Thứ Sáu, 05/05/2017 13:46

Lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước

Đối với doanh nghiệp nhà nước, hiện nay có hai vấn đề lớn đang được thảo luận nhiều. Thứ nhất là xác định phạm vi, quy mô, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Thành, ông Vũ Tiến Lộc, ông Nguyễn Đình Cung, ông Đặng Quyết Tiến.

Hai là mô hình tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong đó, dù đã được đặt ra và nghiên cứu, trao đổi từ nhiều năm nay nhưng mô hình đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn là vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo.

Sau cuộc họp gần đây nhất của Chính phủ và các bộ ngành về mô hình cơ quan quản lý vốn nhà nước, 2 phương án đã được gút lại. Để góp thêm ý kiến cho việc lựa chọn và hoàn thiện mô hình đặc biệt này, VnEconomy xin trân trọng giới thiệu những phân tích, quan điểm của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế.

“Ưu tiên hàng đầu cho hiệu quả kinh doanh”

(Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam)

“Sẽ không có phương án nào đáp ứng được toàn bộ các mục tiêu đề ra mà phải lựa chọn phương án tối ưu hơn bằng cách xác định mục tiêu nào là quan trọng nhất.

Về lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được sự đồng thuận cao nhất là yêu cầu phải tách vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi vai trò quản lý nhà nước.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa biết mô hình nào là tốt. Bởi vì nói lý thuyết là như vậy, theo thông lệ tốt nhất, ngay tại các nước phát triển mà OECD khuyến cáo thì việc tách biệt nên ở mức độ càng cao càng tốt. Nhưng thực tiễn Việt Nam cũng như các nước khác dù có tách bạch cũng không đạt được mục tiêu 100%.

Ví dụ tại thời điểm này, nếu chỉ nhìn vào mô hình SCIC đang kiểm soát 9.900 tỷ đồng vốn chủ sở hữu trong 1,37 triệu tỷ đồng, tức là tập trung vào chức năng một tổ chức đại diện chủ sở hữu, thì mới chỉ chiếm tỷ lệ kiểm soát 0,7%. Nếu như vậy, cân nhắc đầu tiên là một mô hình mới liệu tập trung hoá được bao nhiêu?

Cân nhắc thứ hai cần tính đến khi lựa chọn mô hình là: mục tiêu sau khi tập trung hoá là gì. Cũng như các đề án khác, chúng ta muốn đa mục tiêu và không có thứ tự ưu tiên.

Chúng ta muốn tách bạch để nâng cao hiệu quả quản trị cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, chúng ta lại muốn đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhưng chúng ta vẫn muốn giữ vai trò chính yếu của Nhà nước là thực hiện điều hành doanh nghiệp như một công cụ chính trị. Nếu đa mục tiêu như vậy thì không có mô hình nào thực hiện được. Mô hình nào cũng có điểm lợi, có điểm bất lợi.

Mô hình doanh nghiệp điểm thuận lợi nhất là tập trung vào việc tối đa hoá hiệu quả hoạt động và gắn động cơ của mô hình doanh nghiệp đấy với hiệu quả là tối đa hoá lợi ích cổ đông trong đó Nhà nước với vai trò là một cổ đông trong doanh nghiệp. Mô hình 1 cơ quan nhà nước vẫn thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước thực hiện mục tiêu chính trị, kinh tế-xã hội.

Nhìn vào bối cảnh thực tiễn Việt Nam thì thấy rằng thời gian qua chúng ta đặt quá nặng và yếu tố chính trị, sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô và chính vì vậy chúng ta đã gặp phải một số trục trặc hiện nay như về hiệu quả thấp, các dự án đầu tư không tuân thủ theo nguyên tắc thị trường như 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, yếu kém trong ngành công thương.

Nhân cơ hội này, chúng ta nên đặt nặng mục tiêu mà thời gian qua đã lơ là: Nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn, bây giờ Nhà nước quản lý vốn còn lại trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Vì vậy, thứ tự ưu tiên là hiệu quả kinh doanh, tuân theo các nguyên tắc của thị trường, chức năng quản lý nhà nước đã tách bạch. Mục tiêu phải là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là cao nhất chứ không phải là mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế xã hội chung chung.

Và như vậy, mô hình doanh nghiệp là tốt hơn. Điểm quan trọng hơn là trong mô hình doanh nghiệp, không phải Công ty đầu tư vốn nhà nước như là siêu doanh nghiệp, mà quan trọng là: trong mô hình công ty quản lý vốn hay quỹ đầu tư, mọi cơ chế phải gắn liền với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Song song với đề án, dứt khoát phải có cơ chế cụ thể về đề cử và lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị có vốn nhà nước, là đại diện phần vốn nhà nước và với một cơ chế lựa chọn không theo cơ chế hành chính và có thể áp dụng nguyên lý theo thông lệ OECD”.

“Tập đoàn tài chính là mô hình phù hợp”

(Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

“Tôi rất mừng là chúng ta đã có phương án về việc này. Tuy nhiên, tôi khá băn khoăn với phương án thành lập một ủy ban chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước. Bởi ủy ban hay cơ quan thì cũng là đơn vị quản lý hành chính, nên quản lý vốn và tài sản nhà nước là khó phù hợp.

Theo tôi, không nên tập trung quyền lực tài chính và quyền lực quản lý vốn vào một cơ quan. Chúng ta muốn bỏ đi bộ chủ quản, không giao quyền quản lý vốn mà thành lập một cơ quan thì vừa có quyền lực hành chính, vừa có quyền lực về vốn là không thích hợp. Quy mô vốn nhà nước là rất lớn, đòi hỏi khả năng quản lý rất cao, việc tập trung vào một cơ quan sẽ tạo quyền lực quá lớn là không nên.

Trong các phương án, tôi vẫn cho rằng cơ quan quản lý vốn nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng phải là hình thức tổ chức tập đoàn tài chính, gần với mô hình SCIC được nâng cấp, thay vì một bộ hay ủy ban. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý.

Tôi đề nghị thành lập hai tập đoàn tài chính của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tập hợp tất cả vốn của doanh nghiệp nhà nước, thực hiện vai trò quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động như công ty tài chính đầu tư vào tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.

Việc thành lập các công ty quản lý vốn nhà nước như vậy vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo khả năng cạnh tranh và công ty tài chính quản lý vốn sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản, càng không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì đảm bảo quản lý vốn nhà nước hiệu quả hơn.

Công ty đầu tư tài chính thì chỉ chịu trách nhiệm nguồn vốn đầu tư của mình vào các khoản đầu tư đó, chứ không phải là cơ quan cấp trên, có quyền can thiệp vào doanh nghiệp.

Đồng thời, việc này cũng phù hợp với chủ trương của Thủ tướng đã nói, là cần cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, rút vốn nhà nước ra khỏi những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh thuần túy và chỉ giữ lại vốn nhà nước trong một số lĩnh vực, để dành thị trường cho các thành phần kinh tế khác”.

“Mô hình tổ chức kinh tế là khả thi nhất”

(Ông Phạm Đình Soạn - Nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp)

“Kiến nghị mô hình và các bước đi cụ thể như sau. Bước 1: củng cố và phát triển SCIC hiện có, khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, bán vốn. Chuyển dần các tổng công ty, tập đoàn 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình chung của SCIC.

Có thể sáp nhập một số tổng công ty, tập đoàn nhỏ lẻ. Cho phép một số địa phương lớn như Tp.HCM, Hà Nội được thành lập các SCIC riêng. Trong giai đoạn đầu nên giữ nguyên mối quan hệ trực thuộc.

Đây là sự thay đổi về chất mối quan hệ giữa bộ ngành, UBND các địa phương với doanh nghiệp nhà nước, và cũng là một cách thực hiện Nghị quyết Trung ương về chuyển giao chức năng chủ sở hữu.

Thực hiện việc giao vốn cho các SCIC (do Bộ Tài chính chủ trì có sự chứng kiến của các bộ chuyên ngành, UBND các tỉnh thành phố), nhằm xác lập nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn và nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước theo hai chế độ phân phối lợi nhuận như trên đã đề cập.

