Thứ Hai, 24/04/2017 08:07

Ngành gỗ lao đao vì doanh nghiệp Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu do bị thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc tranh mua và có dấu hiệu gian lận để lách thuế.

Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 4-2017, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch 2,07 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ rất lớn nhưng doanh nghiệp (DN) lại đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung khiến giá gỗ nguyên liệu tăng bất thường.

Giá nguyên liệu tăng cao

Ông Trần Đức Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc Nguyên Khang (chuyên thu mua gỗ cao su nguyên liệu cung cấp cho các DN làm hàng xuất khẩu), cho biết đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung thiếu hụt và phải cạnh tranh gay gắt với thương nhân Trung Quốc. Nhiều DN Trung Quốc đã vào tận Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… thu mua gỗ cao su, đẩy giá mặt hàng này từ 4,7-5 triệu đồng/m3 lên trên 7 triệu đồng/m3 khiến DN trong nước không cạnh tranh được. Tình trạng này đã diễn ra từ cuối năm ngoái và kéo dài đến nay với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Với một số hợp đồng đã ký, công ty phải chịu lỗ, mua nguyên liệu giá cao để cung ứng cho đối tác, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Một số thương nhân Trung Quốc còn núp bóng cơ sở thu mua trong nước, trực tiếp mở xưởng cưa xẻ gỗ rồi xuất về nước họ” - ông Quý lo ngại.

Giá gỗ nguyên liệu trong nước tăng cao do doanh nghiệp Trung Quốc tranh mua

Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành, nhìn nhận hiện đơn hàng xuất khẩu dồi dào nhưng nguyên liệu lại thiếu.

Theo các DN trong nước, việc Trung Quốc đóng cửa rừng tự nhiên thời gian qua khiến ngành gỗ nước này thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, phải chuyển sang tranh mua ở các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Các thống kê cho thấy nhu cầu gỗ nguyên liệu của Trung Quốc khoảng 200 triệu m3/năm nhưng sau khi đóng cửa rừng tự nhiên, nước này thiếu khoảng 60 triệu m3/gỗ.

Cần hạn chế xuất khẩu nguyên liệu

Theo các chuyên gia, trung bình mỗi năm, ngành gỗ trong nước cần 29-30 triệu m3 gỗ nguyên liệu đáp ứng cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Gần đây, sự thay đổi về chính sách xuất khẩu gỗ nguyên liệu của Lào, Campuchia và chính sách đóng cửa rừng tự nhiên của Trung Quốc đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh về thu mua nguyên liệu tại các thị trường mà DN Việt Nam đang nhập khẩu. Cộng với nguồn cung trong nước cũng bị tranh mua hiện nay, ngành gỗ càng thêm khó khăn.

Không chỉ giá nguyên liệu gỗ bị đẩy lên cao, thương nhân Trung Quốc còn có dấu hiệu khai báo gian lận về kích thước gỗ để hưởng mức thuế thấp, gây thất thu ngân sách và cạnh tranh không lành mạnh. Ông Lê Hồng Thắng cho biết đã nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý có biện pháp kiểm soát gỗ nguyên liệu xuất khẩu bằng cách áp thuế 20% cho các chủng loại thay vì tính thuế theo khai báo kích thước gỗ như hiện nay.

“Trong khi DN trong nước không đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu thì chính sách thuế hiện nay lại tạo cơ hội cho thương nhân, DN Trung Quốc khai báo gỗ nguyên liệu không đúng quy cách để hưởng mức thuế ưu đãi, gây thất thu ngân sách” - ông Thắng phân tích.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thừa nhận tình trạng thiếu hụt nguồn cung do Trung Quốc tăng cường thu mua gỗ nguyên liệu của Việt Nam đã diễn ra khá lâu, đặc biệt là gỗ cao su. Một trong những bất cập của chính sách thuế xuất khẩu hiện nay là áp dụng không đồng bộ cho các kích thước gỗ. Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính sửa đổi quy định về mức thuế, hiện đã có dự thảo và đang trình Chính phủ xem xét thông qua.

Nhiều DN gỗ kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước…

http://nld.com.vn/kinh-te/nganh-go-lao-dao-vi-doanh-nghiep-trung-quoc-2017042321433822.htm

Các tin tức khác

>   Cảng vụ hàng hải được để lại 57% tiền phí thu được (23/04/2017)

>   Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 (23/04/2017)

>   Ứng xử thế nào với “tour du lịch 0 đồng”? (22/04/2017)

>   Sẽ có nhiều phương án xử lý 12 dự án yếu kém (22/04/2017)

>   Thu hồi 300 xe Honda Civic 15TOP bị khuyết tật (22/04/2017)

>   Lập Ban công tác xử lý công việc khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (22/04/2017)

>   Quy định về đấu giá 89,500 tấn đường nhập khẩu năm 2017 (22/04/2017)

>   SCIC đặt kế hoạch bán vốn tại 100 doanh nghiệp (23/04/2017)

>   Xử lý 12 dự án yếu kém: 15 nhiệm vụ đã quá hạn (21/04/2017)

>   Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 14% trong nửa đầu tháng 4 (21/04/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật