Thứ Hai, 20/03/2017 13:00

Hành trình đi lên từ “tay không bắt giặc” của VC3

Duy trì một cơ cấu vốn có nợ phải trả chiếm trên 70% hay thậm chí có năm gần 90% tổng nguồn vốn thế nhưng VC3 lại không hề rơi vào tình trạng ngụp lặn trong nợ nần mà mỗi năm đều đặn tăng trưởng lãi ròng.

CTCP Xây dựng số 3 (HNX: VC3) mặc dù có quy mô vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ dừng ở 80 tỷ đồng trong nhiều năm qua và chỉ mới tăng lên 220 tỷ đồng trong hai năm gần đây nhưng lại hoạt động với tổng tài sản trên cả 1,000 tỷ đồng.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, quy mô tổng tài sản của VC3 duy trì ở khoảng 1,000 tỷ đến 1,500 tỷ đồng và đến trên 80% là được tài trợ bởi nợ vay. Chỉ riêng năm 2016 tỷ lệ nợ trên tổng tài sản giảm về mức 74% với tổng tài sản ghi nhận 1,157 tỷ đồng và nợ phải trả 857 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.

Cơ cấu tài sản của VC3 khá đặc biệt. Giai đoạn 2009 – 2010, Công ty còn vay nợ nhiều để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng từ 2011 trở đi,chiếm tỷ trọng lớn trong nợ phải trả của VC3 là người mua trả tiền trước.

Điển hình là thời điểm cuối năm 2014, Công ty vay nợ chỉ có 2 tỷ đồng, còn người mua trả tiền trước đến 830 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ. Xét đến cuối năm 2016 thì Công ty có tăng nợ vay lên 104 tỷ đồng nhưng vẫn chiếm có 12% và đến 57% nợ phải trả nằm ở khoản người mua trả tiền trước.

Do vậy, tuy có một cơ cấu nợ phải trả lớn nhưng thực chất mấy năm gần đây VC3 không bị áp lực của chi phí lãi vay lớn.

 

Nói về kết quả kinh doanh thì VC3 có đi xuống trong giai đoạn 2012 – 2014 từ mức gần 40 tỷ lãi ròng năm trước đó xuống dưới 20 tỷ do thị trường bất động sản trầm lắng, chính sách tài khóa thắt chặt, Chính phủ thắt chặt chi tiêu và cắt giảm đầu tư công. Tuy nhiên, năm 2015 và 2016 thì phục hồi mạnh, đặc biệt là năm vừa qua ghi nhận lãi ròng 75.3 tỷ đồng, tăng trưởng 75% so với năm trước và đạt mức cao nhất trong lịch sử niêm yết.

Công ty cũng duy trì những khoản cổ tức tiền mặt ổn định trên 10% hằng năm, đặc biệt có năm 2015 vừa trả cổ tức bằng tiền 15% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:3.

Kết quả kinh doanh từ 2009 – 2016 (tỷ đồng)

VC3 hoạt động trong ba lĩnh vực chính là xây lắp, thực hiện thi công và quản lý đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng với địa bàn chủ yếu ở phía Bắc như Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang…Trong đó, mảng kinh doanh bất động sản đem lại nguồn thu và lợi nhuận gộp chủ yếu.

Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp của VC3

Các dự án bất động sản tự VC3 thực hiện thi công và quản lý đầu tư chính đã hoàn thành và bàn giao như khu nhà ở và cho thuê tại phường Dịch Vọng – Cầu Giấy – Hà Nội vốn đầu tư 120 tỷ, xây dựng khu đô thị mới Trần Hưng Đạo – thị xã Thái Bình vốn đầu tư 124 tỷ, dự án khu đô thị Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội với tổng vốn đầu tư 1,700 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở và văn phòng cho thuê tại 310 Minh Khai – Hà Nội tổng đầu tư trên 870 tỷ đồng.

Mặc dù trong lĩnh vực bất động sản, “tay không bắt giặc” có rất nhiều nhưng khéo léo trong việc dựa vào nguồn vốn của đơn vị khác phục vụ cho nhu cầu phát triển của mình như VC3 để không bị áp lực nợ vay là điều không phảidoanh nghiệp nào cũng làm được.

