Thứ Hai, 24/04/2017 11:05

Sửa Luật Cạnh tranh: Để xử lý các hành vi phi cạnh tranh

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi để lấy ý kiến người dân trước khi hoàn thiện trình Chính phủ. Theo giới chuyên môn, dự thảo luật này có khá nhiều điểm điều chỉnh so với luật hiện hành và kỳ vọng sẽ giúp xử lý các hành vi phi cạnh tranh một cách dễ dàng hơn.

Đề xuất về giá sàn vé máy bay mới đây nếu được chấp thuận thì chúng chỉ có thể đảm bảo lợi ích cho một số đối tượng và sẽ xâm phạm lợi ích của một số đối tượng khác. Trong ảnh: Hành khách tại sân bay Liên Khương, tỉnh lâm Đồng. Ảnh: UYÊN VIỄN

Những hạn chế trong luật hiện hành

Dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Công Thương về dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi thừa nhận pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện nay chưa quy định rõ ràng về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các quy định hiện hành chỉ đề cập đến các hình thức biểu hiện bên ngoài một cách cứng nhắc, chưa tiếp cận được bản chất phản cạnh tranh của hành vi. “Thỏa thuận ấn định mức giá sàn, giá trần; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá (không chỉ ở mức cụ thể) hoặc thỏa thuận duy trì giá bán lại cho bên thứ ba... là những thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh, nhưng chưa được quy định”, dự thảo tờ trình Chính phủ viết.

Trong thực tiễn xem xét, xử lý một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh còn nhận thấy, các hiệp hội đều là tổ chức đứng sau, giữ vai trò tổ chức, lôi kéo doanh nghiệp tham gia và giám sát việc thực thi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Thậm chí trong nhiều vụ việc, hiệp hội còn ban hành các “quyết định”, các “nghị quyết” về giá cả, sản lượng... trên thị trường để các doanh nghiệp thành viên thực hiện. Tất nhiên, do quy định về chuyện này chưa cụ thể, rõ ràng nên không thể xử lý.

Hạn chế kể trên, chỉ là một trong năm điểm không còn phù hợp của Luật Cạnh tranh 2005 được Bộ Công Thương chỉ ra trong dự thảo tờ trình Chính phủ. Những điểm hạn chế khác được đề cập như các yếu tố để xác định thị trường liên quan không phù hợp thực tế; quy định về tập trung kinh tế không có tính khả thi; chồng chéo trong quản lý dẫn đến tranh cãi hoặc đùn đẩy trách nhiệm xử lý; mô hình cơ quan thực thi chưa phù hợp.

Bà Võ Thị Lan Phương, chuyên gia đánh giá tác động pháp luật nhận xét một số quy định đặt ra nhưng không tính đến điều kiện bảo đảm thi hành. Quy định cấm tập trung kinh tế là một minh chứng. Luật Cạnh tranh hiện hành quy định nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên 50% trên thị trường liên quan; hay các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30-50% trên thị trường liên quan phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi tiến hành. Vậy nhưng, trên thực tế các doanh nghiệp không có khả năng tham chiếu hệ thống thông tin công khai của các cơ quan quản lý nhà nước để xác định được thị phần của mình trên thị trường liên quan và xem mình có thuộc ngưỡng cấm hay ngưỡng phải thông báo hay không.

Những điểm mới của dự thảo luật

Luật sư Châu Huy Quang, luật sư điều hành của R&T LCT Lawyers, đánh giá Luật Cạnh tranh hiện hành rõ ràng có nhiều hạn chế và Bộ Công Thương đã có những nỗ lực khắc phục những vấn đề này trong dự thảo luật sửa đổi.

Thứ nhất, khoản 1, điều 2 của dự thảo Luật Cạnh tranh đã mở rộng phạm vi áp dụng với cả doanh nghiệp nước ngoài, hiểu theo nghĩa được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, đối tượng vốn chưa được quy định rõ ràng trong luật hiện hành. Lâu nay, quan điểm xử lý của cơ quan nhà nước đối với đối tượng này chưa nhất quán khiến doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về việc có hay không có khả năng mình bị điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh của Việt Nam.