Tổ chức lại hệ thống giám sát tài chính doanh nghiệp: thành lập Tổng cục Quản lý và Giám sát tài chính doanh nghiệp (trên cơ sở nâng cấp Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính) làm chức năng quản lý nhà nước: ban hành chế độ chính sách về tài chính doanh nghiệp, kiểm tra giám sát và hướng dẫn việc thực thi các chế độ đó. Không phải chỉ với các doanh nghiệp nhà nước mà cả các thành phần kinh tế khác. Nên chốt lại thời gian để thực hiện bước 1 là không quá 2 năm.

Bước 2: trên cơ sở đã tạo lập được những tiền đề để tiếp tục xây dựng mô hình mới, trong đó có việc xác lập được tổng số và quy mô doanh nghiệp nhà nước còn lại sau cổ phần hóa, chúng ta thực hiện việc sáp nhập một số SCIC lại, có thể chỉ để tồn tại một vài SCIC (thậm chí là 1 nếu có thể).

Về sự lựa chọn 1 trong 2 phương án đã được nêu theo chỉ đạo của Chính phủ, tôi cho rằng, phương án là một tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) là khả thi nhất, vì nó không tạo ra sự xáo trộn nào. Tuy nhiên, nó cần được điều chỉnh và thực hiện theo lộ trình từng bước cụ thể. Phương án là một uỷ ban chuyên trách hành chính nên tham khảo kỹ ý kiến doanh nghiệp.

Nếu là doanh nghiệp, tôi không muốn phương án này vì sẽ thêm một người nữa là chủ sở hữu đến gõ cửa doanh nghiệp, trong khi người cũ (quản lý nhà nước) vẫn không thể bỏ được.

Điều mà doanh nghiệp muốn là sự thay đổi bên trong, thay đổi về chất. Phương án là một uỷ ban chuyên trách nhưng thành lập trên cơ sở nâng cấp SCIC sẽ là một bước thụt lùi do đưa SCIC quay trở về thành một cơ quan quản lý hành chính”.

“Hạn chế sự can thiệp hành chính vào doanh nghiệp”

(TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM)

“Phân tích về điểm mạnh, yếu của 2 mô hình có thể thấy mỗi mô hình đều có những lợi thế riêng. Mô hình cơ quan thuộc Chính phủ có vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình doanh nghiệp, trong việc: thực hiện đầy đủ chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là nhiệm vụ đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư nhà nước.

Tuy nhiên, do là cơ quan nhà nước nên việc khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng và cụ thể như mô hình doanh nghiệp... Còn mô hình doanh nghiệp thì có ưu điểm lớn là về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước.

Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu nên không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về doanh nghiệp này quản lý; do cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận nên khó thực hiện chức năng đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng, cần tới vai trò của doanh nghiệp nhà nước và của kinh tế nhà nước...

Cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, trả lời được các câu hỏi mà hiện tại Chính phủ cũng không dễ đưa ra như: hiện đang có bao nhiêu tài sản công có tính thương mại, nằm ở đâu, dưới dạng nào, cái nào đang sinh lợi, cái nào kém hiệu quả, cái nào cần tiếp tục để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hay vốn “mồi”, cái nào cần thoái để trả lại không gian cho đầu tư tư nhân?...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sẽ không có một cơ quan vừa làm chức năng hoạch định chính sách, điều tiết, quản lý thị trường, lại vừa quyết định đầu tư, kinh doanh. Dù gọi với cái tên gì đi chăng nữa thì cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính và can thiệp chính trị mang tính vụ việc vào quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước.

Hiện còn ý kiến khác nhau về mô hình, cách thức hình thành và cơ chế hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu mới. Dù lựa chọn mô hình nào cũng phải có lộ trình chuyển giao doanh nghiệp, đặc biệt là: doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, an sinh xã hội; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp là các tổ chức kinh tế đặc thù của các bộ; ngân hàng thương mại...

Ngoài ra phải giải quyết vấn đề doanh nghiệp lớn của các địa phương như Hà Nội, Tp.HCM”.

“Mô hình công ty có nhiều ưu thế hơn”

(Ông Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính)

“Qua nghiên cứu kinh nghiệm của gần 40 quốc gia trên thế giới về mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam đã được rút ra.

Với các ưu điểm của mình, mô hình tập trung trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xu thế chung đang được đa phần các nước trên thế giới áp dụng.

Trong các mô hình tập trung thì mô hình công ty là có nhiều ưu thế và đang được nhiều nước áp dụng thành công, một số nước cũng đang từng bước chuyển đổi sang mô hình này (Trung Quốc).

Tuy nhiên, cần hiểu “tập trung” ở mức độ tương đối. Đa phần các nước áp dụng mô hình này đều có các doanh nghiệp nhà nước đặc thù khác nhau thuộc quản lý ở các bộ, cơ quan, thực hiện quản lý và làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Ngay cả với trường hợp của Trung Quốc thì ở cấp trung ương vẫn có 05 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính và 94 doanh nghiệp do các cơ quan Trung ương khác (ngoài SASAC) quản lý . Việc áp dụng linh hoạt các mô hình có thể được thực hiện, tuy nhiên phải đảm bảo tính độc lập của các mô hình.

Mục tiêu phân tách giữa “chính và doanh”: phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh nên là mục tiêu hàng đầu khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

Hiệu quả quản lý của một mô hình phụ thuộc rất lớn vào quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, tính phức tạp của các loại hình, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó việc thu hẹp về số lượng, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cũng như việc thực hiện triệt để quá trình phân loại, phân tách lĩnh vực kinh doanh (công ích và vì lợi nhuận) của các doanh nghiệp nhà nước là vô cùng quan trọng.

Việc tập trung sức mạnh các doanh nghiệp nhà nước lớn và quan trọng trong các lĩnh vực, ngành then chốt vào một tổ chức cũng có thể làm tăng sự rủi ro, phát sinh những vấn đề về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị, đặc biệt trong môi trường quản lý yếu kém.

Mô hình cần nâng cao năng lực ở cả 3 khâu là quản lý vốn từ phía chủ sở hữu, tạo môi trường nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát hiệu quả sử dụng vốn. Tránh việc chỉ chú trọng vào 1-2 khâu đều làm hiệu lực quản lý không đạt yêu cầu.

Mô hình cần tạo thuận lợi cho việc áp dụng các thông lệ tốt trong quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch đối với việc sử dụng vốn nhà nước và công tác quản lý của các khâu trong mô hình quản lý. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, người lao động, giám sát toàn diện trước, trong, sau.

Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề có thể xảy ra đối với mô hình tập trung nói chung, như: (i) Tiếp tục can thiệp. Chính phủ vẫn có thể can thiệp vào quyết định hoạt động hoặc áp đặt các nghĩa vụ xã hội mà không được định nghĩa rõ ràng.

(ii) Thiếu chức năng và thẩm quyền. Các đơn vị thực hiện chức năng sở hữu có thể mang tính thụ động, ít quyền hơn so với doanh nghiệp nhà nước lớn, nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ; (iii) Thiếu năng lực.

Thiếu nguồn ngân sách, khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân sự cần thiết có trình độ và kinh nghiệm; thiếu khả năng chiến lược, các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành... để thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước một cách hiệu quả”.

“Mô hình doanh nghiệp phù hợp hơn”

(Ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính)

“Phân tích các ưu điểm, nhược điểm của 2 mô hình đang được đề xuất và mục đích, yêu cầu đề ra, chúng tôi xin đề cập đến mô hình tổ chức đại diện chủ sở hữu theo mô hình Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Về địa vị pháp lý, Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tổ chức theo hình thức Công ty TNHH MTV thuộc Chính phủ; tổ chức, quản lý và hoạt động quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật số 69/2014/QH13, sẽ giúp cho mô hình công ty đầu tư vốn nhà nước hoàn thiện hơn, đảm bảo thực thi tốt 3 nội dung.

