Phó thủ tướng: Chính phủ quyết đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định tăng trưởng 2017 khó có thể đạt 6,7% nhưng Chính phủ kiên định giữ con số này.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội.
|
Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/5, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Chính phủ lý giải, thực hiện được tăng trưởng GDP thì mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân.
Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 tăng trưởng 6,5 - 7%.
Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao, ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp theo cơ chế thị trường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, trong dân và kiều bào tở nước ngoài cho phát triển sản xuất kinh doanh cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo.
Thay vì khẳng định sẽ tăng khai thác dầu, lần này Chính phủ cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến giá dầu để điều tiết sản xuất kinh doanh dầu khí phù hợp, có giải pháp xử lý hiệu quả đối với khoáng sản tồn kho, trong đó có việc xem xét cho phép xuất khẩu.
Rà soát, có biện pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả các phân khúc thị trường bất động sản cũng là giải pháp được Chính phủ xác định.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từng ngành dịch vụ, phấn đấu tăng trưởng khu vực này đạt khoảng 7,2%.
Ban hành và triển khai hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị về đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường kết nối, thu hút du khách, nhất là ở các thị trường trọng điểm; nghiên cứu, tiếp tục mở rộng cấp thí điểm thị thực điện tử; phấn đấu cả năm thu hút khách quốc tế tăng trên 30%.
Kiên quyết xử lý ngân hàng yếu kém
Báo cáo Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Phó thủ tướng đánh giá, việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn. Năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.
Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống - Phó thủ tướng cho biết.
Báo cáo cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thiện phương án cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng. Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Có cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Theo báo cáo của Chính phủ, công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt. Tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra.
Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận.
Trong đó, có 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắc Lắc, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ.
Một số ví dụ tiếp theo được đề cập là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên môi trường Bình Định có 6 phó giám đốc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo...
Phó thủ tướng nêu rõ, thời gian tới Chính phủ tập trung chỉ đạo khắc phục những yếu kém, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ, gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi suy thoái, chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu...
http://vneconomy.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-chinh-phu-quyet-dat-muc-tieu-tang-truong-nam-nay-20170522101810921.htm
|