Đường đi của lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng tuy đã giảm nhiệt trong 3 tháng gần đây nhưng áp lực tăng trong thời gian tới là rất lớn, trước khả năng điều chỉnh giá các dịch vụ công và những diễn biến từ thị trường quốc tế cũng ảnh hưởng lên mặt bằng giá trong nước. Do đó, nhiều dự báo cho rằng lạm phát có thể vượt mức mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay.
Chỉ số giá tiêu dùng giảm nhiệt
Chỉ số giá tiêu dùng đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong 3 tháng gần đây, cho thấy áp lực lạm phát đã giảm xuống. Nếu như so với tháng liền trước, CPI tháng 1 tăng đến 0.46%, thì tháng 2 chỉ còn tăng 0.23%, tháng 3 tăng 0.21% và tháng 4 vừa qua là 0%. Vì vậy, mức tăng CPI so với cùng kỳ cũng liên tục giảm trong 3 tháng gần đây, đến tháng 4 chỉ còn tăng 4.3%, mức thấp nhất trong 6 tháng gần đây, trong khi tháng 1 là 5.22%, tháng 2 là 5.02% và tháng 3 là 4.65%.
Trong mức tăng 4.3% tính đến tháng 4 so với cùng kỳ, đáng chú ý là giá dịch vụ y tế tăng 63.62% do các tỉnh thành thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, giao thông tăng 11.07% chủ yếu do ảnh hưởng của lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tại thời điểm 18/2/2017, dịch vụ giáo dục tăng 11.3% do các tỉnh thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ. Riêng chỉ số hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0.54% so với cùng kỳ.
Về diễn biến CPI hạ nhiệt trong 3 tháng gần đây, chủ yếu nhờ giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống liên tiếp giảm trong 2 tháng qua, chủ yếu giảm ở nhóm hàng thực phẩm 1.11%, chỉ số giá giao thông trong tháng 4 giảm mạnh trở lại 1.38% so với tháng trước do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 21/3/2017 và thời điểm 5/4/2017, giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0.24% và giá bưu chính viễn thông giảm 0.03%.
Áp lực từ điều chỉnh giá dịch vụ công
Tuy chỉ số giá tiêu dùng đã hạ nhiệt dần trong 3 tháng qua, nhưng rủi ro lạm phát trong thời gian tới vẫn còn khá cao. Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, mặc dù thành phần mùa vụ cũng như thành phần chu kỳ đã bắt đầu giảm kể từ tháng 2, song xu hướng dài hạn của lạm phát đang tiếp tục tăng, cụ thể tại thời điểm tháng 4/2017 xu hướng lạm phát dài hạn cao hơn khoảng 0.9 điểm % so với tháng 4/2016.
Về các yếu tố ảnh hưởng, áp lực tăng giá điện có thể tác động đáng kể lên lạm phát năm nay. Hiện tại mức tăng giá điện dựa vào các cơ sở là giá nhiên liệu đầu vào như giá than, giá khí,... cơ cấu nguồn điện và tỷ giá. Với việc tỷ giá duy trì xu hướng đi lên, giá than đã được điều chỉnh từ năm 2016, trong khi giá điện đã đứng yên 2 năm (lần tăng gần đây nhất là vào ngày 16/3/2015), thì kịch bản tăng giá điện trong năm 2017 hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo quy định hiện tại, EVN có thể điều chỉnh tăng giá điện đến 20%/ năm, các chuyên gia cũng đồng tình với phương án cần điều chỉnh giá điện trong năm nay, vì nếu tiếp tục trì hoãn sẽ gây áp lực điều chỉnh mạnh trong năm 2018 và từ đó có thể càng tác động mạnh lên lạm phát cho năm sau. Trong cuộc họp hôm 26/4 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu EVN xây dựng kịch bản giá điện năm 2017 theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư.
Về giá dịch vụ y tế, theo Bộ Y tế thì trong năm 2017, viện phí của người không có BHYT sẽ được điều chỉnh tính thêm chi phí phụ cấp ngày trực, phẫu thuật thủ thuật và tiền lương, đáng lưu ý là trong khoảng 1,900 dịch vụ, nhiều dịch vụ có thể tăng giá gấp 2-3 lần. Ngoài ra, hiện tại còn khoảng 13 tỉnh thành chưa thực hiện việc tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình.
Và những diễn biến từ thị trường quốc tế
Về giá lương thực thực phẩm, mặc dù đã giảm trong những tháng đầu năm nay, tuy nhiên rủi ro vẫn không thể loại trừ. Với biến đổi khí hậu ngày càng khó dự đoán khiến cho ngành nông nghiệp đứng trước rủi ro rất lớn từ thiên tai, hạn hán. Trong khi đó, với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực hơn, nhất là đầu tàu kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi mạnh mẽ trở lại, thì giá hàng hóa thế giới phục hồi trong năm 2017 một mặt tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp và khai khoáng nhưng mặt khác lại gây áp lực lên lạm phát. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia yếu tố giá hàng hóa thế giới có thể làm lạm phát cao hơn năm 2016 khoảng 2.5%.
Việc các quốc gia duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cũng sẽ khiến các dòng vốn nóng tiếp tục chảy vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, dẫn đến lượng cung tiền trong nền kinh tế có thể tăng lên. Theo Tổng cục thống kê, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm đạt 10,598 triệu USD, tăng mạnh 40.5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Việt Nam cũng đã duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong 2 năm trở lại đây, với tăng trưởng tín dụng và cung tiền đặt ra ở mức khá cao từ 18%. Đáng chú ý tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm nay cũng ở mức khá cao so với cùng kỳ những năm trước đây.
Trong khi đó, với khả năng FED còn 2 lần tăng lãi suất trong năm nay dẫn đến áp lực điều chỉnh tỷ giá. Hiện tại tỷ giá trung tâm so với đầu năm chỉ mới tăng khoảng 1% trong khi tỷ giá mua bán tại các ngân hàng vẫn khá ổn định, do đó hạn mức để tiếp tục điều chỉnh tăng lên còn khá lớn. Nếu VNĐ bị mất giá cũng gây áp lực lên lạm phát, do làm hàng hóa nhập khẩu trở nên mắc hơn, từ đó tác động đến mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Theo Tổng cục thống kê chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý 1 năm nay đã tăng 3.23% so với cùng kỳ năm 2016.
Về các yếu tố ảnh hưởng, áp lực tăng giá điện có thể tác động đáng kể lên lạm phát năm nay. Hiện tại mức tăng giá điện dựa vào các cơ sở là giá nhiên liệu đầu vào như giá than, giá khí,... cơ cấu nguồn điện và tỷ giá. Với việc tỷ giá luôn duy trì xu hướng đi lên, giá than đã được điều chỉnh từ năm 2016, trong khi giá điện đã đứng yên 2 năm (lần tăng gần đây nhất là vào ngày 16/3/2015), thì kịch bản tăng giá điện trong năm 2017 hoàn toàn có thể xảy ra.
|
|