Thứ nhất, mô hình công ty sẽ thay đổi cách thức quản lý và nhân lực, không chỉ thực hiện vai trò cổ đông thụ động tại công ty cổ phần, mà còn phải thực hiện trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước với nhiều công việc phức tạp và khó khăn hơn như bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, giám sát, đánh giá doanh nghiệp, phê duyệt hoặc quyết định các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp...

Thứ hai, dễ dàng áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp, quản trị vốn đầu tư theo đúng thông lệ quốc tế, thúc đẩy nguyên tắc bắt buộc công khai, minh bạch thông tin tài chính, thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trách nhiệm giải trình của Ban lãnh đạo công ty, gắn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu công ty trước bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội và Trung ương về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây chính là lời giải cho bài toán về mối quan hệ trong điều hành sản xuất kinh doanh khi thực hiện chuyển quyền đại diện vốn nhà nước từ các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn về thuộc quyền quản lý của mô hình doanh nghiệp; và giúp doanh nghiệp làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các bộ chuyên ngành lựa chọn cán bộ lãnh đạo chủ chốt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ nhiệm.

Thứ ba, khi chuyển các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước về mô hình công ty, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tham gia phối hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thực hiện chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đầu tư phát triển các ngành cần tới vai trò của doanh nghiệp nhà nước sát thực tiễn, đảm bảo công khai, minh bạch hơn.

Nhà nước là chủ sở hữu của doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước. Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với cơ quan chuyên trách. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ.

Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước sẽ đảm nhận là cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước chuyển giao từ các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước do SCIC hiện nay quản lý.

Về phương diện quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, mô hình doanh nghiệp sẽ tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, việc giám sát, đánh giá của Nhà nước cũng thuận tiện và dễ dàng hơn so với mô hình cơ quan hành chính nhà nước.

Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước sẽ đảm bảo nguyên tắc là người đồng hành cùng với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, sẽ không thiết lập cơ chế cấp trên - cấp dưới theo mô hình công ty mẹ - công ty con đối với các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, không tạo ra sự xung đột, cản trở công tác điều hành, quản trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đồng thời sẽ thống nhất lợi ích gia tăng lợi nhuận đối với các doanh nghiệp kinh doanh...

Như vậy, việc lựa chọn mô hình nào phù hợp nhất, thuận lợi và có hướng đến phát triển trong tương lại cần được xem xét cặn kẽ tránh việc phải sửa chữa, hoàn thiện nhiều lần.

Xuất phát từ yêu cầu đó, chúng tôi cho rằng mô hình tổ chức đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo hình thức công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước cần được phân tích, đánh giá đúng những điểm mạnh vốn có của mô hình.

Đó là đáp ứng được các mục tiêu đề ra, đặc biệt sẽ tách triệt để chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và không phải thay đổi lớn các văn bản luật do Quốc hội ban hành”.

http://vneconomy.vn/doanh-nhan/lua-chon-mo-hinh-quan-ly-von-nha-nuoc-20170505122229855.htm

Các tin tức khác

>   Cơ chế đặc thù tạo động lực cho TP.HCM phát triển (05/05/2017)

>   Phấn đấu tăng trưởng GDP từ 6.26% trong quý 2 (04/05/2017)

>   Thủ tướng: Không để tái diễn tình trạng rớt giá như dưa hấu, thịt lợn (04/05/2017)

>   Thủ tướng phê duyệt kế hoạch vay hơn 342 ngàn tỷ đồng trong 2017 (03/05/2017)

>   PMI tháng 4 đạt 54.1 điểm, giảm nhẹ so với tháng trước (03/05/2017)

>   CPI tháng 4 không thay đổi so với tháng trước (29/04/2017)

>   Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “tích cực” (29/04/2017)

>   Điều kiện tỉnh được vay lại từ nguồn vốn vay ODA (29/04/2017)

>   Bảo đảm tận dụng tối đa vốn vay ưu đãi (27/04/2017)

>   TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8.4 - 8.7% (26/04/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật