Thứ Bảy, 15/04/2017 11:57

ADB dự báo châu Á tiếp tục là lực đẩy của kinh tế thế giới

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa dự báo các nước đang phát triển châu Á tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay và năm tới, nhờ nhu cầu bên ngoài khá cao, giá hàng hóa trên toàn cầu phục hồi và nỗ lực cải cách ở trong nước.

Vận chuyển hàng hóa tại cảng quốc tế Aomi ở Tokyo. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo ADB, các nền kinh tế đang phát triển châu Á sẽ giúp thúc đẩy và vẫn đóng góp rất lớn cho kinh tế thế giới.

Trong báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á năm 2017” công bố ngày 6/4, ADB ước tính GDP của các nước đang phát triển châu Á tăng trưởng 5,7% trong năm nay và duy trì đà tăng này trong năm 2018, so với mức tăng 5,8% của năm 2016.

Báo cáo cho biết 30/45 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á được dự báo sẽ duy trì được đà tăng trưởng, với gần như toàn bộ các nền kinh tế ở Đông Nam Á có xu hướng đi lên, nhờ sự phục hồi của giá thực phẩm, nhiên liệu và sản lượng nông nghiệp. Điều đó sẽ góp phần bù đắp cho sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, và là thông tin vui đối với các quốc gia sản xuất hàng hóa như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Nếu không tính đến các nền kinh tế công nghiệp mới có thu nhập cao như Hàn Quốc và Singapore, ADB dự báo tăng trưởng toàn khu vực trong năm nay và năm tiếp theo sẽ ở mức cao trên 6%. Dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc vừa phải và chỉ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,2% năm tới, sau khi đạt mức tăng 6,7% năm ngoái. Theo nhận định của ADB, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục "tái cân bằng, phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế."

Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 7,4% trong năm nay và 7,6% năm 2018, so với mức tăng 7,1% năm ngoái. Đối với khu vực Đông Nam Á, nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm nay được nâng lên 4,8% và đạt 5% trong năm tiếp theo. Tương tự, giá dầu tăng sẽ hỗ trợ tăng trưởng tại các nền kinh tế thuộc khu vực Trung Á, như Azerbaijan and Kazakhstan.

Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo về những rủi ro trong đó có sự thay đổi khó lường trong chính sách của Mỹ (như trong vấn đề lãi suất hay thương mại) mà có thể sẽ tác động đến triển vọng kinh tế của khu vực.

Theo ADB, nếu lãi suất tại Mỹ tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến khi kinh tế của nước này mạnh lên thì chắc sẽ gây ra những tác động đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Theo ADB, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực vẫn cần theo dõi các rủi ro như sự đảo ngược dòng vốn.

Những chuyển dịch trong các chính sách thuế và thương mại, đặc biệt là những thay đổi chính sách đang được thảo luận tại Mỹ, có thể gây nên bất ổn đối với hoạt động đầu tư kinh doanh và tăng trưởng xuất khẩu tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.

Quan chức ADB, Sona Shrestha cho hay Indonesia có thể đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn dự kiến nếu thực hiện được cải cách cơ cấu thống nhất, bảo đảm các cam kết của chính phủ về phát triển bền vững và cải thiện môi trường đầu tư.

Indonesia có tiềm năng tăng trưởng khoảng 5,5-6% và mức tăng trưởng kinh tế 5,6% vào năm 2018 như dự kiến của chính phủ có thể sẽ đạt được nhờ một số cải thiện của các hoạt động trong nước, cộng với những ảnh hưởng tích cực của sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo trên, ADB ghi nhận việc Chính phủ Indonesia đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy đầu tư và đa dạng hóa kinh tế trong trung và dài hạn, và dự báo việc tăng đầu tư tư nhân và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ góp phần giúp kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,1% trong năm nay và 5,3% vào năm 2018.

ADB phân tích một số yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước này như việc trì hoãn thực hiện cải cách chính sách, giảm nguồn thu, sự không chắc chắn về chính sách trên toàn cầu và tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại thấp hơn mong đợi.

Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Á-Âu (EES) lần thứ 20, vừa diễn ra tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/4, với lời kêu gọi thiết lập một trật tự kinh tế toàn cầu mới theo hướng bảo vệ các nguyên tắc tự do thương mại và thịnh vượng của mỗi cá nhân. Phát biểu tại phiên khai mạc, chủ tịch Phòng Thương mại Istanbul, Ibrahim Caglar nhấn mạnh tầm nhìn nêu trên không chỉ nhằm vào kinh tế mà hướng tới cả sự thịnh vượng và hạnh phúc.

"Để được như vậy, các nước trong khu vực Á-Âu cần có các bước đi vững chắc hướng tới hội nhập kinh tế khu vực," ông Caglar nhấn mạnh. Theo ông, khu vực địa lý rộng lớn Á-Âu có một vị trí chiến lược trong nền chính trị và kinh tế thế giới, xét về các diễn biến địa chính trị, dân số, nguồn năng lượng và các trọng điểm thương mại toàn cầu. Vì vậy, các nước trong khu vực cần huy động nhiều hơn nữa sức mạnh Á-Âu và sự năng động của khu vực./.

http://www.vietnamplus.vn/adb-du-bao-chau-a-tiep-tuc-la-luc-day-cua-kinh-te-the-gioi/441351.vnp

Các tin tức khác

>   Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 2 năm (13/04/2017)

>   Những gam màu xám đằng sau đà tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á (11/04/2017)

>   Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống mức 4.5%, thấp nhất trong 1 thập kỷ (07/04/2017)

>   Đâu mới là trụ cột thực sự của nền kinh tế Mỹ? (07/04/2017)

>   Châu Á cần làm gì để trở nên giàu có hơn? (07/04/2017)

>   Yahoo và AOL sẽ kết hợp thành công ty mới là… Oath (04/04/2017)

>   Giá nhà ở tại Mỹ lên cao nhất trong hơn 2 năm (28/03/2017)

>   Kỳ vọng lớn vào “bước chuyển mình” của Asean (24/03/2017)

>   Việt Nam là một trong số những quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua cơ sở hạ tầng ở châu Á (23/03/2017)

>   Lạm phát Anh lên cao nhất trong 3 năm (21/03/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật