Các NHTW thế giới phản ứng thế nào sau quyết định tăng lãi suất của Fed?
Lãi suất ở châu Á sẽ hết giảm sau khi Fed tăng lãi suất?
* Thị trường đang dịch chuyển như thể Fed vừa cắt giảm lãi suất
* Tại sao Chủ tịch Fed tin tưởng vào kinh tế Mỹ?
Chu kỳ lãi suất giảm kéo dài ở châu Á có thể sẽ chấm dứt khi lần tăng lãi suất thứ 3 trong vòng 15 tháng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tiếp nối bằng động thái siết chặt tiền tệ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, Reuters đưa tin.
Lần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản được nhiều người dự báo trước của Fed hôm thứ Tư vừa qua cũng mới chỉ là lần thứ 3 kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của họ, sau nhiều lần kiềm chế những “cám dỗ” tăng lãi suất sớm hơn, do lo ngại rằng điều đó sẽ tác động lên các nền kinh tế mới nổi “dễ vỡ” đang vẫn cần các điều kiện tiền tệ nới lỏng hơn.
Tuy nhiên, Fed phát đi tín hiệu rằng sự dè dặt đó đã chấm dứt, khi lặp lại những dự báo của họ rằng ít nhất sẽ có 2 đợt tăng nữa trong năm nay khi nền kinh tế Mỹ mạnh lên.
“Ít nhất thì khát khao gia tăng tốc độ bình thường hóa chính sách của Fed đã làm thay đổi thái độ tại nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu”, Sean Callow, chuyên gia kinh tế của Westpac ở Sydney, nói.
“Nới lỏng tiền tệ thêm nữa giờ đây phần lớn được xem là chỉ nên dùng đến khi ‘khẩn cấp’, chứ không phải là một biện pháp khả thi”.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngay lập tức đã nâng lãi suất cho các hoạt động cấp vốn ngắn hạn mà họ đang hướng dẫn cho các ngân hàng trong nước lên lần thứ 3 trong năm nay vào hôm thứ Năm.
Tuy vậy, động thái của Fed sẽ làm cho Trung Quốc khó ngăn được sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ và hạn chế hoạt động chuyển vốn ra nước ngoài vẫn đang tiếp diễn. Trung Quốc cũng muốn giảm bớt đống nợ đang phình ra và rủi ro bong bóng bất động sản của mình.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố quyết định trong cuộc họp chính sách của họ vào hôm thứ Năm. Theo đó, họ chọn cách giữ nguyên mục tiêu lãi suất ngắn hạn 0.1% của mình, kèm theo cam kết không mấy mạnh mẽ rằng sẽ tiếp tục mua trái phiếu, dù lạm phát lõi vẫn còn thấp hơn mục tiêu 2% đầy tham vọng của họ rất nhiều.
Một số chuyên gia phân tích hiện kỳ vọng rằng BoJ sẽ phải nâng mục tiêu lợi suất 0% của mình dành cho trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.
Thách thức tiền tệ
Lộ trình chính sách mới của Fed là một thay đổi lớn cho các thị trường toàn cầu vốn đã quen với một thập kỷ tiền siêu rẻ. Và dù các thị trường mới nổi đang cho thấy một số dấu hiệu mạnh lên, với đà hồi phục của giá hàng hóa và tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu, nhưng họ đang phải vật lộn để làm tăng nhu cầu nội địa.
Nhưng sự tự do điều chỉnh lãi suất trong nước cho phù hợp với các tình trạng nhu cầu địa phương của họ lại đang bị kiềm hãm bởi một điều, đó là sự cần thiết phải giữ nguồn vốn nước ngoài từng tràn ngập ở đất nước của họ để tìm kiếm lợi suất cao hơn trong thời điểm lãi suất ở các nước phát triển đã chạm đáy. Thêm vào đó, họ cũng cần phải ngăn chặn đồng nội tệ của mình bị rớt giá so với một đồng USD đang tăng.
“Ngay cả nếu các điều kiện trong nước cho thấy cần phải giảm lãi suất, thì các nỗi sợ về sự biến động thị trường tài chính bị thổi phồng sẽ khiến cho các ngân hàng trung ương thận trọng. Đối với các ngân hàng trung ương mà hoặc là cần hoặc là muốn cắt giảm lãi suất, chắc chắn điều đó sẽ làm cho mọi chuyện phức tạp hơn”, Tim Condon, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của ING, nói.
Condon đã kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Indonesia giảm lãi suất 2 đợt trong năm nay, nhưng cho rằng giờ đây ông cảm thấy “lo lắng” về điều đó.
Các thị trường mới nổi đã có một cuộc tổng dợt đầy đủ cho những tình huống như thế trong năm 2013, khi đe dọa thắt chặt chính sách của Fed châm ngòi cho một biến động mạnh, khiến các ngân hàng trung ương ở Ấn Độ, Indonesia và các nơi khác phải bảo vệ đồng nội tệ của mình thông qua việc nâng lãi suất.
Hàn Quốc cũng đang tham gia vào các áp lực cạnh tranh. Lãi suất chính sách của họ hiện chỉ cao hơn của Fed một chút. Họ không những muốn tránh gây bất ổn cho lĩnh vực nhà đất đang “nợ đầm đìa” của mình, mà còn muốn có một lượng tiền nước ngoài khổng lồ trong thị trường trái phiếu của mình để có thể “cất cánh” cho một tình huống tốt hơn.
Lần tăng lãi suất này của Fed không phải là thông tin duy nhất có thể khiến các ngân hàng trung ương cảm thấy cần phải củng cố vị thế của mình.
Các cuộc bầu cử ở Hà Lan, nơi đảng chống EU của Geert Wilders đạt được ít số ghế hơn mong đợi, đã khiến cho các thị trường thở phào nhẹ nhõm, mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp vào tháng tới vẫn còn là mối hiểm họa lơ lửng trên đầu châu lục này, với ứng viên cực hữu từ đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen đang được ủng hộ mạnh mẽ.
Với Thụy Sỹ, sự bất ổn hiện có một tác động ngược lên đồng nội tệ vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn của quốc gia này, khiến cho nó có giá cao hơn, cho dù họ đang áp dụng chính sách lãi suất âm.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ được kỳ vọng sẽ chưa thay đổi lãi suất trong thời gian tới. Chính sách lãi suất âm của họ, có hiệu lực từ năm 2015, đang nhắm vào mục tiêu ngăn cản nhu cầu dành cho đồng tiền này trong giai đoạn đầy những cuộc bầu cử bất ổn trên khắp châu Âu .
Ngân hàng Trung ương Na Uy, dù rất muốn bắt đầu tăng lãi suất, cũng có thể giữ nguyên mức lãi suất cũ, sau khi lạm phát ở nước này đột ngột giảm.
Tình thế lưỡng nan cho các ngân hàng trung ương thế giới là các thị trường do Fed dẫn dắt sẽ bắt buộc phải phản ứng, bất chấp các điều kiện trong nước của mình ra sao./.
|