu trên của Luật các TCTD và điều này được hiểu là theo quan điểm của NHNN, TCTD vẫn có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng.
Kinh nghiệm quốc tế
Cách tiếp cận nêu trên của Luật các TCTD còn khác biệt so với thông lệ quốc tế liên quan đến hoạt động cho vay.
Chẳng hạn, pháp luật Pháp không quy định TCTD cho vay phải có nghĩa vụ giám sát việc sử dụng tiền vay. Nghĩa vụ giám sát chỉ đặt ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng vay. Cơ sở của cách tiếp cận này chính là nguyên tắc TCTD cho vay không được can thiệp vào công việc nội bộ của khách hàng vay (principe de non-immixtion). Theo quan điểm một số học giả tại Pháp (đã từng được Tòa tối cao của Pháp chấp nhận), ngay cả khi hợp đồng vay có điều khoản về việc giám sát thì việc thực hiện hay không thực hiện nghĩa vụ này là do TCTD tự quyết định bởi vì điều khoản này được đưa ra chỉ vì lợi ích của TCTD mà thôi và do đó nếu vi phạm thì TCTD cũng không phải chịu trách nhiệm gì.
Pháp luật Anh cũng tương tự như pháp luật Pháp. Hợp đồng vay được soạn thảo theo tinh thần của nền pháp luật này thường quy định TCTD không có nghĩa vụ kiểm tra xem số tiền vay được sử dụng như thế nào (lender’s obligation to monitor). Quy định như vậy sẽ giúp bảo vệ TCTD khỏi trách nhiệm đối với các hành vi của bên vay trong trường hợp bên vay không sử dụng tiền vay theo đúng mục đích đã thỏa thuận. Nó giúp phòng ngừa việc bên vay hoặc một bên thứ ba lập luận rằng ở một khía cạnh nào đó, TCTD đã đồng ý đối với việc sử dụng tiền vay không đúng mục đích hoặc đã bỏ qua yêu cầu nêu trong điều khoản về mục đích sử dụng vốn vay.
Thiết nghĩ, cách tiếp cận mới (dù còn khá dè dặt) của Thông tư 39, theo đó việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay chỉ đơn thuần là quyền của TCTD là hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉ có điều, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD được công bố vẫn chưa ghi nhận một cách tiếp cận như thế.
(*) Tiến sĩ Đại học Paris 2, Pháp
http://www.thesaigontimes.vn/162201/Kiem-tra-viec-su-dung-von-vay-nen-la-quyen-cua-TCTD.html
|