Thứ Tư, 14/06/2017 10:10

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc (VDS): Quý 3, dòng vốn trên thị trường sẽ vẫn giữ vững

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt (VDS), trong quý 3 tới đây, vốn cho hoạt động sản xuất ổn định, lãi suất hạ nhiệt, cùng việc hạn chế dòng vốn đầu cơ trên thị trường bất động sản sẽ giúp dòng vốn trên thị trường chứng khoán được giữ vững.

Với bức tranh vĩ mô tiếp tục ổn định (Fitch nâng triển vọng lên “Tích cực”, chỉ số CDS Việt Nam giảm về mức thấp nhất 2007, lãi suất duy trì thấp, lạm phát thấp hỗ trợ mục tiêu giữ vững tỷ giá và lãi suất…), VN-Index dù tăng hơn 11% song mức P/E vẫn ở mức 16 được xem là khá hấp dẫn so với các thị trường khác.

Trong thời gian này cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị thu hút nhà đầu tư như ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao kỷ lục hay tín hiệu tích cực về tiến trình giải quyết nợ xấu; các công ty dệt may với sự hồi phục của nhu cầu thị trường và câu chuyện Hiệp định TPP 2.0; cổ phiếu HCMDHG với câu chuyện nới room, nhóm thép và phân bón là câu chuyện thuế tự vệ hay làn sóng niêm yết mới tiếp tục với những cái tên đình đám như HVN, VJC hay PLX...

Bên cạnh đó, kế hoạch năm 2017 đầy tham vọng của các doanh nghiệp trở nên khá thuyết phục khi được hỗ trợ bới những con số ấn tượng từ kết quả kinh doanh (KQKD) quý đầu năm. Theo thống kê của CTCK Rồng Việt, các công ty trên HOSE ghi nhận tăng trưởng doanh thu 14.1%, trong khi lợi nhuận tăng đến 27.7%; nhiều công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần như TCM hay STK.

Không kém phần quan trọng là tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng qua đạt 6.53% (tính tới ngày 25/05) và là mức tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Do đó, bà Trúc không loại trừ khả năng một phần dòng vốn tín dụng đang hỗ trợ thị trường chứng khoán vì cùng thời điểm này thì lượng tiền margin tăng khá nhiều. Một số cổ phiếu khi được khảo sát đểu ở trạng thái “kín room” cho vay và chỉ thực sự có room cho vay trở lại trong thời gian khoảng độ 2 tuần trở lại đây.

Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt (VDS)

Dòng vốn sẽ giữ vững trong quý 3

Nhìn nhận trong quý 3 tới, theo bà Trúc, dòng vốn ở thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ được giữ vững. Vốn cho hoạt động sản xuất vẫn sẽ được duy trì ổn định. Chỉ thị điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm vừa được ban hành cho thấy tăng trưởng tín dụng có thể sẽ cao hơn mục tiêu 18% trong 2017. Với lượng cung tiền đang dồi dào và lãi suất bình quân liên ngân hàng ở mức 2.43%, lãi suất sau các tháng đầu năm tăng nóng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này cho thấy, rủi ro rút vốn khỏi thị trường là tương đối thấp.

Bên cạnh đó, kênh bất động sản (BĐS) đang được Chính phủ quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế bong bóng xảy ra. Như qua Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36, dòng vốn “đầu cơ” từ thị trường BĐS sẽ tìm kiếm kênh đầu tư khác và thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong số đó.

Ngoài ra, dòng vốn khối ngoại theo như đánh giá cũng sẽ tiếp tục tìm đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại những tháng qua, dòng vốn ngoại liên tục mua ròng bất chấp thị trường đang tăng mạnh hay đang điều chỉnh. Lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị mua ròng của họ đã lên đến 7,023 tỷ đồng, khá nóng kể từ năm 2008 đến nay. Theo bà Trúc, nhiều nhà quản lý quỹ cho biết lượng vốn nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam liên tục tăng lên, thậm chí đôi lúc cũng gặp áp lực buộc phải giải ngân. Nền tảng vĩ mô ổn định, ít nhất là ổn định hơn một số quốc gia trong khu vực, trong cùng nhóm thị trường cận biên đồng thời kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp như trình bày ở trên có sự cải thiện nhất định đã giúp TTCK Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng liên tục được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông, nào là việc Pakistan thăng hạng, các quỹ đầu tư sẽ lựa chọn thêm các thị trường cận biên khác để rót vốn vào hay trực tiếp câu chuyện Việt Nam được xem xét nâng bậc lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố giúp khối ngoại duy trì mua ròng mạnh từ đầu năm.

Margin đang khá nóng

Đánh giá những rủi ro lớn nhất có thể diễn ra trên thị trường trong ngắn hạn, bà Trúc cho rằng, những vấn đề bất ổn địa chính trị thế giới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường bước vào giai đoạn giao dịch của hai quỹ ETFs nên có thể xuất hiện tâm lý chờ đợi do các ETFs chủ yếu nắm giữ các mã vốn hóa lớn, hoạt động mua/bán khối lượng lớn trong ngắn hạn cũng ít nhiều ảnh hưởng chỉ số chung.

