Giới doanh nghiệp châu Âu và Nhật Bản lên tiếng cảnh báo về tác động của Brexit
Các công ty nước ngoài đầu tư vào Anh đã đưa ra hàng loạt cảnh báo trong ngày thứ Ba (28/03) về các tác động của Brexit đến doanh nghiệp của họ, Financial Times cho hay.
40 hành lang kinh doanh ở châu Âu – đại diện cho 20 triệu công ty ở 34 quốc gia – đã lên tiếng kêu gọi một sự dàn xếp trong thời gian hậu Brexit nhằm đảm bảo sự toàn vẹn của thị trường chung châu Âu, thực hiện một sự chuyển đổi suôn sẻ cũng như tránh tạo ra các trở ngại “không cần thiết” đối với hoạt động thương mại và đầu tư.
Trong khi đó, Keidanren của Nhật Bản – nhóm doanh nghiệp quyền lực bao gồm các tập đoàn như Toyota, Hitachi và các nhà đầu tư lớn khác của Nhật Bản ở Anh – đang chuẩn bị một thông cáo báo chí để tranh luận về nhận định “thà ra đi mà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi” của Thủ tướng Anh, Theresa May. Chính nhận định này đã đem lại nỗi sợ hãi cho ban quản lý của các công ty Nhật Bản có sử dụng người lao động ở Anh.
“Thông điệp quan trọng ở đây là: Hãy thương lượng với sự suy xét kỹ lưỡng về nền kinh tế”, người đã nhìn thấy bản thảo về các yêu cầu và đề xuất chính sách của nhóm Keidanren cho hay.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài khác lại có quan điểm tích cực hơn. Cụ thể, Deutsche Bank đang lên kế hoạch chuyển đến các trụ sở mới ở Luân Đôn vào năm 2023, mặc dù không chắn chắn về kết quả của các cuộc đàm phán Brexit. Bên cạnh đó, Siemens, một trong những công ty kỹ thuật lớn nhất thế giới, đã khẳng định lại cam kết với Anh tại một sự kiện ở Berlin trong ngày thứ Hai. Được biết, Siemens sử dụng hơn 15,000 người lao động ở Anh.
Các cảnh báo về Brexit từ các đại diện của nhóm kinh doanh được đưa ra sau khi các công ty đơn lẻ tỏ ra lo sợ về tác động của việc Anh rời Liên minh châu Âu trong khó khăn. Cụ thể, trong trường hợp đó sẽ không bao gồm một hiệp định thương mại hoặc các thỏa thuận chuyển đổi nào cả.
“Một lượng lớn việc làm của EU và Anh phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, và quy trình sản xuất thì lại được liên kết chặt chẽ trên toàn châu Âu”, BusinessEurope cho biết trong một tuyên bố. Được biết, nhóm BusinessEurope bao gồm BDI ở Đức, Medef ở Pháp, CBI ở Anh và Lewiatan ở Ba Lan. “Các cuộc đàm phán nên được thực hiện trên tinh thần hợp tác thực sự và lòng trung thành đối với các bên”.
Gần 10% công ty Đức ở Anh dự định đáp trả với sự kiện Brexit bằng cách chuyển các khoản đầu tư sang các bang khác của EU, mặc dù các điều khoản của Brexit vẫn chưa được xác định, kết quả thăm dò 2,200 công ty của Bộ Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho thấy. Khoảng 40% doanh nghiệp cũng dự báo hoạt động kinh doanh ở Anh sẽ suy yếu.
“Brexit sẽ tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh giữa các công ty Đức với Anh”, Erik Schweizer, Chủ tịch DIHK, cho biết, đồng thời nói thêm hoạt động xuất khẩu tới Anh đã sụt giảm 3.5% trong năm 2016, với mức lao dốc mạnh nhất diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016.
Cũng trong ngày 28/03, Bertelsmann, công ty truyền thông có doanh thu lớn nhất châu Âu, cho biết công ty có thể chuyển dịch một số hoạt động ở Luân Đôn sang những nơi khác vì họ lo ngại rằng việc Anh rút khỏi thị trường chung EU sẽ khiến công ty phải trả hóa đơn thuế quá lớn.
“Nếu Brexit làm gia tăng chi phí đáng kể thì chúng tôi buộc phải suy xét lại vị trí đặt công ty”, Thomas Rabe, Giám đốc điều hành của German TV, cho hay.
Kể từ cuộc trưng cầu dân ý của Anh, tập đoàn Google đã cho biết sẽ xúc tiến kế hoạch mở thêm một trụ sở mới ở Luân Đôn và gia tăng gấp đôi lượng lao động ở đó. Facebook, Amazon và Apple cũng đều công bố các kế hoạch để thúc đẩy hoạt động tuyển dụng hoặc đầu tư bất động sản ở Anh./.
|