Tuy nhiên, nguồn vốn tự có quá nhỏ hiện nay lại là rào cản cho doanh nghiệp tham gia những dự án có quy mô lớn, đặc biệt là khi Luật kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực từ 01/07/2015 và Nghị định 76 hướng dẫn chi tiết có hiệu lực từ 01/11/2015 yêu cầu vốn tự có phải đáp ứng 20% tổng mức đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và 15% dự án có quy mô sử dụng đất trên 20 ha.

Chính vì vậy, ngay khi rũ bỏ được “tấm áo” Nhà nước bằng việc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG) thoái sạch 51.53% vốn thì VC3 bắt đầu dùng nguồn vốn tự có để tăng mạnh vốn từ 80 tỷ đồng (duy trì từ 2007) lên 200 tỷ đồng vào cuối năm 2015 và 220 tỷ trong năm 2016. Nhờ vậy, cải thiện đáng kể tỷ lệ nợ trên tổng tài sản về mức 74%, thấp nhất trong vòng 8 năm qua.

Đồng thời, Công ty cũng tích cực huy động vốn thêm khi năm 2016 có kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu nhưng chưa thực hiện được.Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Công ty tiếp tục trình cổ đông phương án huy động vốn nhưng chia ra phát hành 20 triệu cp và 300 tỷ đồng trái phiếu. Mục đích huy động là bổ sung vốn lưu động và mua, hợp tác kinh doanh cùng triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Công ty.

Được biết, định hướng của VC3 hiện là phát triển kinh doanh bất động sản đi đôi với thiết lập lại thế mạnh hoạt động xây lắp, gây dựng quỹ đất thông qua M&A. Trong năm 2017, Công ty đang xin cấp giấy phép các dự án bất động sản mới như dự án khu dân cư Vinaconex tại Phổ Yên (Thái Nguyên); dự án tòa nhà văn phòng 389 Đê La Thành (Hà Nội); dự án bên sông Hương (thành phố Huế)…

Ngoài ra, Công ty cũng mới bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ với mục đích tiếp cận và mua các món nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản có giá trị lớn, có tiềm năng nếu phát triển thành dự án.

Về con số cụ thể thì VC3 đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 640.3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80.9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2016.

Kể từ khi VCG thoái vốn, dàn lãnh đạo của VC3 đã lần lượt được thay đổi từ HĐQT đến BKS và Ban giám đốc, tính đến nay chỉ còn một nhân vật quan trọng nhất là ông Đinh Tiến Nhượng, cựu Chủ tịch HĐQT ở vị trí Tổng giám đốc. Còn về cơ cấu cổ đông, theo danh sách cổ đông chốt ngày 05/12/2016 Công ty chỉ có duy nhất 1 cổ đông lớn và 557 cổ đông nhỏ. Theo báo cáo quản trị, tuy Chủ tịch Phạm Văn Thành không có sở hữu cp nào nhưng các cá nhân trong gia đình ông có sở hữu tổng cộng 8.77% vốn.

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 20/03: Thanh khoản giữ ở mức cao (20/03/2017)

>   PVS, PVD, FCN và SFG có gì đáng đầu tư? (20/03/2017)

>   Hệ thống phân tích kỹ thuật: Xu hướng tăng sẽ yếu đi nhưng vẫn duy trì (20/03/2017)

>   Báo cáo dòng tiền: Một cái nhìn bị lệch về dòng máu nóng của doanh nghiệp (20/03/2017)

>   20/03: Bản tin đầu tuần (20/03/2017)

>   Góc nhìn tuần 20-24/03: Xem xét giải ngân cổ phiếu có triển vọng tích cực (19/03/2017)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 20-24.03.2017 (19/03/2017)

>   Tuần 20-24/03/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (19/03/2017)

>   PCN: Vào diện bị cảnh báo từ 21/03 (17/03/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 20/03 (20/03/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật