Chuyển động dòng tiền tuần 13-17/03
Nhà đầu tư nội bị ETF đánh úp ROS?
Đã không còn hình ảnh thường thấy về đầu tư “ăn theo” ETF trong tuần mà quỹ này thực hiện cơ cấu danh mục khi mà dòng tiền đi ngược với hành động của ETF. Đáng chú ý, diễn biến bất ngờ ở NVL và ROS khiến nhiều người nghĩ đến khả năng nhà đầu tư nội bị ETF đánh úp.
Điểm đầu tiên dễ thấy sự khác thường đó là trong tuần giao dịch 13-17/03, thanh khoản thị trường trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 156.4 triệu đơn vị/phiên, giảm 9.83% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 42.9 triệu cổ phiếu/phiên giảm 4.2%.
Mặc kệ ETF!
Xét về tổng thể thì điểm đến của dòng tiền trong tuần qua trên cả hai sàn có xu hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản. Trên HOSE, từ những cổ phiếu hàng đầu trong ngành bất động sản như VIC, NVL, chứng khoán có SSI hay HCM, tiêu dùng có MSN, bán lẻ có MWG, ngân hàng có VCB… đều có dòng tiền tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, điểm nóng tuần qua chính là hoạt động cơ cấu danh mục của ETF. Và khá nhiều điều bất ngờ đã diễn ra, chẳng hạn với KDC – mã bị FTSE Vietnam Index loại khỏi danh mục lại được nhà đầu tư nội mạnh tay mua vào. Kết quả là KDC trở thành mã có thanh khoản tăng mạnh nhất tuần qua với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1.1 triệu cp/phiên, tăng 566% so với tuần trước đó. Kết quả này có được nhờ khối lượng giao dịch phiên cuối tuần (17/03) đạt gần 5 triệu cp (tương ứng với khối lượng mà khối ngoại bán ra). Đáng chú ý hơn là giá KDC tuần qua vẫn tăng hơn 2%.
Và KDC cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, cả PVT, HVG, PDR và HQC đều có khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh bất chấp việc bị loại ra khỏi danh mục quỹ. Nổi bật là HVG có khối lượng giao dịch tăng 161%, đạt gần 1.6 triệu cp/phiên và giá bật tăng hơn 8%. Một thông tin đáng chú ý nữa là HVG lại vừa công bố báo cáo thường niên với kế hoạch lãi ròng lần lượt ở mức 400 tỷ đồng năm 2017 và 700 tỷ đồng năm 2018. Kế hoạch này đưa ra trong bối cảnh Công ty lỗ 49 tỷ đồng năm 2016 và quý 1/2017 lãi chưa đến 10 tỷ đồng cũng đã là thông tin hỗ trợ cho HVG.
Hay như PDR, dù bị loại khỏi quỹ FTSE nhưng với kế hoạch kinh doanh năm 2017 gồm doanh thu bán hàng và dịch vụ 2,000 tỷ đồng, lãi sau thuế 336 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 34% và 39% so với năm 2016 đã giúp nhà đầu tư tiếp tục giải ngân vào PDR. Kết quả là khối lượng giao dịch bình quân PDR tuần qua đạt 1.4 triệu cp/phiên, tăng gần 55% so với tuần trước đó.
Ngoài ra, đối với những mã cổ phiếu quỹ phải bán bớt để giảm tỷ trọngthì nhà đầu tư nội vẫn mua vào khá tích cực. Chẳng hạn BVH và MSN có khối lượng giao dịch bình quân tăng 315% và 258% so với tuần trước đó, hay như HAG cũng có thanh khoản tăng gần 50% trong tuần qua.
Đối với ITA, mã bị loại khỏi danh mục VNM ETF, thanh khoản chỉ sụt giảm nhẹ trong tuần khi duy trì hơn 9.3 triệu cp/phiên. Thêm vào đó, giá cổ phiếu ITA vẫn không có biến động theo chiều tiêu cực, thậm chí ngay trong phiên bị khối ngoại bán ra mạnh nhất cuối tuần qua (gần 27 triệu cp) thì ITA vẫn giữ được giá tham chiếu.
Đối với những mã được thêm vào, DXG có khối lượng giao dịch bình quân tuần qua giảm hơn 13%, còn đạt gần 3.9 triệu cp/phiên. Cũng tuần qua, HĐQT DXG vừa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 với doanh thu thuần 3,300 tỷ đồng và lãi ròng 700 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 30% so với kết quả đạt được năm 2016. DXG dự kiến trả cổ tức 20% cho năm 2017. Tuy nhiên, cần chú ý rằng DXG đã tăng giá hơn 46% trong 3 tháng qua và đang giao dịch ở mức giá cao nhất trong hơn 1 năm nên không loại trừ khả năng nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân ở mã này.
Nhà đầu tư nội bị đánh úp ở ROS?
Cũng trong tuần qua, hai cổ phiếu nằm trong nhóm được thêm mới vào danh mục của quỹ đã có biến động hết sức khó lường, cho thấy việc đầu tư “ăn theo” các đợt cơ cấu này không hề dễ dàng nếu không muốn nói là sẽ bị sập bẫy.
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của ROS, sau khi được FTSE thêm vào danh mục ngày 03/03, cổ phiếu này tiếp nối đà tăng ấn tượng, từ vùng 152,000 đồng/cp nhanh chóng nhảy vọt lên sát 180,000 đồng/cp tại thời điểm trước ngày cuối ETF thực hiện cơ cấu danh mục.
Thông thường, đối với một mã được thêm mới vào danh mục thì phiên giao dịch cuối cùng, đà tăng sẽ tiếp diễn (điều vẫn thường thấy ở những kỳ cơ cấu danh mục trước). Tuy nhiên, ngay trong ngày cuối (17/03) FTSE thực hiện tái cơ cầu thì ROS bất ngờ giảm kịch sàn, lùi về 160,100 đồng/cp. Đây cũng là mức giá mà quỹ thực hiện mua vào cổ phiếu ROS (dựa trên giá trị mà quỹ mua ROS trong phiên ngày 17/03).
Một ông lớn khác là NVL cũng có chung hoàn cảnh này. Song, trường hợp của NVL thì đặc biệt hơn, đầu tiên là việc VNM ETF bất ngờ bỏ qua quy định về thời gian niêm yết của chính mình để đưa NVL vào danh mục. Giá cổ phiếu NVL những ngày sau đó từ vùng 68,000 đồng/cp đã tăng lên mức cao nhất từ khi niêm yết là 75,500 đồng/cp ngày 14/03vói khối lượng giao dịch bình quân tăng 71%, đạt 1.7 triệu cp/phiên. Tuy nhiên trong ngày cuối cùng VNM ETF cơ cấu danh mục thì NVL lại bất ngờ giảm kịch sàn, qua đó xóa tan thành quả tăng điểm trước đó.
Thực tế, quỹ ETF đã không đợi đến ngày cuối mới mua vào NVL, việc giải ngân diễn ra rải rác ở những phiên giao dịch trong tuần, tập trung vào ngày 16/03 khi mua hơn 3.3 triệu cp NVL (vùng giá quanh 70,000 đồng/cp).
Có thể thấy rằng việc cơ cấu của ETF ngày càng diễn ra một cách khó lường trước. Đối với ROS, nhà đầu tư nội nào đầu tư theo ETF (khối lượng giao dịch bình quân ROS sau khi được ETF thêm vào đã tăng lên xấp xỉ 4 triệu cp/phiên) thì nhiều khả năng sẽ chịu thua lỗ so với giá đóng cửa ngày 17/03. Riêng NVL, mức độ “thiệt hại” có thể ít hơn nhưng cũng là một câu chuyện đáng chú ý về việc đầu tư theo ETF.
Ngoài những giao dịch nổi bật của liên quan đến quỹ ETF, trong tuần qua, khá nhiều mã đầu cơ tiếp tục bị dòng tiền rời bỏ, chẳng hạn TSC, HAI, KSH, FIT, TNT, OGC, VHG…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên HNX, nhóm ngành tài chính, chứng khoán có dòng tiền tăng trưởng khá tốt, chẳng hạn TVC, SHS, VND, MBS. Trong đó, SHS khá nội bật khi khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 100% và giá tăng 16%, đạt 7,800 đồng/cp – mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Thực tế thì cổ phiếu SHS đã bật dậy từ đầu năm 2017 khi trở thành công ty dẫn đầu thị phần môi giới trên HNX trong quý 4/2016, đạt 10.6%.
Cũng trên sàn HNX, hàng loạt mã đầu cơ như: ACM, TIG, KVC, SVN, DCS, SPI, HKB,… đều có dòng tiền suy giảm đáng kể.
Top 20 mã có thanh khoảntăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
|