Thứ hai, điều 11 của dự thảo đã quy định các cách thức khác nhau cho việc xác định thị phần, trong đó thừa nhận cả cách tính theo doanh thu, doanh số, hoặc đơn vị hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó là hướng dẫn xác định thị phần trong một số trường hợp đặc thù, ví dụ xác định thị phần của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng… Lâu nay, Luật Cạnh tranh hiện hành chỉ thừa nhận việc xác định thị phần theo doanh thu (bằng tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quí, năm). Quy định như luật hiện hành trong bối cảnh nguồn thông tin chính thức cung cấp đầy đủ các số liệu chính xác về doanh thu của các doanh nghiệp thiếu hụt như hiện nay đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Cách này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, dự thảo Luật Cạnh tranh cũng đã bổ sung thêm các công cụ định tính nhằm xác định khả năng chi phối của một doanh nghiệp đối với thị trường. Theo đó, cơ quan nhà nước có thể đánh giá sức mạnh thị trường của một doanh nghiệp dựa trên tổng thể các yếu tố khác nhau gồm thị phần; cấu trúc thị trường và tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường; năng lực công nghệ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, quy mô mạng lưới phân phối, mạng lưới tiêu thụ... Quy định như vậy đã khắc phục được hạn chế của luật hiện hành vốn chỉ căn cứ vào thị phần, một yếu tố mang tính định lượng để đánh giá khả năng tác động của doanh nghiệp đối với thị trường cũng như xác định các hành vi liên quan. Trên thực tế, tiêu chí thị phần chưa hẳn đã phản ánh đúng vị thế, sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường. Ở những thị trường có rào cản gia nhập và mở rộng thị trường thấp, doanh nghiệp có mức thị phần cao chưa hẳn đã có sức mạnh thị trường và ngược lại.

Tuy nhiên, luật sư Châu Huy Quang cũng lưu ý, với phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành và việc xem xét cả các yếu tố định tính đối với một hành vi thì doanh nghiệp và ngay cả cơ quan nhà nước đều có thể gặp khó khăn trong quá trình thực thi quy định mới (nếu được thông qua). Chẳng hạn là việc đánh giá “tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường” theo điều 24, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi. Bởi lẽ, việc đánh giá có thể mang tính chủ quan dựa trên mức độ tác động hạn chế cạnh tranh hay mức độ tác động thúc đẩy cạnh tranh, gây tranh cãi giữa các bên. Chính vì vậy, theo luật sư Châu Huy Quang, tính ứng dụng của điều khoản mới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại nghị định khi triển khai thực hiện Luật Cạnh tranh mới (nếu được thông qua).

http://www.thesaigontimes.vn/159180/Sua-Luat-Canh-tranh-De-xu-ly-cac-hanh-vi-phi-canh-tranh.html

Các tin tức khác

>   Thương mại song phương Việt Nam - Malaysia quý 1/2017 đạt 2,270 triệu USD, tăng 40% (24/04/2017)

>   Hàng ngàn tỉ đồng “chui” vào tài khoản người Trung Quốc (24/04/2017)

>   Vietlott: Doanh thu bán vé quý 1/2017 ước đạt 1,038 tỷ đồng (24/04/2017)

>   Ngành gỗ lao đao vì doanh nghiệp Trung Quốc (24/04/2017)

>   Cảng vụ hàng hải được để lại 57% tiền phí thu được (23/04/2017)

>   Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 (23/04/2017)

>   Ứng xử thế nào với “tour du lịch 0 đồng”? (22/04/2017)

>   Sẽ có nhiều phương án xử lý 12 dự án yếu kém (22/04/2017)

>   Thu hồi 300 xe Honda Civic 15TOP bị khuyết tật (22/04/2017)

>   Lập Ban công tác xử lý công việc khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (22/04/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật