Thứ Tư, 15/02/2017 10:09

Ổn định lãi suất 2017 – Nhiệm vụ có khả thi?

Đa số ý kiến gần đây cho rằng mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ chịu nhiều áp lực, trước những dự báo diễn biến của tỷ giá và lạm phát. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định trong năm 2017.

Cung cầu vốn nội tại của ngân hàng

Thông thường lãi suất chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ áp lực cầu vốn lên cao trong khi cung vốn không tăng trưởng kịp để đáp ứng. Nhìn lại quá khứ, những thời điểm lãi suất chịu áp lực nhiều nhất là khi thanh khoản của các ngân hàng căng thẳng, tăng trưởng tín dụng mạnh trong khi nguồn vốn huy động theo không kịp.

Tuy nhiên, năm 2017, thanh khoản của các ngân hàng có thể tiếp tục dư thừa, đảm bảo cung cầu vốn cân bằng hoặc thậm chí cung vốn vẫn có thể vượt trội hơn. Thứ nhất, do tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế và níu chân bởi hệ số CAR, vốn đã cận kề mức quy định 9% tại nhiều ngân hàng, đặc biệt là những NHTM nhà nước. Trong khi đó, 10 ngân hàng thí điểm áp dụng theo chuẩn Basel II buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn, do đó với thực trạng hiện nay nếu đem Basel II áp dụng vào nhiều ngân hàng thì hệ số CAR rớt về mức thấp hơn dưới 9%.

Vì vậy, nếu không thể tăng thêm vốn thì câu chuyện mở rộng phát triển kinh doanh, đặc biệt là tín dụng sẽ rất khó, trong khi câu chuyện tăng vốn trong ngành ngân hàng thời điểm hiện nay không phải là dễ dàng. Cụ thể như trong năm 2016 vừa qua, rất nhiều ngân hàng đã đặt kế hoạch tăng vốn nhưng chỉ một số ít là hoàn thành, trong khi một số khác phải tìm đến con đường phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Một báo cáo năm qua của Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng cho rằng, nếu nhóm NHTM Nhà nước không thể tăng thêm vốn thì sẽ dẫn đến vốn tín dụng thiếu hụt, khiến tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5-10% trong vòng 5 năm (2016-2020).

Thứ hai là hiện nay NHNN cũng đã hạn chế nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực ngốn vốn như các dự án BOT, BT hay các dự án bất động sản, khiến nguồn vốn tại các ngân hàng trở nên dư thừa mà đã dẫn đến động thái điều chỉnh mạnh lãi suất huy động vào cuối tháng 9 của 4 NHTM nhà nước và sau đó là các NHTM cổ phần. Ngoài ra, việc áp dụng Thông tư 06/2016/TT-NHNN, theo đó nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% từ năm 2017 sẽ khiến cho vay trong lĩnh vực bất động sản kém sức hấp dẫn do gây áp lực lên hệ số CAR.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Thông tư 06 cũng chính thức giảm từ 60% về còn 50% kể từ 1/1/2017. Việc giảm tỷ lệ có thể khiến lượng vốn huy động ngắn hạn nhàn rỗi của các ngân hàng tăng lên nếu không cho vay ra được, vì vậy thanh khoản của các ngân hàng sẽ được duy trì ở mức dồi dào. Ngoài ra, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cũng bị hạn chế ở tỷ lệ tối đa bằng 35% nguồn vốn ngắn hạn, do đó các ngân hàng cũng không thể “mặc sức” đẩy vốn vào thị trường trái phiếu để dẫn đến căng thẳng thanh khoản.

Nguồn vốn tái tạo từ xử lý nợ xấu

Mặt bằng lãi suất thời gian qua khó giảm mạnh một phần đến từ nợ xấu của các ngân hàng quá lớn, khiến các ngân hàng buộc phải neo lãi suất cho vay ở mức cao để đủ thu nhập bù lại phần mất đi do các khoản nợ xấu gây ra. Do đó, nếu nợ xấu càng được xử lý rốt ráo thì sẽ càng tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất.

Năm 2017 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều ngân hàng đặt mục tiêu trọng tâm vào công cuộc xử lý nợ xấu. Cùng với việc thị trường bất động sản tiếp tục ấm lên tạo điều kiện cho ngân hàng thuận lợi hơn trong việc thu hồi nợ các khoản vay dự án trước đây. Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC đã được cải thiện nhiều hơn trong năm 2016 vừa qua nhờ vào việc NHNN đã trao cơ chế chủ động và quyền hạn nhiều hơn cho VAMC trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu khi ban hành Thông tư số 08/TT-NHNN.

Cụ thể, tổng số nợ xấu VAMC đã xử lý được trong năm 2016 là hơn 20,697 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số nợ xấu đã xử lý trong 3 năm qua là 43 ngàn tỷ đồng. Các TCTD thời gian qua cũng đã xin cơ chế tất toán trước hạn các trái phiếu đặc biệt khi đã hoàn tất thu hồi khoản nợ đã bán cho VAMC, giúp có thêm nguồn vốn để phát triển kinh doanh và cho vay mới.

Với điều kiện các thị trường ngày càng tốt lên, VAMC được chủ động nhiều hơn, thị trường mua bán nợ được quan tâm hơn và chính các TCTD cũng đặt trọng tâm vào công tác thu hồi nợ, thì tiến độ xử lý nợ xấu kỳ vọng sẽ nhanh hơn, càng tạo điều kiện để các ngân hàng có thể giảm lãi suất để tăng sức cạnh tranh. Một thông tin gần đây cũng cho thấy Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên sạch nợ tại VAMC, chỉ sau hai năm tập trung kế hoạch xử lý nợ, sớm trước ba năm so với lộ trình 2020 mà Quốc hội, Chính phủ chủ trương. Thực tế cho thấy hầu hết các ngân hàng đều muốn xử lý nhanh các khoản vay đã bán cho VAMC để khỏi phải trích lập dự phòng hàng năm cho trái phiếu đặc biệt, vốn được xem là tài sản không sinh lời của ngân hàng.

NHNN gần đây cũng cho biết sẽ quyết liệt tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong năm 2017, thậm chí theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thì sẽ xây dựng Luật riêng đặc biệt để hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu. Một khi các ngân hàng yếu kém, vốn là những ngân hàng đang neo mặt bằng lãi suất ở mức cao, được xử lý hoặc có điều kiện hỗ trợ phục hồi, cộng thêm nợ xấu đẩy nhanh tiến độ thu hồi thì kỳ vọng lãi suất giảm là có cơ sở.

Và những ảnh hưởng ngoại lai khác

Lãi suất năm 2017 theo nhiều dự báo là chịu áp lực từ yếu tố tỷ giá, khi FED có thể tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 3 lần trong năm nay. Tuy nhiên, cũng đầu năm 2016, FED khi đó dự kiến có thể tăng lãi suất đến 4 lần trong năm nhưng thực tế chỉ tăng 1 lần vào cuối năm qua. Do đó, việc FED có thể tăng lãi suất đến 3 lần trong năm 2017 hay không cần phải xem xét, vì với những yếu tố bất định từ tân tổng thống Donald Trump thì nền kinh tế Mỹ tốt lên hay xấu đi là vẫn chưa có gì chắc chắn. Nếu đẩy lãi suất lên quá nhanh ngược lại có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ vốn chỉ đang phục hồi ở thế mỏng manh.

Nhưng cho dù FED có tăng lãi suất 3 lần trong năm thì khả năng NHNN Việt Nam cũng sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá sốc vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là khi Chính phủ tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định vĩ mô trong năm nay. Về lạm phát thì mục tiêu năm 2017 là 4%, thấp hơn cả mục tiêu 5% của năm 2016 và do đó trở nên khá hấp dẫn đối với người gửi tiền nếu so với mặt bằng lãi suất hiện nay, cho thấy Chính phủ quyết tâm ổn định nền kinh tế tạo điều kiện giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, với đồng USD tăng giá mạnh thì những quốc gia có các khoản nợ bằng đô la như Việt Nam sẽ phải tăng cường huy động thêm nội tệ để trả nợ. Do đó, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp là rất cần thiết đối với hoạt động huy động vốn của Chính phủ qua thị trường trái phiếu nội địa. Nhất là khi chi phí vay vốn nước ngoài của Việt Nam sắp tới có thể phải tăng lên do Việt Nam có thể phải vay vốn ODA với lãi suất cao theo thị trường từ tháng 7/2017 (Việt Nam không còn đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi do đã trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2010).

Cần biết rằng, dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đã xác định mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%, do đó để đạt được mục tiêu này vào năm 2020 thì ít nhất mỗi năm ngân hàng phải giảm được mặt  bằng lãi suất thêm 1% từ nay cho đến thời điểm đó. Vì vậy, với mục tiêu Chính phủ đã đề ra, chúng ta có quyền tin rằng NHNN sẽ sử dụng linh hoạt các giải pháp, công cụ, chính sách điều hành để tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2017, hay thậm chí có thể kỳ vọng sẽ giảm thêm.

Với điều kiện các thị trường ngày càng tốt lên, VAMC được chủ động nhiều hơn, thị trường mua bán nợ ngày càng được quan tâm và chính các TCTD cũng đặt trọng tâm vào công tác thu hồi nợ, thì tiến độ xử lý nợ xấu kỳ vọng sẽ nhanh hơn, càng tạo điều kiện để các ngân hàng có thể giảm lãi suất để tăng sức cạnh tranh.

 

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Nhà nước “bác” kiến nghị gia hạn gói 30.000 tỷ của HoRea (15/02/2017)

>   543 khách hàng trúng thưởng đợt cuối khuyến mãi “Sinh nhật vui – Xuân hạnh phúc” của Sacombank (15/02/2017)

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh (14/02/2017)

>   Năm 2016 khởi sắc của ngành ngân hàng (14/02/2017)

>   Giá vàng giảm về dưới 37 triệu đồng/lượng (14/02/2017)

>   Nợ xấu - lỗi tại ai? (14/02/2017)

>   ​Không truy tố Huỳnh Thị Huyền Như tội tham ô tài sản (14/02/2017)

>   Đạt đỉnh 4 năm: ACB đã trở lại và có lợi hại hơn xưa? (15/02/2017)

>   Không nhất thiết phải lập DN để vay vốn với lãi suất hợp lý (13/02/2017)

>   Rà soát tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng sau nhiều đại án (13/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật