TTCK năm mới chào đón những “ông lớn” nào?
Nối bước năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam năm mới hứa hẹn sẽ tiếp tục được đốt nóng bởi sự gia nhập của nhiều thương
hiệu lớn từ các ngành khác nhau.
* Phác họa bức tranh chứng khoán 2017
* Phong thủy cho đầu tư chứng khoán năm Đinh Dậu 2017
Với sự xuất hiện nhiều “hàng khủng” mới, top 15 vốn hóa trên HOSE theo đó cũng sẽ có những thay đổi không nhỏ. Theo công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, 4 cái tên mới có thể tham gia vào top 15 gồm Sabeco (HOSE: SAB), ACV (UPCoM: ACV), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Novaland (HOSE: NVL). Trong đó, 3/4 doanh nghiệp nêu trên đã đưa cổ phiếu lên sàn là Sabeco, ACV, NVL. Cũng vì thế mà nhiều cái tên như: Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), Ngân hàng Quân Đội (HOSE: MBB), FPT, và Eximbank (HOSE: EIB) sẽ phải rời khỏi top 15.
Một số cổ phiếu dự kiến sẽ thay đổi trong TOP 15 (Nguồn: Maybank Kim Eng)
|
Từ “ông trùm” dầu khí Petrolimex, BSR…
Một trong những cái tên phải nhắc đến đầu tiên trong làn sóng lên sàn năm 2017 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Theo thông tin gần đây, Petrolimex đặt mục niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong quý 1/2017. Trước đó, trong quý 3/2016, Công ty đặt mục tiêu lên sàn trong quý 4/2016, tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trật nhịp.
Tính đến cuối quý 3/2016, Petrolimex có vốn điều lệ gần 13 ngàn tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 5/2016, Petrolimex đã hoàn thành phát hành 103.5 triệu cp cho đối tác chiến lược là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam sở hữu 8% vốn. Hiện, Petrolimex đang từng bước thực hiện lộ trình giảm vốn Nhà nước xuống dưới 75%.
Về hoạt động kinh doanh gần đây, trong 9 tháng đầu năm 2016, Petrolimex đạt lợi nhuận ròng 2,956 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ 2015.
Một đơn vị khác là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất, cũng là doanh nghiệp được nhà đầu tư mong đợi IPO. BSR sẽ thực hiện cổ phần hóa trong quý 3/2017 và đang trong quá trình tìm đối tác chiến lược. Về hoạt động kinh doanh, năm 2015, BSR đạt lợi nhuận 6,000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận lên tới 20%.
Bên cạnh đó, hai ông lớn khác là Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng có kế hoạch IPO. Ban đầu, dự định của hai doanh nghiệp này là sẽ IPO trong quý 4/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tín hiệu thực hiện.
PV Power là doanh nghiệp sản xuất điện lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 12,398 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 897 tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch cả năm 2016.
Với PV Oil, năm 2016, đơn vị này ghi nhận doanh thu ước đạt 34,000 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 530 tỷ đồng, vượt tới 96% chỉ tiêu cả năm.
Đến các “chúa tể bầu trời” Vietnam Airline và Vietjet Air
Ngày 03/01/2017, hơn 1.2 tỷ cp của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (UPCoM: HVN) đã lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 28,000 đồng/cp. Tính tới 23/01, thị giá của HVN ở mức 38,000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa thị trường 46.6 ngàn tỷ đồng. HVN hiện có hai cổ đông lớn là Bộ Giao thông Vận tải sở hữu 86.16% vốn và Tập đoàn Hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc (cổ đông chiến lược) sở hữu gần 8.8% vốn.
Theo Hiệp hội Hàng không Việt Nam, tính đến 6 tháng đầu năm 2016, HVN vẫn giữ số một tại thị trường hàng không Việt Nam khi chiếm hơn 42.5% thị phần vận chuyển hành khách. Năm 2016, HVN đạt doanh thu hợp nhất 76,000 tỷ đồng với khoản lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2,500 tỷ đồng.
Hãng hàng không giá rẻ tên tuổi rục rịch lên sàn là CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air). Mới đây, hãng hàng không này đã IPO và được định giá ở mức 1.2 tỷ USD, có 26 nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Tập đoàn trong đợt chào bán này. Số cổ phiếu trên sẽ bắt đầu giao dịch từ tháng 2/2017.
Vietjet Air có 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn T&C, HDBank và Sovico Holding - đơn vị từng sở hữu 70% vốn của Vietjet Air vào năm 2009.
Cũng theo thông tin từ Vietjet Air, tính đến hết tháng 6/2016, thị phần hàng không nội địa của Công ty ở mức 43.1% cao hơn so với con số 37.1% của năm 2015. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước tăng 92% so với năm 2015, đạt 2,300 tỷ đồng, tương đương gần 102 tỷ USD.
Hay “kho tiền” VIB, Techcombank
Ngày 09/01 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) đã đưa hơn 564 triệu cp lên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 17,000 đồng/cp. Hiện nay, VIB chỉ có 1 cổ đông lớn duy nhất là Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% vốn, phần lớn sở hữu thuộc về các cá nhân trong nước với gần 75.6% vốn.
Được biết, 9 tháng đầu năm 2016, VIB đạt lợi nhuận sau thuế gần 327 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng tài sản tính đến cuối quý 3 đạt 88,609 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với đầu năm.
Một nhà băng khác cũng đang tất bật kế hoạch lên sàn là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Được biết, đầu tháng 12/2016, Techcombank đã được cấp mã chứng khoán TCB với số lượng hơn 887.8 triệu cp, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký hơn 8,878 tỷ đồng.
Techcombank có hai cổ đông lớn là Tập đoàn Masan (MSN) sở hữu 15% vốn và Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) sở hữu 19.41% vốn điều lệ.
Điểm lại kết kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2,864 tỷ đồng, tăng trưởng 85% và bằng 81% kế hoạch cả năm. Tính đến thời điểm 30/09/2016, tổng tài sản của Techcombank đạt 222,770 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm (191,993 tỷ đồng).
Và nhiều “tên tuổi” lớn Becamex IDC, THACO Group, VEAM
Bên cạnh những doanh nghiệp đã có thông tin về việc lên sàn, nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào một số tên tuổi khác sẽ gia nhập thị trường trong năm 2017 mà trong đó nổi bật là 3 cái tên lớn: Becamex IDC, Tổng CTCP Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Corp) và CTCP Ô tô Trường Hải (THACO Group).
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) được thành lập từ năm 1976, với vốn điều lệ công ty mẹ là 8,500 tỷ đồng. Vào tháng 4/2016, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐTV cho biết sẽ thực hiện cổ phần hóa vào tháng 6/2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về việc này.
THACO Group và VEAM Corp lại là hai doanh nghiệp cỡ lớn trong ngành sản xuất ô tô, trang thiết bị công nghiệp.
Tính đến 30/06/2016, THACO có tổng tài sản hơn 40,000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với đầu năm. Cũng trong nửa đầu năm 2016, THACO đạt doanh thu thuần gần 27,000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng đạt mốc 3,700 tỷ đồng.
Theo thông tin tại thời điểm năm 2011, THACO có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Trân Oanh (nắm 49.7% vốn), Jardine Cycle & Cariage Ltd (sở hữu 32% vốn) và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT sở hữu 8.6%. Bên cạnh đó, bà Viên Diệu Hoa (vợ ông Dương) cũng sở hữu 4.9% vốn. Được biết, Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Trân Oanh chính là công ty do ông Dương và bà Hoa nắm giữ 100% vốn. Nói cách khác, bằng cả cách gián tiếp và trực tiếp ông Dương và vợ sở hữu hơn 55% vốn của THACO.
Về VEAM Corp, đây cũng là doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp, sản xuất các loại linh kiện, chế tạo và lắp ráp ô tô-xe máy. Kết thúc năm 2015, tổng tài sản của VEAM ở mức 13,250 tỷ đồng. Công ty có 12 công ty con và 9 công ty liên kết, trong đó có 2 cái tên nổi bật là Công ty Honda Việt Nam (sở hữu 30% vốn) và Công ty Toyota Việt Nam (sở hữu 20% vốn). Về kết quả kinh doanh, VEAM đạt doanh thu thuần 1,892 tỷ đồng trong năm 2015 và mang về khoản lợi nhuận sau thuế 3,335 tỷ đồng.
Trong tháng 8/2016, VEAM đã thực hiện IPO hơn 167 triệu cp với tỷ lệ thành công đạt 90%. Sau IPO, Nhà nước sở hữu 51% vốn, cổ đông chiến lược của VEAM (Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam) sở hữu 36% vốn, và CBCNV nắm 0.43% vốn; phần còn lại do các NĐT ngoài nắm giữ.
Với hàng loạt ông lớn ngấp nghé lên sàn, làn sóng niêm yết cổ phiếu trong năm 2017 sẽ hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư và khuấy động thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới./.
|