Nhiều ngân hàng ngoại thoái vốn, tính hấp dẫn của kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam đang giảm?
"Tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng của Việt Nam đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và hạn chế tồn tại trong công tác quản trị", VERP nhận định.
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tính tới thời điểm 20/6/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7.54% so với tháng 12/2016, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Đặc biệt, tín dụng tăng nhanh chủ yếu trong những tháng quý 2 cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu cho thấy sự cải thiện trong khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của IMF, tín dụng của Việt Nam vào cuối năm 2016 đã tương đương với 124% GDP, cao hơn so với các nước ASEAN-5, các nước thu nhập trung bình khác và đặc biệt là các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Tỷ lệ này hiện đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, do đó có thể dẫn đến những rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng và lạm phát.
Bên cạnh đó, việc mở rộng cung tiền quá nhanh trong giai đoạn vừa qua đã khiến tỷ lệ M2/GDP tăng lên 146% năm 2016, so với tỷ lệ 80% năm 2006 và 114% năm 2010. Do đó, VERP cho rằng NHNN vẫn cần thận trọng với khả năng lạm phát có thể tăng trong thời gian tới, khi chính sách nới lỏng tiền tệ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý trong thời gian qua là tình trạng nhiều ngân hàng nước ngoài thoái vốn và thu hẹp hoạt động ở Việt Nam. Theo VERP, điều này cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng của Việt Nam đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và hạn chế tồn tại trong công tác quản trị./.
|