1 năm sau Brexit, kinh tế Anh ra sao?
Dẫu rằng các chuyên gia kinh tế đã đưa ra các lời cảnh báo tàn khốc về tác động của Brexit đến nền kinh tế Anh nhưng các cử tri Anh vẫn quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016. Chính kết quả này đã làm chao đảo cả thị trường những ngày sau đó. Đã 1 năm rồi kể từ thời điểm đó, nền kinh tế nước Anh giờ ra sao?
Dĩ nhiên, nước Anh vẫn chưa chính thức rút khỏi EU – các cuộc đàm phán chính thức về Brexit chỉ mới bắt đầu trong ngày thứ Hai tuần này.
Sau đây, MarketWatch đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về các thị trường tài chính và các chỉ báo kinh tế quan trọng của Anh để cho thấy nước Anh đã thay đổi như thế nào kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Bảng Anh trượt dốc
Đồng bảng Anh (GBP) đã bị tác động vô cùng nặng nề trong năm 2016, cụ thể đây là đồng tiền có thành quả tồi tệ nhất so với đồng USD trong nhóm G10 sau khi 17.4 triệu người Anh quyết định rời khỏi EU.
Đồng GBP dao động ở mức 1.5 USD trong ngày trưng cầu dân ý, nhưng đã bắt đầu tụt dốc khi các kết quả cho thấy người dân ủng hộ Brexit. Cụ thể, đồng GBP đã rơi xuống đáy 30 năm với mức dưới 1.33 USD ngay sau cuộc trưng cầu dân ý và có lúc dao động ở mức 1.2 USD trong tháng 1/2017 – tức sụt 20% so với mức trước cuộc trưng cầu dân ý.
Các nhà phân tích vẫn chưa nhận thấy các dấu hiệu đồng GBP sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Dù lạm phát đang gia tăng, nhưng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mark Carney, vẫn chưa muốn nâng lãi suất. Các nhà phân tích cho rằng cuộc đàm phán giữa các nhà lập pháp của Anh và EU không được xem như là một chất xúc tác để đồng tiền này tăng mạnh.
Hành trình lập kỷ lục của chỉ số FTSE 100
FTSE 100 đã vọt gần 20% lên các mức cao nhất mọi thời đại kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Tại sao chỉ số này lại tăng mạnh? Chủ yếu là nhờ đà suy yếu của đồng bảng Anh kể từ ngày 23/06/2016.
Gần 75% doanh thu của các công ty thuộc FTSE 100 được tạo ra bên ngoài nước Anh bởi các công ty quốc tế, dữ liệu FactSet cho thấy. Chính đà sụt giảm của đồng bảng Anh đã giúp các công ty đa quốc gia thuộc FTSE 100 gia tăng lợi nhuận khi họ đổi về đồng tiền này.
Cụ thể, cổ phiếu của các tập đoàn đa quốc gia như Unilever và AstraZeneca tăng vọt hơn 30% trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, nhóm bán lẻ dường như có thành quả tệ hơn các lĩnh vực khác vì nhà đầu tư tỏ ra lo ngại rằng người tiêu dùng Anh sẽ giảm bớt chi tiêu do tiền lương của họ giảm trong khi giá thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác lại tăng. Cổ phiếu của nhà bán lẻ quần áo Next PLC sụt hơn 25% kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
Lạm phát tăng mạnh
Đà trượt dốc của đồng bảng Anh đã thúc đẩy lạm phát tại Anh. Giá hàng hóa ở các cửa hàng đã tăng vì các hàng hóa nhập khẩu – như xe hơi, thiết bị điện tử và các thực phẩm nhất định – trở nên đắt đỏ hơn đối với những người sử dụng đồng bảng Anh để thanh toán.
Ví dụ, trong tháng 10/2016, công ty Apple đã nâng giá máy tính để bàn Apple Mac Pro ở Anh thêm 20%, còn Unilever đã yêu cầu các siêu thị nâng giá trên các sản phẩm thông dụng như nước chấm Mayonnaise của Hellman và kem Ben & Jerry.
Trong tháng 5/2017, giá tiêu dùng đã vọt lên mức 2.9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2013. Tuy nhiên, tiền lương không tăng trưởng nhanh đến vậy, do đó làm giảm khả năng chi tiêu của người dân. Dẫu biết được lạm phát đã trên mức mục tiêu 2%, nhưng BoE vẫn do dự trong việc nâng lãi suất vì lo sợ điều này sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế Anh và tác động tiêu cực đến các hộ gia đình.
Giá nhà ở giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính
Sự phục hồi của thị trường bất động sản Anh đã bắt đầu có dấu hiệu đổ vỡ. Trong tháng 5/2017, giá nhà ở giảm 3 tháng liên tiếp, chuỗi trượt dốc dài nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, dữ liệu từ tổ chức Nationwide cho thấy.
Thị trường bất động sản hạng sang ở Luân Đôn đã bị tác động vô cùng nặng nề, khi sự bất ổn về tương lai nước Anh đã khiến các tỷ phú tránh xa ngôi nhà đắt tiền ở thủ đô nước này.
Nationwide cho biết giá nhà ở có thể tiếp tục chịu áp lực trong vài quý tới khi đà giảm tốc của nền kinh tế Anh và việc lạm phát leo thang gia tăng áp lực lên chi tiêu hộ gia đình.
Thị trường lao động phục hồi
Vẫn còn có một số điểm sáng. Thị trường lao động nước này đã có sự phục hồi đáng kinh ngạc. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4/2017 xuống 4.6%, mức thấp nhất kể từ năm 1975.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Anh và châu Âu đã bắt đầu trong ngày thứ Hai, và sẽ kết thúc đúng hạn để Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019.
Thủ tướng Anh, Theresa May, đã đẩy mạnh kế hoạch “hard Brexit”, theo đó Anh sẽ từ bỏ khả năng tiếp cận đến thị trường chung châu Âu và đổi lại, họ có toàn quyền kiểm soát biên giới của mình.
* Bầu cử Anh: Không Đảng nào chiếm ưu thế trong Quốc hội
Tuy nhiên, sau khi Đảng Bảo thủ của bà May để mất đa số ghế trong cuộc bầu cử tháng 6/2017, các chuyên gia kinh tế cho rằng thỏa thuận cuối cùng giữa Anh và EU có thể không tác động quá mạnh đến mối quan hệ thương mại giữa 2 bên vì Anh đã thể hiện sự nhượng bộ trong cuộc đàm phán Brexit./.
|