Thứ Ba, 14/02/2017 07:58

​Không truy tố Huỳnh Thị Huyền Như tội tham ô tài sản

Lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết cơ quan này đang thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2.

 

Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa

Kết quả điều tra giai đoạn 2 cho thấy không đủ căn cứ truy tố Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM) về tội “tham ô tài sản” như ý kiến của Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM (nay là TAND cấp cao TP.HCM).

Lợi dụng lòng tham 

Đây chỉ là một trong rất nhiều lần Huỳnh Thị Huyền Như phải chuẩn bị hầu tòa. Trước đó, Như bị TAND TP.HCM xử phạt tù chung thân cho cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tháng 2-2015, khi xét xử, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án của TAND TP.HCM để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm trong việc chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng.

Tòa phúc thẩm cho rằng số tiền 1.085 tỉ đồng là do Huỳnh Thị Huyền Như tham ô của VietinBank chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, tội tham ô tài sản với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị xử phạt tử hình. Trong khi đó, mức hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân. 

Kết quả điều tra lại xác định để có tiền trả nợ do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng lòng tham của một số cá nhân là người môi giới, người đại diện các đơn vị gửi tiền có ý thức tư lợi cá nhân để thỏa thuận trái pháp luật.

Cụ thể Như đã bỏ tiền túi của cá nhân trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới… để dẫn dụ các đơn vị này gửi tiền vào VietinBank.

Khi các đơn vị này gửi tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại VietinBank, Như đã lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản, sau đó dùng quyền của trưởng phòng giao dịch để chuyển tiền sang tài khoản của Như.

Ý thức lừa đảo xuyên suốt

Quá trình điều tra lại, Viện KSND tối cao cho rằng Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý thức chiếm đoạt tiền của 5 công ty (Phương Đông, Hưng Yên, An Lộc, SBBS, Bảo Hiểm Toàn Cầu) ngay từ khi các công ty này chưa gửi tiền vào VietinBank.

5 công ty đã có lỗi khi thỏa thuận trái pháp luật với Huỳnh Thị Huyền Như trong việc gửi tiền để hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước; không quản lý giám sát và xử lý hành vi sai trái của Huỳnh Thị Huyền Như. VietinBank cũng có lỗi trong việc xem xét, quản lý tiền gửi của khách hàng.

Xét cả quá trình từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, Viện KSND tối cao nhận định hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty.

Do đó không có căn cứ để thay đổi tội danh của Như từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội tham ô tài sản như bản án phúc thẩm đặt ra.

Quá trình điều tra lại, ngoài Huỳnh Thị Huyền Như, Viện KSND tối cao còn truy tố 11 bị cáo khác nguyên là cán bộ Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) và VietinBank về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, đại án Huỳnh Thị Huyền Như là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Vụ án có 23 bị cáo, số tiền bị Như chiếm đoạt lên tới gần 4.000 tỉ đồng.

Tổng số tiền phải thi hành án trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như khoảng 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã đưa hơn 9.000 tỉ đồng vào diện không có khả năng thi hành án.


http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170213/khong-truy-to-huynh-thi-huyen-nhu-toi-tham-o-tai-san/1264243.html

Các tin tức khác

>   Đạt đỉnh 4 năm: ACB đã trở lại và có lợi hại hơn xưa? (15/02/2017)

>   Không nhất thiết phải lập DN để vay vốn với lãi suất hợp lý (13/02/2017)

>   Rà soát tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng sau nhiều đại án (13/02/2017)

>   VIB: Năm 2016 lãi ròng 561 tỷ đồng, nợ xấu 2.57% (13/02/2017)

>   7 khó khăn pháp lý khi xử lý nợ xấu (13/02/2017)

>   Giá vàng đi ngang, tỷ giá trung tâm lên 22,234 đồng (13/02/2017)

>   Hợp đồng bảo lãnh, cần bảo vệ quyền lợi tổ chức tín dụng hay người bảo lãnh? (13/02/2017)

>   Ngân hàng nâng cấp hệ thống, khách hàng chậm lương (11/02/2017)

>   Xung quanh lượng lớn nợ xấu có “yếu tố Nhà nước” (10/02/2017)

>   Dự kiến đề xuất cấm cho vay mua cổ phần ngân hàng (10/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật