Ban hành Thông tư 36 sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong TTCK
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 36/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/06/2017.
* HOSE: Một số lưu ý về xử phạt vi phạm chứng khoán
* Hợp nhất Nghị định 145 và 108 về xử phạt vi phạm chứng khoán
Theo đó, đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện chào bán, phát hành chứng khoán, ngày chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc thu tiền mua chứng khoán. Còn thời hiệu xử phạt được tính kể từ ngày chứng khoán được đưa vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với vi phạm đã kết thúc hoặc kể từ ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm đối với vi phạm đang được thực hiện.
Đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, thời hiệu xử phạt được tính kể từ ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Việc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) và tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặc cọc được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm công bố trên 1 tờ báo trung ương trong 3 số liên tiếp và trên trang thông tin điện từ của công ty về việc hoàn trả tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc. Khoản tiền lãi của tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải trả cho nhà đầu tư được tính từ ngày nhà đầu tư nộp tiền đến ngày cá nhân, tổ chức vi phạm trả lại tiền cho nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư đã chuyển nhượng chứng khoán mua trong đợt chào bán nêu trên một cách hợp lệ, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm xác định các nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng trước thời điểm thông báo hoàn trả tiền và số lượng chứng khoán hiện đang nắm giữ dể thông báo cho nhà đầu tư đó biết;
- Cá nhân, tổ chức vi phạm phải báo cáo UBCKNN về kết quả thực hiện việc hoàn trả lại tiền này trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Đối với hành vi "Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán ra công chúng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự", và hành vi "Lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán" được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Là hành vi tạo dựng hoặc xác nhận các tài liệu, thông tin không có thực hoặc không chính xác để đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán;
- Khi phát hiện hành vi vi phạm, UBCKNN, Sở GDCK phải lập biên bản thu giữ giấy tờ giả mạo.
Đồng thời, việc vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cũng được sửa đổi. Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bị áp dụng mức phạt tiền trong khung phạt có mức tối đã từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức hoặc bị áp dụng hình phạt xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn hoặc bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định sẽ bị công bố công khai thông tin về vi phạm hành chính trong lính vực chứng khoán.
Ngoài ra, Thông tư này cũng bổ sung vi phạm quy định về thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ cũng như vi phạm quy định về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng; hay vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán...
* Tải tài liệu: Thong tu 36-1.pdf
|