Châu Á cần làm gì để trở nên giàu có hơn?
Các quốc gia mới nổi ở Châu Á tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Dẫu vậy, các nước này cần phải đẩy mạnh năng suất để trở thành quốc gia có thu nhập cao, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra lời cảnh báo trong một báo cáo mới nhất của mình.
Hơn 95% dân số của khu vực này hiện đang sống trong các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, trong khi năm 1991 con số đó chỉ là 10%, tổ chức chuyên giúp đỡ chống nạn nghèo đói trên toàn cầu viết trong báo cáo “Triển vọng năm 2017” mới được công bố hôm thứ Năm.
Mặc dù đó là một minh chứng cho tốc độ phát triển năng động của châu Á, nhưng Chính phủ của các quốc gia này không nên thỏa mãn với những thành tựu của mình, ADB lên tiếng cảnh báo.
“Các nhà hoạch định chính sách cần phải thay đổi phương pháp của mình để đạt được mức thu nhập cao. Các nền kinh tế phải gia tăng năng suất hơn để dẹp bỏ rào cản cuối cùng”, chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada nói.
Thế nào là thu nhập trung bình, thế nào là thu nhập cao?
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia có tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người từ 1,026 USD đến 4,035 USD được định nghĩa là thu nhập trung bình thấp, còn những quốc gia có GNI từ 4,036 USD đến 12,475 USD được xem là có thu nhập trung bình cao, và những quốc gia có thu nhập cao là từ 12,476 USD trở lên.
Như vậy, theo xếp hạng của WB, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan được xem là các quốc gia có thu nhập trung bình cao, còn Ấn Độ, Indonesia, Vietnam và Philippines được xem là có thu nhập trung bình thấp.
Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong và Đài Loan là các quốc gia có mức thu nhập cao. Điều này chẳng có gì là ngạc nhiên vì theo dữ liệu của Conference Board, 5 quốc gia này đã cho thấy năng suất lao động ở mỗi nhân công được thuê trong năm 2016 là cao nhất trong khu vực.
Leo lên nấc thang mới
Tập trung vào đổi mới là một cách để các thị trường mới nổi nâng cao năng suất, ADB nói.
“Đổi mới đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ năng, vì thế cần nhấn mạnh vào việc cải thiện chất lượng giáo dục. Một mức tăng 20% trong việc chi tiêu dành cho vốn con người tính trên mỗi đầu người có thể làm tăng năng suất lao động lên 3.1%”.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ thông tin, là một cách khác.
“Chỉ một lần đầu tư công vào cơ sở hạ tầng với số vốn bằng với 1% GDP có thể làm tăng sản lượng của một quốc gia 1.2% trong 7 năm”, ADB cho biết.
Triển vọng tăng trưởng của châu Á
ADB cũng ước tính rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ đạt 5.7% trong các năm 2017 và 2018 – hơi thấp hơn mức tăng trưởng 5.8% ghi nhận được trong năm ngoái.
Chính sách tiền tệ siết chặt hơn của Mỹ và những rủi ro đi cùng trong việc dòng vốn bị chảy ra nước ngoài, cùng với sự biến động tiền tệ là những mối đe dọa cơ bản với triển vọng của châu Á, ADB cảnh báo.
Trong khi đó, các dự báo lạm phát cho 2 năm tới vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3.9% của khu vực này trong 10 năm qua, ADB nói./.
CNBC
|