Báo cáo dòng tiền: Một cái nhìn bị lệch về dòng máu nóng của doanh nghiệp
Hoạt động kinh doanh vốn được ví như là trái tim của một cơ thể còn dòng tiền chính là dòng máu nóng của cơ thể đó. Để xem xét một doanh nghiệp có “khỏe” hay không, cũng giống như đang xem tình trạng sức khỏe của một con người. Tất cả những yếu tố trên dường như chỉ là những biểu hiện bên ngoài và chưa thể kết luận điều gì về tình trạng hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp. Cũng chính vì vậy, nhà đầu tư đừng xem mặt mà bắt hình dong.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm mặc cho lãi ròng lớn
Tin doanh nghiệp có lãi ròng có lẽ luôn là một trong những nguồn tin có tính chất tích cực và khả quan đối với doanh nghiệp bởi mục tiêu của doanh nghiệp lúc nào cũng gắn liền với lợi nhuận, làm ăn có lãi luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Song, bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần hết sức chú ý và có cái nhìn bao quát tới những yếu tố khác của doanh nghiệp như dòng tiền, bởi dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có lãi lớn giống như một chàng thanh niên to cao, nhìn có vẻ khỏe mạnh, nhưng có xét nghiệm máu mới biết chàng trai ấy đang mặc những căn bệnh gì, và thậm chí qua đó, nhà đầu tư thậm chí còn biết được, liệu căn bệnh ấy có nguy hiểm, có ảnh hưởng đến tính mạng của chàng trai - doanh nghiệp mình đang đầu tư cổ phiếu.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk
|
Sử dụng một bộ lọc đơn giản cũng có thể tìm thấy một danh sách dài những doanh nghiệp có lãi ròng trong năm 2016 lớn nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại âm. Nói một cách nôm na là lãi ròng thu được trong năm qua dường như không đủ để đảm bảo những nhu cầu chi tiêu trong hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Trong số đó, có thể kể đến SMC, VSH, HDG, GEX, DXG, GTN, và thậm chí những cái tên quen thuộc trên sàn chứng khoán như MWG, ITA, CII, KVC, QBS, ROS, PVS…
Đáng chú ý, xuất hiện một số doanh nghiệp lớn có lợi nhuận sau thuế 2016 trên cả trăm tỷ đồng, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền thuần trong kỳ lại là những con số âm. Sự hao hụt trong dòng tiền ở những đơn vị này giấy lên câu hỏi về mức độ an toàn ngân quỹ của những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh lớn. Song song đó, lợi nhuận cao nhưng tiền tươi thóc thật về túi chẳng là bao cũng là điều mà cổ đông đáng suy ngẫm.
Những doanh nghiệp có lãi ròng 2016 trên 100 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cùng với dòng tiền thuần trong kỳ là những con số âm (Đvt: Tỷ đồng)
|
Điển hình là PVS, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong năm 2016 lên tới 987 tỷ đồng. Thế nhưng với việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi âm 78 tỷ đồng, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư ghi âm 565 tỷ đồng, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính ghi âm 1,468 tỷ đồng đã khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi âm hơn 2 ngàn tỷ đồng. Chính điều này đã khiến tiền và tương đương tiền cuối năm 2016 sụt giảm mạnh mẽ hơn 2 ngàn tỷ đồng so với đầu năm.
Bên cạnh đó, mặc dù là cái tên nổi cộm trên sàn chứng khoán và có lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn cả ngàn tỷ nhưng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2016 của CII ghi âm gần đúng bằng lợi lãi ròng hợp nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi âm hơn 2,100 tỷ đồng. Theo như thuyết minh của CII thì trong năm qua, công ty đã chi ra tới 2,662 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn. Không những vậy, công ty đã chi thêm 479 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác. Chính vì vậy, dù đã đi vay thêm 4,925 tỷ đồng, nhưng sau khi trả nợ gốc vay lên tới 3,000 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính chỉ ghi dương 1,098 tỷ đồng và không thể nào bù đắp cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Những lý do này đã khiến tiền và tương đương tiền cuối năm của công ty sụt giảm hơn ngàn tỷ đồng so với đầu năm, chỉ còn hơn 744 tỷ đồng.
Cũng được biết, năm 2016, CII vang tiếng nhờ chuyển nhượng 19.48 triệu cp CII E&C và 100% khoản đầu tư vào CTCP Bến bãi Vận tải Sài Gòn cho các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, CII đã thu về 40 triệu USD từ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho quỹ Rhinos Asset Management (RAM).
Cùng “căn bệnh” với CII là một tân binh trên sàn HOSE, PC1. Năm qua, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty ghi dương 1,005 tỷ đồng, chủ yếu là thu từ đi vay là 1,261 tỷ đồng và thu từ phát hành cổ phiếu nhận vốn góp của chủ sở hữu là 413 tỷ đồng. Song, với việc đầu tư mua sắm, xây dựng tài sản cố dịnh và các tài sản dài hạn khác đã khiến hoạt động đầu tư ghi âm tới 1,081 tỷ đồng. Cùng với việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi âm gần 56 tỷ đồng đã khiến dòng tiền thuần trong năm sụt giảm 133 tỷ đồng.
Theo thông tin từ công ty, trong năm 2017, PC1 sẽ tiếp tục huy động 400 tỷ đồng với hai nguồn là huy động từ phát hành riêng lẻ và huy động từ các ngân hàng nhằm mở rộng đầu tư các dự án xây lắp cung cấp điện.
Ngoài ra, nhìn vào báo cáo tài chính của VSH lại càng cảm thấy có điều gì không ổn trong cơ cấu dòng tiền của đơn vị này. Tại thời điểm đầu năm 2016, VSH có hơn cả ngàn tỷ đồng tiền và tương đương tiền, thế nhưng khoản mục này chỉ còn vỏn vẹn 3.6 tỷ đồng vào cuối ngày 31/12/2016. Lý do là trong năm qua, VSH đã phải ghi âm tới 1,188 tỷ đồng trong lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Mặc cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp hợp nhất lên tới 258 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp chỉ còn 3.6 tỷ đồng trong két quỹ. Được biết, hoạt động kinh doanh của VSH cũng sẽ có ảnh hưởng đến một ông lớn khác trên sàn là REE khi trong năm 2016, VSH đã trở thành công ty liên kết với REE sau khi công ty này mua gần 42 triệu cp tương ứng 21% vốn ngay khi SCIC thoái vốn khỏi VSH./.
|