Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vay ngân hàng?
Cả nước hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp, trong đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm gần 98% với doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Trong số này lại có đến 70% là những doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng.
Dù chiếm đông đảo tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp siêu nhỏ lại chưa thực sự được nhiều ngân hàng chú ý đến. Những hứa hẹn, cam kết cho vay trên giấy, không thực chất đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tự tin khi gõ cửa ngân hàng vay vốn.
Thiếu tài sản đảm bảo – Rào cản vay vốn
Theo thống kê, có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được với khoản vay chính thức từ ngân hàng nên đã phải tìm đến các khoản vay phi chính thức. Chính vì vậy, tại hội thảo “Ngày hội kết nối doanh nghiệp, tiếp sức doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh” do VCCI và VPBank tổ chức, vấn đề không tiếp cận được vốn của ngân hàng đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ông Hoàng Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế VAG chuyên sản xuất, xuất khẩu các loại khăn bông với các dòng sản phẩm như LAUDY, POÊMY, PAPAYA... cho biết, sản phẩm của công ty đã được đưa vào các, siêu thị khách sạn lớn ở Hà Nội. Hiện Công ty ông muốn mở rộng thêm nhưng do không có tài sản thế chấp vì nhà xưởng đi thuê, ôtô cũng không có… nên đến thời điểm này ông Hải đã làm việc với 7 ngân hàng nhưng đều nhận được cái “lắc đầu” từ chối cho vay vốn.
Tương tự, bà Bùi Thị Hồng Hà, Công ty cổ phần CPART, chuyên phát triển dòng vi sinh ứng dụng trong bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi, trồng trọt cũng cho biết, dù ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có tiềm năng lớn, đặc biệt xuất khẩu sang Lào rất tốt, nhưng lại rất khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.
Bà Hà cho biết, đại diện doanh nghiệp cũng đã làm việc với một số ngân hàng, thậm chí lãnh đạo các ngân hàng còn hứa sẽ cho doanh nghiệp của chị Hà vay. Tuy nhiên, khi nhân viên ngân hàng thực hiện thì hồ sơ phải soạn rất nhiều lần nhưng đến giờ phút này vẫn chưa vay được. Mấu chốt của doanh nghiệp vẫn là thiếu tài sản thế chấp.
Còn ông Trần Văn Thời, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Starfoods Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên xuất khẩu quế và hồi sang châu Âu. Hiện Công ty đang có nhu cầu vay 10 tỷ đồng để mở rộng thị trường sang Trung Đông nhưng lại khó chứng minh dòng tiền với ngân hàng.
Đặc biệt, ông Thời cũng lo ngại về việc một số ngân hàng đang cho vay tín chấp với lãi suất trên 20%. “Chúng tôi có thể chấp nhận được được mức lãi suất từ 12-15% chứ trên 20% thì cao quá. Tôi cũng mong muốn ngân hàng hỗ trợ thêm các doanh nghiệp bằng cách giảm thêm các mức lãi suất xuống hơn nữa,” ông Thời nhấn mạnh.
Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank thừa nhận, khúc mắc lớn nhất của những doanh nghiệp không tiếp cận được vốn của ngân hàng là không có tài sản thế chấp. Khúc mắc này làm cho doanh nghiệp siêu nhỏ và ngân hàng ngày càng cách xa nhau.
Lý giải về nguyên nhân "bỏ rơi" nhóm khách hàng siêu nhỏ, đại diện một ngân hàng cổ phần nói thẳng không dễ để tạo nhiều lợi nhuận từ nhóm này. “Hiện giờ phần lớn các ngân hàng vẫn thích chính sách 'hớt váng' hơn, tức là tập trung vào khách hàng tốt, thu nhập cao, dễ thu hồi nợ, lợi nhuận đem về cho ngân hàng cũng ổn định,” Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.
Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn về tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm và hoạt động của doanh nghiệp để xem xét cho vay tín chấp.
Hiện một số ngân hàng đã dành ra những khoản vốn cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vay tín chấp như Maritime Bank, VPBank, ABBANK, ACB... Tuy nhiên, mỗi tổ chức tín dụng có chính sách áp dụng khác nhau.
Như tại ACB, sau khi đánh giá, phân loại khách hàng, xác minh tài chính, kế hoạch sử dụng vốn vay hợp lý... doanh nghiệp sẽ được vay tín chấp với lãi suất tùy theo thời điểm và tiềm lực của doanh nghiệp, độ rủi ro của từng khoản vay.
Ngân hàng ABBANK cũng vừa ra mắt dịch vụ ngân hàng chuyên biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME Banking) với mục tiêu hỗ trợ SMEs tiếp cận vốn hiệu quả hơn. Có 7 sản phẩm đóng gói cả cho vay tín chấp (SME Easy, SME Easy Plus, SME Easy Auto và SME Top Up) lẫn có tài sản đảm bảo (SME Biz Loan, SME Fast loan, SME Flex). Mỗi sản phẩm được tinh chỉnh theo đặc thù của từng đối tượng doanh nghiệp, thiết kế riêng gói cho SMEs siêu nhỏ, mới khởi nghiệp hoặc tiền thân là hộ kinh doanh.
Lãnh đạo ABBANK cho biết, phương thức cho vay mới đã tối giản hồ sơ để thuận tiện hơn so với cấp tín dụng truyền thống như: tiêu chí cho vay đơn giản, thủ tục trong 22 giờ và phê duyệt trong vòng 5 tiếng khi khách hàng đủ hồ sơ. Cho vay linh hoạt với tài sản bảo đảm như phê duyệt đến 100% giá trị tài sản, không yêu cầu tài sản hoặc thiếu một phần tài sản...
Triển khai sản phẩm muộn hơn các ngân hàng khác, nhưng từ đầu năm ngoái VPBank cũng đã có những khoản giải ngân tín chấp đầu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Hưng cho biết, gói tín dụng được VPBank triển khai khác với các sản phẩm đang được cung cấp trên thị trường thời gian qua. Cụ thể, cấp vốn tín chấp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và cho vay vốn nếu là doanh nghiệp phát triển từ hộ kinh doanh.
Với doanh nghiệp siêu nhỏ, VPBank không nặng nề quá vào hệ thống sổ sách giấy tờ của doanh nghiệp, mà sẽ có những cán bộ ngân hàng nhiều kinh nghiệm tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu xét thấy có khả năng, sẽ làm thủ tục cấp vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đa dạng hóa các hình thức cho vay bao gồm cả thấu chi và thẻ.
Trước những băn khoăn về cho vay tín chấp lãi suất sẽ cao hơn, ông Hưng cho rằng, nếu so sánh giữa cho vay tín chấp và thế chấp thì đương nhiên mức lãi suất sẽ khác nhau.
“Chúng tôi dựa trên những đặc tính kinh doanh của mình, dựa trên độ rủi ro của từng loại hình, nhưng tôi đảm bảo với hình thức cho vay này lãi suất rất cạnh tranh và phù hợp với sự chịu đựng của khối doanh nghiêp này và chúng tôi luôn đồng hành để họ lớn lên trong thời gian tới,” ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, với những thắc mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp trên, ngân hàng sẽ cử cán bộ đến từng doanh nghiệp xem xét phương án kinh doanh để có những tư vấn và hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp này.
http://www.vietnamplus.vn/vi-sao-doanh-nghiep-vua-va-nho-kho-tiep-can-von-vay-ngan-hang/455617.vnp
|