Như đã đề cập, song song với việc tăng trưởng tín dụng, margin vào thị trường cũng có giai đoạn khá nóng. Dòng tiền margin lại hay tìm đến những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao nên cũng khá dễ bị “tổn thương”.

Tuy nhiên, trong rủi ro thì vẫn có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vấn đề hiện tại vẫn là chọn lựa cổ phiếu nào dựa trên nền tảng cơ bản để tích lũy khi thị trường ở trạng thái “chờ” (chờ đợi ETFs giao dịch xong hay chờ đợi dự báo kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp). Chẳng hạn như, trong báo cáo chiến lược cho tháng 6 của Rồng Việt có đề cập đến các cổ phiếu tiềm năng như cổ phiếu ngân hàng (VCB, ACB), sắt thép (HSG, NKG), VIT, NTC, PGS, FPT, PC1,…

Chứng khoán phái sinh là bước đi cần thiết để nâng hạng thị trường

Việc thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) sắp đi vào giao dịch chỉ còn là vấn đề thời gian. Bà Trúc đánh giá tích cực về việc TTCK phái sinh ra đời. Đây là bước đi cần thiết để TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng trong tương lai. Còn trước mắt, vận động của chứng khoán phái sinh có thể sẽ có tương quan với TTCK cơ sở. Đơn cử, nhà đầu tư (NĐT) có thể dựa trên điểm số của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số để tham khảo kỳ vọng hiện tại của thị trường đối với VN30, và từ đó đưa ra hành động của riêng mình.

Sẽ còn những vấn đề mà chúng ta chưa nhìn ra cho đến khi TTCK phái sinh thực sự đi vào hoạt động, nhưng nhìn chung sẽ rất thú vị khi theo dõi sự tương quan này. Một ẩn số nữa là sự dịch chuyển dòng tiền từ TTCK cơ sở sang TTCK phái sinh”, bà Trúc nói thêm.

Bà Trúc cũng kỳ vọng nhà đầu tư sẽ dần dần đón nhận các sản phẩm chứng khoán phái sinh sau khi họ vượt qua khoảng thời gian bỡ ngỡ ban đầu.Thứ nhất, CKPS cho phép NĐT có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm điểm. Thứ hai, mức ký quỹ chỉ khoảng 10-15% là rất hấp dẫn đối với NĐT cá nhân Việt Nam, vốn luôn ưa thích việc sử dụng đòn bẩy. CKPS cũng có thể sử dụng như 1 công cụ phòng ngừa rủi ro (hedge), nhưng với HĐTL trên chỉ số, tôi cho rằng có lẽ phần lớn vẫn sẽ sử dụng nó theo hướng đầu cơ (speculate). HĐTL chỉ số cũng là sản phẩm để thị trường làm quen trước khi tiến tới những sản phẩm được ưa chuộng hơn như cover warrant hay option trên cổ phiếu.

Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy lớn hơn nhiều so với ký quỹ bình thường cũng là rủi ro lớn nhất mà NĐT cần chú ý và tìm hiểu rõ. Lấy ví dụ với HĐTL chỉ số, mức ký quỹ sẽ được tính toán dựa trên giá trị của HĐTL sau mỗi ngày. Do đó, 2 trường hợp mà NĐT đặt cược sai là mua HĐTL nhưng chỉ số giảm, và bán HĐTL mà chỉ số tăng (đây là trường hợp tệ nhất vì NĐT vừa thua lỗ mà mức yêu cầu ký quỹ còn tăng lên) sẽ khiến NĐT có nguy cơ bị margin call. Vì thế, NĐT nên giữ trong tài khoản một mức tiền cao hơn mức ký quỹ yêu cầu./.

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 14/06: Mục tiêu tiếp theo là mốc tâm lý 760 điểm (13/06/2017)

>   Góc nhìn 13/06: Biến động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 750 điểm (12/06/2017)

>   Động lực tăng trưởng đang hiện hữu tại cổ phiếu nào? (12/06/2017)

>   Góc nhìn tuần 12-16/06: Tích lũy trước khi bứt phá? (11/06/2017)

>   Góc nhìn 09/06: Giằng co (08/06/2017)

>   Góc nhìn 08/06: Áp lực chốt lời nhanh chóng gia tăng (07/06/2017)

>   Kiếm lời từ thị trường chứng khoán tháng 6: Khó ăn! (07/06/2017)

>   Góc nhìn 07/06: Ngưỡng hỗ trợ đang ở khá xa (06/06/2017)

>   Góc nhìn 06/06: Thách thức lại mốc kháng cự 745 điểm (05/06/2017)

>   Tìm kiếm cơ hội sinh lợi ở cổ phiếu nào? (05/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật