Thứ Bảy, 22/04/2017 10:23

Sẽ có nhiều phương án xử lý 12 dự án yếu kém

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy có thể hoạt động được, nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án, trong đó có cả phương án phá sản hay bán đối với từng nhà máy.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Như tin đã đưa, sáng 21/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với 16 bộ, cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, đôn đốc việc xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn.

Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp đã hết sức cố gắng. Có 189 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; đã hoàn thành 120 nhiệm vụ. Trong 120 nhiệm vụ hoàn thành có 115 nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn và 5 nhiệm vụ hoàn thành nhưng quá hạn. Hiện còn 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn trong hạn và có 15 nhiệm vụ đã quá hạn mà chưa hoàn thành.

Qua ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, từ các nhiệm vụ cụ thể được giao, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải nghiêm túc triển khai thực hiện.

“Tổ công tác của Thủ tướng không có thẩm quyền gia hạn, chúng tôi chỉ ghi nhận những đề nghị và tinh thần đề nghị của các đồng chí. Yêu cầu đặt ra là phải chỉ đạo và quyết liệt thực hiện”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu và chia sẻ: Trong quá trình thực hiện trên thực tế có những vấn đề rất khó, ví dụ trong 12 dự án, có 6 dự án ký hợp đồng EPC. Trong EPC tại sao lại chậm? Có nhiều nguyên nhân, nhưng có những nguyên nhân rất căn cơ, trong đó có việc chưa thực hiện hết các nhiệm vụ của hợp đồng EPC. Tất cả các nội dung nhiệm vụ mà hai bên đã ký tổng thầu, nhưng trong quá trình thực hiện là chưa hoàn thành. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện có điều chỉnh về tổng mức đầu tư, thiết bị, nhiều công đoạn làm không chặt chẽ, thiếu thủ tục, dẫn đến tổng quyết toán không làm được.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 13/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ, nghe Bộ Công Thương báo cáo về 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Theo báo cáo, có dự án âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, chưa nói là phải cộng cả nợ phải trả.

“Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, những gì có thể được từ cơ chế, ngay cả bảo hộ cho sản xuất trong nước, bảo hộ sản phẩm, để các nhà máy có thể hoạt động được. Nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án của từng nhà máy và có những dự án đặt phương án phá sản, có những dự án đặt phương án là bán”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu quan điểm: Muốn thực hiện được gì đi nữa thì trước hết phải hoàn thành được việc quyết toán. Quyết toán xong mới làm được, phá sản cũng phải có quyết toán. Quyết toán ở đây là quyết toán có kiểm toán, hoàn thành quyết toán nghĩa là phải có kiểm toán.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong xử lý vướng mắc, ngay cả vấn đề tăng vốn đầu tư, cần phải có đánh giá toàn bộ tổng thể dự án, thiết bị, công nghệ, tài chính, quản trị... Trong 15 nhiệm vụ quá hạn, yêu cầu các doanh nghiệp, Bộ Công Thương phải đưa ra kế hoạch chi tiết, cụ thể. Tổ công tác của Bộ Công Thương phải thường xuyên xuống kiểm tra, thúc đẩy.

“Những kiến nghị của tập đoàn, tổng công ty liên quan đến sự phối hợp của các bộ, ngành… VPCP sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp các đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ và đây cũng là trách nhiệm của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, đồng thời một lần nữa đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong xử lý 12 dự án.

Cũng tại buổi làm việc, sau khi nghe các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp báo cáo về tiến độ cụ thể của 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn trong thời hạn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong 54 nhiệm vụ thì Bộ Công Thương có 13 nhiệm vụ. Đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành 13 nhiệm vụ này; đồng thời chủ động phối hợp, chủ trì, thúc đẩy, hỗ trợ các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Cho biết trên cơ sở kết quả cuộc họp, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 4/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu rõ yêu cầu, tinh thần làm việc là “phải quyết liệt, khẩn trương, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để sớm có báo cáo của Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội”.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Duy trì thường xuyên việc kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ

Tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị về việc xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương là trong thời gian từ ngày 13/12/2016 đến ngày 14/4/2017 là 189 nhiệm vụ. Trong đó, tổng số nhiệm vụ Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án được giao là 120 nhiệm vụ. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan được giao 69 nhiệm vụ.

Trong số 120 nhiệm vụ mà Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án được giao hiện đã hoàn thành 91 nhiệm vụ; số nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn còn trong hạn là 20 nhiệm vụ; số nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành là 9 nhiệm vụ.

Trong số 69 nhiệm vụ mà các bộ, ngành, cơ quan liên quan được giao, có 29 nhiệm vụ được hoàn thành đúng hạn; số nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn còn trong hạn là 34 nhiệm vụ, số nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành là 6 nhiệm vụ.

Cụ thể, 15 nhiệm vụ đã quá hạn như sau: Thanh tra Chính phủ có 2 nhiệm vụ (quá hạn 21 ngày); Bộ Tài chính 2 nhiệm vụ (quá hạn 2 tháng 21 ngày); Bộ Công Thương 2 nhiệm vụ (1 nhiệm vụ quá hạn 2 tháng 21 ngày và 1 nhiệm vụ quá hạn 21 ngày); Vinachem, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 2 nhiệm vụ (quá hạn 21 ngày); Vinachem DAP2 2 nhiệm vụ (1 nhiệm vụ quá hạn 2 tháng 21 ngày và 1 nhiệm vụ quá hạn 21 ngày); TISCO 1 nhiệm vụ (quá hạn 21 ngày); Vinasteel phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai 1 nhiệm vụ (quá hạn 21 ngày); Công ty cổ phần NLSH Dầu khí miền Trung 1 nhiệm vụ (quá hạn 21 ngày); Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC), Bộ Giao thông vận tải 2 nhiệm vụ (1 nhiệm vụ quá hạn 1 tháng 21 ngày và 1 nhiệm vụ quá hạn 21 ngày).

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh yếu tố thuận lợi, cũng còn một số khó khăn, hạn chế như nhiều nội dung nhiệm vụ được giao có tính chất phức tạp, đặc biệt là các nhiệm vụ làm rõ và xử lý dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc liên quan đến các gói thầu EPC và công tác quyết toán của các dự án.

Bộ Công Thương kiến nghị VPCP duy trì thường xuyên việc kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp ngành công thương mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo giao cho các bộ, ngành, cơ quan để giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan có liên quan thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thực hiện, xử lý các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo giao liên quan đến xử lý các dự án, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Se-co-nhieu-phuong-an-xu-ly-12-du-an-yeu-kem/303863.vgp

Các tin tức khác

>   Thu hồi 300 xe Honda Civic 15TOP bị khuyết tật (22/04/2017)

>   Lập Ban công tác xử lý công việc khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (22/04/2017)

>   Quy định về đấu giá 89,500 tấn đường nhập khẩu năm 2017 (22/04/2017)

>   SCIC đặt kế hoạch bán vốn tại 100 doanh nghiệp (23/04/2017)

>   Xử lý 12 dự án yếu kém: 15 nhiệm vụ đã quá hạn (21/04/2017)

>   Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 14% trong nửa đầu tháng 4 (21/04/2017)

>   TPHCM bàn giải pháp giảm kẹt xe khu trung tâm (21/04/2017)

>   Thắt chặt việc thu thuế đối với hàng xách tay rượu và xì gà (21/04/2017)

>   Việt Nam đứng đâu trong chuỗi giá trị sản phẩm? (20/04/2017)

>   Tập đoàn CJ liên tiếp thâu tóm doanh nghiệp Việt (08/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật