3 bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008
Vào năm 2007, khi Lucy O’Carroll đang là chuyên gia kinh tế của một công ty tài chính thì tổ chức này bị “vướng” vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn tới sự sụp đổ của một số “ông lớn” ngành tài chính ở Phố Wall trong năm sau đó. Giờ đây, sau 10 năm nhìn lại, bà đã rút ra 3 bài học từ trải nghiệm đau thương nói trên, Barrons cho biết.
Thứ nhất, quan trọng là phải biết được sự khác nhau giữa một triệu chứng và một vấn đề. Từ tháng 8/2007, các ngân hàng luôn khăng khăng rằng họ có vấn đề về thanh khoản chứ không phải là về khả năng thanh toán. Họ lý luận rằng một khi thanh khoản được phục hồi thì mọi chuyện sẽ ổn.
Tuy nhiên, việc thiếu thanh khoản của các ngân hàng hóa ra chỉ là một triệu chứng, chứ không phải là một vấn đề. Các thị trường tài chính đã hoài nghi đúng về những mô hình cung cấp vốn và cách cho vay của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng nghĩ rằng họ có thể không làm gì hiệu quả - ngoài việc tập trung vào lo cho các nhu cầu cung cấp vốn ngắn hạn của họ - và chờ cho tới khi những vấn đề đang đến kết thúc.
Hóa ra là họ không thể, và những ngân hàng không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản hơn trong mô hình hoạt động – quá phụ thuộc vào các thị trường bán sỉ để có được vốn, và cấp vốn vay cho những dự án “có vấn đề” – đã thấy rằng cuối cùng họ phải đối mặt với những vấn đề về khả năng thanh toán. Tuy nhiên, đến giai đoạn đó thì mọi chuyện đã quá trễ cho một số ngân hàng và phải cần đến nhiều đợt bơm vốn lớn.
Vào thời điểm đó, quá ít người ở những vị trí cấp cao ngưng lại để tự hỏi liệu vấn đề thanh khoản ngắn hạn “rõ mười mươi” ấy có thật sự là triệu chứng của một điều gì đó thâm căn cố đế hơn không. Có lẽ họ quá sợ nên không thể đối mặt với câu trả lời.
Thứ hai, chỉ vì một điều rất tồi tệ chưa xảy ra, thì không có nghĩa rằng nó sẽ không đến. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, mọi người thường nói đến các cú sốc mà những thị trường phát triển đã vượt qua được trong 10 – 15 năm trước đó mà không hề bỏ lỡ một nhịp tăng trưởng. “Thời kỳ ôn hòa vĩ đại” ấy, như nó vẫn được gọi, dường như đã làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của mọi thứ, từ bong bóng công nghệ, toàn cầu hóa cho đến đà tăng mạnh của giá năng lượng. Theo đó, người ta vẫn nghĩ rằng kinh tế toàn cầu có thể tiếp nhận bất kỳ sự biến động đột ngột nào một cách khá dễ dàng khi thị trường nhà đất Mỹ bắt đầu gặp khó khăn trong năm 2006.
Nhưng có quá ít xem xét kỹ lưỡng dành cho các mối liên kết giữa “Thời kỳ ôn hòa vĩ đại” và những xu hướng trước khi sụp đổ xảy ra trên thị trường nhà đất Mỹ. Cụ thể là, lãi suất thấp khi ấy đã khuyến khích đà tăng trưởng tín dụng khổng lồ và dẫn đến sự suy giảm chất lượng trong nhiều vụ cho vay ở Mỹ.
Cũng không có nhiều chất vấn xoay quanh sự quả quyết của các ngân hàng trung ương rằng họ không nên tác động quá mạnh nhằm hạn chế bong bóng tín dụng. Việc kiểm tra các kế hoạch kinh doanh và kinh tế trong tình huống có thể có căng thẳng kinh tế và tài chính lại không đủ mạnh. Bài học đã quá rõ ràng: Đừng dựa vào một giả định mà không kiểm tra lại một cách đúng đắn.
Cuối cùng, những người sống sót qua cơn khủng hoảng tài chính đều có một điều gì đó chung. Mỗi công ty mà Lucy O’Carroll tiếp xúc trong những giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng đã đưa ra lý do vì sao họ sống sót. Đáng buồn là, nhiều công ty lại không qua nổi. Nhưng những công ty mà vượt qua được thì trước đó đã duy trì đủ sự linh động để vượt qua được những thời khắc khó khăn.
Họ đã làm được điều đó bằng cách kết hợp việc lên kế hoạch thông minh, có những sản phẩm hay dịch vụ mạnh, nguồn cung vốn vững chắc và duy trì nợ đã có trước đó ở mức có thể quản lý được – cho dù điều gì có thể tiếp diễn ở một nơi nào đó khác trong lĩnh vực của họ đi nữa. Họ đã không chạy theo đối thủ cạnh tranh, không bị nợ rẻ “mời mọc” hay hoãn lại việc lên kế hoạch cho những khó khăn trong tương lai.
Nhưng, có lẽ hơn bất kỳ điều gì khác, chính sự ngạo mạn đã “hạ gục” chúng ta. Hãy cho rằng các cuộc khủng hoảng đã là chuyện quá khứ. Hay, không vì lý do thật sự nào, các cuộc khủng hoảng sẽ được kiểm soát. Hay, chỉ vì không có khả năng, hay không sẵn lòng hiểu được chính xác những gì đã xảy ra.
Vậy thì trong một thập kỷ tới, chúng ta sẽ an toàn hơn với những cuộc khủng hoảng tài chính? Việc rút ra các bài học về những gì đã xảy ra cách đây 10 năm có lẽ đã làm cho chúng ta an toàn hơn với một loại khủng hoảng tương tự. Nhưng lịch sử có khuynh hướng tương tự hơn là lặp lại: Cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo có lẽ sẽ khác, và sự ngạo mạn sẽ thể hiện theo một cách khác.
Việc rút kinh nghiệm từ những bài học này có thể góp phần trì hoãn cuộc khủng hoảng tiếp theo; có thể giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng tiếp theo, nhưng không thể bảo đảm rằng sẽ không có điều tồi tệ nào xảy ra nữa./.
|