Warren Buffett: Vấn đề thật sự của nước Mỹ chính là giới siêu giàu
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cho biết những người giàu có như ông mới chính là vấn đề của nền kinh tế Mỹ, CNBC cho hay.
Với lượng tài sản ròng hơn 75 tỷ USD, ông Buffett hiện đang là người giàu có thứ 2 trên thế giới, danh sách của Forbes cho thấy. Với tư cách là CEO của Berkshire Hathaway, ông được ca tụng là Nhà tiên tri của xứ sở Omaha. Thế nhưng, theo quan điểm của ông, vấn đề thật sự của nước Mỹ chính là 1% những người giàu có nhất.
Tỷ phú Warren Buffett
|
Ông Buffett cho biết: “Theo tôi, vấn đề thật sự chính là những người siêu giàu đang sở hữu lượng tài sản tăng nhanh đến mức ‘không thể tin được’”.
“Nếu quay trở về năm 1982, khi Forbes công bố danh sách 400 người giàu có nhất, tổng tài sản của những người đó chỉ là 93 tỷ USD. Hiện con số này đã lên tới 2.4 ngàn tỷ USD, tài sản của mỗi cá nhân trong danh sách tăng gấp 25 lần. Sự thịnh vượng được phân bổ không tương xứng và nghiêng nhiều về phía những người giàu có nhất”, ông Buffett cho biết.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã trên đà tăng kể từ tháng 3/2009 và nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng gần 2%, ông Buffett chia sẻ. Tăng trưởng kinh tế – dù thấp hơn mức kỳ vọng 3% của Tổng thống Donald Trump – là một con số tốt đối với nền kinh tế và sẽ cải thiện chất lượng sống của nhiều người Mỹ.
GDP trên đầu người sẽ tăng thêm 19,000 USD, và 76,000 USD cho một gia đình 4 người, ông Buffett cho hay. “Vì thế, những đứa trẻ và cháu của bạn và tất cả thế hệ sau đó, họ sẽ sống tốt hơn chúng ta rất nhiều với mức tăng trưởng 2%”.
Tuy nhiên, nhiều cá nhân đang bị sa lầy. “Nền kinh tế đang hoạt động tốt, nhưng tất cả người Mỹ thì không”, ông Buffett cho biết.
Một số người đang rất chật vật, điển hình là những nhà đầu tư thuộc thập niên 80. Một phần lý do ở đây là sự tự động hóa và kỹ thuật số hóa lực lượng lao động Mỹ đang diễn ra nhanh đến nỗi người lao động không thể thích ứng kịp.
Dẫn chứng cho vấn đề trên, ông Buffett nói: “Chúng ta luôn thấy sự chuyển biến trong thị trường việc làm. Nếu bạn nghĩ về nó, nếu bạn trở về năm 1800 thì chỉ cần 80% lực lượng lao động là có thể sản xuất đủ thực phẩm cho cả nước Mỹ. Còn bây giờ, thì chỉ cần gần 3% lực lượng lao động”.
Ông nói thêm: “Luôn luôn có sự trật khớp. Ý tôi là khi nền kinh tế phát triển, các nguồn lực sẽ được tái phân bổ”.
Khi các nhân viên bị đẩy ra khỏi lực lượng lao động vì những kỹ năng của họ không còn được tận dụng nữa, ông Buffett nhận định xã hội phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc những người lao động này khi họ được đào tạo lại để tái gia nhập vào thị trường lao động.
Ông Buffett nói thêm nền kinh tế ngày càng phát triển không còn đem lại lợi ích cho những người lao động ngành thép, có thể là ở Ohio. Và đây là vấn đề cần phải giải quyết, vì khi bạn có một thứ gì đó có ích cho xã hội, nhưng lại tác động tiêu cực đến một cá nhân cụ thể nào đó, thì chúng ta phải đảm bảo là các cá nhân đó được chăm sóc tận tình.
Nhà đầu tư huyền thoại này đã trở nên cực kỳ giàu có bằng cách đầu tư vào thị trường chứng khoán – một sở thích khi ông còn rất trẻ. Ông Buffett đã mua cổ phiếu đầu tiên khi mới 11 tuổi và đã hoạt động trong thị trường 75 năm. Ông khuyên những người khác cũng nên làm điều tương tự.
Trong một nỗ lực nhằm bù đắp cho sự bất bình bẳng về sự giàu có mà ông đã được hưởng lợi, ông Buffett và người bạn thân là tỷ phú Bill Gates đã cùng nhau tạo nên quỹ “Cam kết cho đi” (Giving Pledge) với lời cam kết cho đi 50% tài sản của mình. Mục tiêu của quỹ “Cam kết cho đi” không chỉ là để hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ mà còn khuyến khích những người giàu có khác làm như vậy./.
|