Thứ Ba, 11/04/2017 13:32

Những gam màu xám đằng sau đà tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á

Dù đã 20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và gần 1 thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu năm 2008, nhưng khu vực châu Á vẫn chìm đắm trong nợ nần chồng chất, Bloomberg cho hay.

Việc vay nợ quá độ dường như đang lan ra tất cả thành phần của nền kinh tế như công ty, ngân hàng, Chính phủ cũng như hộ gia đình, và đang làm trầm trọng thêm tình trạng bong bóng của mọi loại tài sản từ giá thép ở Thượng Hải cho đến giá bất động sản ở Sydney. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng chi phí đi vay, điều này có nghĩa mối lo lắng về nợ đã đến hồi báo động.

Độ nhạy cảm với sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, biến động của giá hàng hóa và biến động tiền tệ chỉ là 3 trong số các rủi ro đang hiện hữu trong nền kinh tế. Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings đã ước tính rằng có gần 1,000 tỷ USD nợ doanh nghiệp châu Á (mà họ đang xếp hạng) sẽ đến hạn vào năm 2021, trong đó 63% được định danh bằng đồng USD và 7% định danh bằng đồng euro.

Xét về chiều hướng tích cực, các Chính phủ đã tăng cường dự trữ ngoại hối của mình, hoạt động phòng ngừa rủi ro đã cải thiện và các thị trường trái phiếu địa phương đã cung cấp nguồn tài chính thay thế cho các nhà đầu tư. Mặc dù Fed thắt chặt chính sách tiền tệ thì ở châu Âu và Nhật Bản, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách, qua đó xóa bớt tác động của các đợt nâng lãi suất của Fed.

Dẫu vậy, tốc độ vay nợ của các quốc gia châu Á có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng nợ nần cao ngất ngưỡng ở châu Á rất đáng lo ngại bởi vì từ lâu khu vực này đã là động lực thúc đẩy tăng trưởng trên toàn cầu. Sự tăng trưởng của châu Á có lẽ sẽ vượt 5% trong năm 2017 và 2018, cao hơn rất nhiều so với mức 3.5% của thế giới, ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy.

Sau đây, Bloomberg đã dẫn ra các thông số về tỷ lệ nợ của một số nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Trung Quốc

Tổng nợ của Trung Quốc có khả năng chạm mức 258% GDP của năm 2016, tăng từ mức 158% trong năm 2005. Chủ tịch Tập Cận Bình và Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kìm hãm tín dụng và tỷ lệ đòn bẩy - một ưu tiên quan trọng trong năm nay. Dẫu vậy, tiến độ của các biện pháp này vẫn diễn ra chậm chạp.

Phần lớn khoản vay nợ xuất phát từ doanh nghiệp, một lĩnh vực tiếp tục bị chi phối bởi các doanh nghiệp sở hữu nhà nước có sử dụng nợ - hay còn gọi là các công ty “zombie”. IMF cảnh báo rằng Trung Quốc cần phải giải quyết khẩn cấp các khoản nợ doanh nghiệp.

Kế đó, là các khoản vay của Chính phủ, khoản vay từ hoạt động tài trợ ngầm (shadow financing) và các khoản vay ngoại bảng.

Hàn Quốc

Sau nhiều năm lãi suất thấp và sự bùng nổ của thị trường bất động sản, Hàn Quốc dường như đã chìm đắm trong nợ nần.

Cụ thể, khoản nợ của hộ gia đình vọt lên mức kỷ lục 1,344.3 ngàn tỷ won (tương ứng 1.2 ngàn tỷ USD) và các quan chức Hàn Quốc lo lắng rằng các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể không có khả năng trả nợ khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed làm gia tăng lãi suất đi vay trong nước.

Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất trong nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Trong đó, tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng của hộ gia đình ở mức 169% trong năm 2015, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 129%.

Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới, trong đó tổng gánh nặng nợ của Chính phủ cao gấp 2.5 lần so với GDP Nhật Bản. Thậm chí, Chính phủ Nhật Bản cũng không có cách nào để đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách vào năm 2020.

Ở khía cạnh tích cực, quốc gia này có khoản đầu tư nước ngoài và lượng tài sản nội địa cực kỳ lớn, qua đó xoa dịu phần nào gánh nặng về nợ nần. Ngoài ra, đa số khoản nợ doanh nghiệp và tất cả khoản nợ Chính phủ đều được định danh bằng đồng JPY, và hầu hết các trái phiếu Chính phủ đều được nắm giữ trong nước. Điều này có thấy rủi ro dòng vốn chảy ra bên ngoài là rất thấp.

Australia

Tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình Australia đạt mức kỷ lục 189% GDP – hầu hết là các khoản vay thế chấp. Trong năm 2016, giá trị của tổng khoản nợ hiện hữu liên quan đến nhà ở tăng 6.5%, vượt cả mức tăng 3% của thu nhập hộ gia đình, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, Philip Lowe, cho hay.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương hằng năm lại ở mức thấp kỷ lục và tăng trưởng giá tiêu dùng cũng yếu kém.

“Tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm chạp đang gây khó khăn cho các hộ gia đình trong việc trả nợ”, ông Lowe cho biết tại Melbourne vào ngày 04/04/2017. “Đối với nhiều người, mức độ nợ cao ngất ngưỡng thường đi cùng với tốc độ tăng trưởng tiền lương ảm đạm”.

Nhu cầu đối với các khoản nợ xuất phát từ tình trạng đổ xô mua bất động sản ở Sydney – tăng 105% kể từ năm 2009 – và cả Melbourne, nơi giá bất động sản cũng nhảy vọt đáng kể. Một phần của nhu cầu này bị chi phối bởi mức lãi suất thấp kỷ lục, số khác thì do nhà đầu tư trong nước tìm kiếm các cách tạo lợi nhuận dễ dàng và để tận dụng lợi thế từ các đợt giảm thuế và một phần khác là do nhà đầu tư Trung Quốc tìm nơi để trữ tiền mặt ở nước ngoài.

Ấn Độ

Mặc dù có mức độ nợ thấp hơn các quốc gia khác ở châu Á, nhưng Ấn Độ vẫn phải “đau đầu” về tình trạng nợ xấu đang hiện hữu trong nền kinh tế.

Tỷ lệ nợ trên GDP của Chính phủ ở mức gần 70%, cao hơn so với các quốc gia được xếp hạng BBB tương đương, Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo tháng này. Bên cạnh đó, các khoản nợ doanh nghiệp và các khoản nợ xấu cũng không ngừng tăng cao, qua đó gây ra rủi ro cho lĩnh vực ngân hàng.

Những khoản nợ xấu này có nghĩa rằng Chính phủ Ấn Độ đã sử dụng tiền thuế của dân để tái cơ cấu lại các ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, khoản tiền này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu vốn cần thiết của Chính phủ.

Và với cơ sở thuế eo hẹp, Chính phủ Ấn Độ có khả năng phải vay nợ nhiều hơn để tài trợ cho các biện pháp này, qua đó làm gia tăng gánh nặng nợ của quốc gia.

Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á có mức độ nợ tương đối thấp khi xét trong khu vực châu Á.

Thế nhưng tỷ lệ đòn bẩy tại khu vực này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó, các khoản nợ của doanh nghiệp và hộ cá nhân dần trở thành một mối lo ngại ở Thái Lan và Malaysia.

Theo một báo cáo xem xét về sự gia tăng tỷ lệ đòn bẩy ở châu Á trong giai đoạn 6/2008–6/2016 của Standard Chartered, tổng khoản nợ của Malaysia đã vọt từ mức 173% lên 240% GDP quốc gia. Đây là một trong những mức tăng mạnh nhất ở châu Á trong giai đoạn này. Điều này đã để lại cho quốc gia có thu nhập trung bình là Malaysia một lượng nợ tương đương với Australia, vương quốc Anh và Italy.

Dù là quốc gia có khoản nợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, nhưng Singapore vẫn được xem là một trong những đất nước giàu nhất trên thế giới. Thật vậy, lượng tài sản nắm giữ của các hộ gia đình lên tới 1.1 ngàn tỷ USD.

Trong khi đó, Philippines và Indonesia đã né tránh được việc đẩy mạnh tốc độ gia tăng đòn bẩy, một phần là do ngành ngân hàng tương đối kém phát triển hơn – điều này khiến các hộ gia đình khó vay nợ. Còn Indonesia thì áp dụng các nguyên tắc tài chính nghiêm khắc – đã được đặt ra sau các khủng hoảng. Cụ thể, các nguyên tắc này giới hạn tổng nợ Chính phủ ở mức 60% GDP và thâm hụt ngân sách hàng năm ở mức 3% GDP./.

Các tin tức khác

>   Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống mức 4.5%, thấp nhất trong 1 thập kỷ (07/04/2017)

>   Đâu mới là trụ cột thực sự của nền kinh tế Mỹ? (07/04/2017)

>   Châu Á cần làm gì để trở nên giàu có hơn? (07/04/2017)

>   Yahoo và AOL sẽ kết hợp thành công ty mới là… Oath (04/04/2017)

>   Giá nhà ở tại Mỹ lên cao nhất trong hơn 2 năm (28/03/2017)

>   Kỳ vọng lớn vào “bước chuyển mình” của Asean (24/03/2017)

>   Việt Nam là một trong số những quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua cơ sở hạ tầng ở châu Á (23/03/2017)

>   Lạm phát Anh lên cao nhất trong 3 năm (21/03/2017)

>   Thủ tướng Đức và Nhật Bản hối thúc thương mại tự do sau hội nghị G20 (20/03/2017)

>   Donald Trump thắng thế: G20 từ bỏ cam kết chống lại bảo hộ thương mại (19/03/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật