Dự báo năm 2017 qua lăng kính của doanh nghiệp niêm yết
Năm cũ đã qua đi, năm mới đang bước vào những ngày đầu tiên, tất cả đều hối hả lên phương án, chiến lược cho năm mới. Theo đó, nhiều DNNY cũng đã hé lộ mục tiêu kinh doanh cho năm 2017 với kỳ vọng sáng tối đan xen.
Trong những kế hoạch kinh doanh đầu tiên được tiết lộ, phần đông đều vẽ ra một tương lai gần tương đối sáng cùng kỳ vọng những nỗ lực trong các năm trước sẽ đem đến trái ngọt trong năm 2017 mà điển hình là AAA, TIX, NVL, HSG. Ngược lại, một vài doanh nghiệp đã gặp khó trong năm 2016 như DCM, TMT, CMV thì bước vào năm mới cùng tâm thế thận trọng và mục tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng âm.
Những kỳ vọng sáng
Ở niên độ tài chính khác biệt (01/04 - 30/09), Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình - Tanimex (HOSE: TIX) vừa tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên 2017 và đã chốt mục tiêu kinh doanh năm mới rất ấn tượng với doanh thu đột biến gần 570 tỷ đồng, gấp 3 lần, và lợi nhuận sau thuế 87.5 tỷ đồng, tăng 31% so với con số thực hiện năm 2016.
Kế hoạch táo bạo này đến từ nguồn thu bán chung cư Tanibuilding Sơn Kỳ 1 trong khi các nguồn thu từ kinh doanh hạ tầng, đầu tư tài chính, cho thuê nhà xưởng văn phòng duy trì ổn định hoặc tăng trưởng không đáng kể.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) cũng đã sớm hoàn thiện khâu tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và chốt kế hoạch kinh doanh trong năm 2017. Theo đó, Tập đoàn đưa ra mục tiêu gồm doanh thu thuần đạt 23,000 tỷ đồng, tăng trưởng 29% và lãi ròng 1,650 tỷ, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2016. Nếu so với năm 2016 thì kế hoạch năm 2017 không tăng trưởng bao nhiêu nhưng so với các năm trước là một sự đột biến (trước 2015 lãi ròng tạo ra mỗi năm của HSG chỉ khoảng 500 – 700 tỷ đồng).
Kế hoạch này được đề ra dựa trên nhận định thị trường thép trong năm 2017 sẽ diễn biến phức tạp với những biến động của giá nguyên liệu và động thái phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, bước qua quý đầu tiên của năm tài chính 2017, HSG ước thu về hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016, một khởi đầu khá thuận lợi.
Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HOSE: AAA) đã trải qua một năm 2016 với nhiều thành tựu như kết quả kinh doanh đột biến, xây dựng hoàn thiện nhà máy số 6A, chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE… Nối tiếp đà này, năm 2017 dự kiến cũng sẽ là năm bận rộn cùng nhiều kế hoạch. Đồng thời, con số mục tiêu kinh doanh của Ban lãnh đạo AAA đưa ra cũng ấn tượng không kém, gồm doanh thu 2,900 tỷ đồng và lợi nhuận 200 tỷ, cùng tăng trưởng gần 40% so với ước thực hiện năm 2016 và cổ tức 30% (tăng gấp rưỡi).
Kế hoạch kinh doanh tăng mạnh của AAA dựa trên cơ sở 3 nhà máy sẽ đi vào vận hành trong năm 2017. Đó là nhà máy 6A hiện đang hoàn thiện phần lắp đặt chạy thử, nhà máy 7 và nhà máy 6B cũng đang hoàn thiện dần để tiến hành chạy thử và sản xuất trong quý 1/2017.
Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) vừa hé lộ các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 tăng trưởng khá tốt so với năm 2016 khi tổng doanh thu 1,006 tỷ đồng, tăng 16%, và lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, tăng trưởng 26%. Đồng thời, Công ty cũng gia tăng sản lượng phục vụ chuyến bay quốc nội là 100,418 lượt chuyến, tăng 29%; còn quốc tế 42,049 lượt chuyến, tăng 25%.
Mới đây, Bia Sài Gòn Phú Thọ (BSP) đã gây bất ngờ khi công bố quyết định của HĐQT về việc điều chỉnh tăng đáng kể kế hoạch sản xuất năm 2017 so với mục tiêu đưa ra chỉ hơn 10 ngày trước. Cụ thể, Công ty nâng sản lượng bia lon Sài Gòn từ 34 triệu lít lên gần 50 triệu lít; theo đó, kế hoạch doanh thu cũng điều chỉnh tăng từ gần 684 tỷ đồng lên 877 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16 tỷ lên 35 tỷ đồng. Với kế hoạch điều chỉnh này thì mức lợi nhuận mục tiêu cho năm mới tăng vượt trội so với mức 16.9 tỷ mục tiêu năm 2016 (giảm 55% so với thực hiện 2015). Thực tế thì qua 9 tháng đầu năm 2016, Công ty đã ghi nhận đến 20.8 tỷ đồng lãi ròng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
“Ông lớn” dòng bất động sản cao cấp mới chào sàn là Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HOSE: NVL) đưa ra một viễn cảnh rất tươi sáng cho năm 2017 cùng kế hoạch doanh thu thuần 17,528 tỷ đồng và lãi ròng 3,144 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 160% và 91% so với kế hoạch 2016. Cơ sở để NVL kỳ vọng hoàn thành mục tiêu là việc được ghi nhận doanh thu lớn đến từ 7 dự án đã được bàn giao từ năm 2014 và 2015.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Kỹ nghệ Lạnh (HOSE: SRF), Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (HOSE: CII) cũng đưa ra mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng khá tốt, dao động từ 25% đến 50% so với kế hoạch năm trước.
Hay Tư vấn Thiết kế và Phát triển đô thị (HOSE: CDO), đơn vị có cổ phiếu nổi đình nổi đám dịp cuối năm 2016 với việc bỗng dưng lao dốc một mạch từ 35,000 đồng về mức hơn 5,000 đồng/cp chỉ vọn vẹn hơn 1 tháng cũng đưa ra một tương lai sáng hơn với dự tính lợi nhuận sau thuế 55 tỷ đồng, tăng 17% so với ước thực hiện 2016.
Mây đen bao phủ
Ở trạng thái bi quan, nhiều doanh nghiệp hé lộ kế hoạch tăng trưởng thấp hoặc âm cho năm 2017. Điển hình như DCM, TMT, DBC…
Năm 2016 vốn là năm không mấy khả quan đối với Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) khi cung – cầu urê biến động làm giá bán và doanh thu cùng giảm. Và đây cũng là năm đầu tiên Công ty mẹ DCM bắt đầu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà máy sản xuất đạm Cà Mau. Do vậy, Công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng đặt ra cho năm 2016 giảm nhẹ còn lần lượt 5,092 tỷ và 612 tỷ. Năm 2017 được dự báo cũng sẽ không khá hơn bao nhiêu thể hiện qua mục tiêu kinh doanh Ban lãnh đạo đề xuất chỉ ở mức 5,328 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế 633 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kế hoạch đã điều chỉnh 2016.
Cùng hoàn cảnh, HĐQT Ô tô TMT (HOSE: TMT) nhận định diễn biến u ám của năm 2016 sẽ tiếp diễn trong năm 2017 khi đưa ra chỉ tiêu kế hoạch gồm doanh thu thuần 4,876 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 154.7 tỷ và 124 tỷ đồng; thấp hơn gần phân nửa so với kế hoạch năm 2016. Được biết, 9 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh doanh của TMT thực sự bi đát khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 47 tỷ đồng, bằng 26% cùng kỳ năm trước.
Tuy cũng đưa ra đích đến khá thấp nhưng ngược với DCM và TMT, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HNX: DBC) trải qua năm 2016 rất khả quan khi mới 9 tháng đầu năm đã thực hiện vượt 34% kế hoạch lãi ròng hợp nhất cả năm và tăng mạnh 214% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là nhờ sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh giống gia súc, gia cầm, gia công và chế biến thực phẩm của Công ty trong năm qua đều tăng trưởng tốt. Dẫu vậy, HĐQT mới đây lại công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 với tổng doanh thu 9,265 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 369.7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 319 tỷ đồng; thậm chí còn thấp hơn kết quả đã thực hiện 9 tháng đầu năm 2016.
Một trường hợp khác bất ngờ, Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) bất ngờ đưa ra mục tiêu lợi nhuận năm 2017 chỉ 80 tỷ đồng dù cho năm 2016 lãi đậm 362 tỷ đồng nhờ giá thép thị trường tăng cao hơn nhiều so với thép tồn kho và nhập kho.
Thương nghiệp Cà Mau (HOSE: CMV) vừa công bố Nghị quyết thông qua kế hoạch năm 2017 với lãi ròng giảm 20% so với kế hoạch năm 2016, chỉ đạt 20 tỷ đồng. Hay HĐQT Vật tư – Xăng dầu (HOSE: COM) đã thống nhất kế hoạch lãi ròng 50 tỷ đồng cho năm 2017, thấp hơn kết quả ghi nhận được trong 9 tháng đầu năm 2016 rất nhiều (75 tỷ đồng)./.
|