Hợp đồng bảo lãnh, cần bảo vệ quyền lợi tổ chức tín dụng hay người bảo lãnh?
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hoạt động tín dụng nước ta được ghi nhận không ngừng tăng trưởng. Theo thông lệ có từ lâu đời của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng khi cho khách hàng vay tiền luôn đòi hỏi sự bảo lãnh và thế chấp tài sản từ người thứ ba.
Đồng thời với sự gia tăng của hoạt động tín dụng, tranh chấp hợp đồng bảo lãnh tín dụng cũng phát sinh ngày càng nhiều. Điều đáng lưu ý, thời gian gần đây, tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa bên nhận bảo lãnh (ngân hàng) và người bảo lãnh rất dai dẳng và khó phân xử.
Bài viết này trình bày các quy định pháp luật hiện hành, những vấp váp trong thực tiễn và đề xuất những biện pháp cải thiện hoạt động bảo lãnh tín dụng.
Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 chỉ dành 9 điều khoản quy định khá sơ lược về bảo lãnh. Trong số đó đã có đến 6 điều khoản quy định các bên có quyền tự thỏa thuận như “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, “theo thỏa thuận các bên”.
Quy định pháp luật về bảo lãnh của nước ta có thể được tóm lược như sau:
- Điều 335 BLDS 2015 quy định: Bảo lãnh là việc bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh (ngân hàng) sẽ thực hiện trả nợ thay cho bên được bảo lãnh (bên vay tiền ngân hàng) nếu khi đến thời hạn trả nợ mà bên vay tiền không trả đủ nợ. Nếu hai bên có thỏa thuận, bên bảo lãnh chỉ phải trả nợ cho ngân hàng khi bên vay tiền không có khả năng trả nợ.
- Khoản 2 Điều 336 BLDS 2015 quy định: Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Điều 339 BLDS 2015 quy định: Ngân hàng chỉ có thể đòi tiền bên bảo lãnh khi nợ đến hạn và bên vay tiền không trả đủ nợ.
- Điều 342 BLDS 2015 quy định: Nếu bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (trả nợ thay cho bên vay tiền) thì phải trả khoản nợ chưa thanh toán đúng hạn và phải bồi thường thiệt hại cho bên ngân hàng.
- Điều 343 BLDS 2015 quy định về những trường hợp chấm dứt bảo lãnh, trong đó có trường hợp chấm dứt khi “Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt”.
Những vướng mắc thường gặp trong tranh chấp về hợp đồng bão lãnh tín dụng:
- Xác định nghĩa vụ bảo lãnh trong thực tế thế nào cho đúng?
Hiện nay, các cơ quan tài phán và ngân hàng thường chỉ đơn giản căn cứ vào Khoản 2 Điều 336 BLDS 2015 để cho rằng người bảo lãnh ngoài số tiền nợ gốc cùng lãi phát sinh còn phải trả lãi quá hạn theo thời gian người vay chậm trả dù người bảo lãnh hoàn toàn không biết việc chậm trả. Tuy nhiên căn cứ vào Điều 339 BLDS 2015, ngân hàng phải có yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán khi nợ đến hạn mà bên vay không thanh toán. Như vậy, vào thời điểm ngân hàng có yêu cầu trả nợ bảo lãnh, bên bão lãnh chỉ có nghĩa vụ trả nợ vốn gốc và lãi phát sinh theo hợp đồng mà thôi. Bên bảo lãnh chỉ phải trả lãi quá hạn (như khoản bồi thường thiệt hại theo Điều 342 BLDS 2015) khi đã nhận được yêu cầu mà không thực hiện nghĩa vụ trả nợ bảo lãnh.
Trong hầu hết các vụ tranh chấp dai dẳng bảo lãnh tín dụng, các ngân hàng đều đã vi phạm nghĩa vụ thông tin, không thông báo nợ đến hạn và bên vay không trả nợ cho bên bảo lãnh dẫn đến số tiền lãi quá hạn phát sinh lớn hơn rất nhiều so với nợ gốc.
- Xác định chính xác căn cứ chấm dứt bảo lãnh:
Các ngân hàng đồng thanh lập luận rằng bên bảo lãnh phải có nghĩa vụ bảo lãnh không chỉ đối với hợp đồng vay ban đầu mà cả các hợp đồng gia hạn, các phụ lục thay đổi điều khoản. Quan điểm này cũng thường được cơ quan tài phán chấp nhận, đặc biệt trong trường hợp giá trị vay không thể thay đổi. Nhưng Khoản 1 Điều 343 BLDS 2015 quy định rõ hợp đồng bảo lãnh chấm dứt khi “Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt” và Khoản 4 Điều 372 BLDS 2015, tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề, quy định nghĩa vụ (được bảo lãnh) chấm dứt khi “Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác”.
Như vậy, khi gia hạn hoặc thay đổi điều khoản hợp đồng vay ban đầu, hợp đồng bảo lãnh đương nhiên chấm dứt do các bên đã thay thế nghĩa vụ được bảo lãnh ban đầu bằng nghĩa vụ mới (chưa được bảo lãnh).
Một cái nhìn về quy định pháp luật nước ngoài về bảo lãnh, Bộ Luật dân sự Pháp quy định rất cụ thể:
+ Thay đổi bất kỳ trong hợp đồng vay ban đầu sẽ dẫn đến sự chấm dứt việc bảo lãnh nếu người bảo lãnh không ký hợp đồng bảo lãnh mới.
+ Nếu ngân hàng vi phạm nghĩa vụ thông báo cho bên bảo lãnh khi nợ đáo hạn và bên vay không trả nợ, bên bảo lãnh chỉ có nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi theo thời hạn hợp đồng. Phần lãi quá hạn ngân hàng chỉ có thể đòi bên vay nợ. Trong các hợp đồng vay dài hạn, ngân hàng còn có nghĩa vụ thông báo định kỳ cho bên bảo lãnh tình hình vay và thanh toán nợ vay nếu vi phạm có thể bị phạt tiền.
+ Người bảo lãnh có quyền chấm dứt hợp đồng bảo lãnh bất kỳ lúc nào miễn thanh toán đủ nợ đang tồn đọng đến thời điểm chấm dứt bảo lãnh.
+ Hợp đồng bảo lãnh giữa cá nhân và ngân hàng nếu không có ghi mức trần bảo lãnh sẽ bị vô hiệu toàn bộ.
Trong khi chờ đợi các nhà làm luật sửa đổi quy định pháp luật về bảo lãnh tín dụng, các bên cần có biện pháp hạn chế tranh chấp như sau:
- Trước hết, người bảo lãnh phải biết bảo vệ quyền lợi của mình. Khi ký kết hợp đồng bảo lãnh, người bảo lãnh phải yêu cầu ngân hàng ghi rõ mức bảo lãnh, nghĩa vụ của ngân hàng thông báo khi nợ đến hạn và không được thanh toán, điều khoản loại trừ trách nhiệm bên bảo lãnh đối với hợp đồng vay gia hạn, sửa đổi và điều khoản cho phép người bảo lãnh được đơn phương chấm dứt hợp đồng.
- Ngân hàng cần nhận thức rằng bảo vệ người bảo lãnh là bảo vệ món nợ cho vay, hạn chế nợ xấu. Nếu người bảo lãnh không yêu cầu, ngân hàng cũng nên làm rõ các vấn đề nêu trên trong hợp đồng bảo lãnh.
- Hiệp hội Ngân hàng cũng cần phát huy vai trò chủ đạo, hướng dẫn hoạt động ngân hàng bằng cách ban hành những hướng dẫn cụ thể giải quyết các tình huống phát sinh cho các ngân hàng. Trong trường hợp này, Hiệp hội Ngân hàng nên đi trước các ngân hàng, soạn thảo mẫu hợp đồng bảo lãnh với những điều khoản bảo đảm cân bằng quyền và nghĩa vụ các bên, hạn chế tranh chấp phát sinh. Ở nước ngoài, vai trò của Hiệp hội Ngân hàng rất quan trọng đối với hoạt động tài chính, ngân hàng. Các văn bản hướng dẫn của Hiệp hội Ngân hàng nước ngoài luôn được các ngân hàng hoan nghênh và tuân thủ do có tính khả thi, thực tế và phù hợp với pháp luật nội địa cũng như thông lệ quốc tế.
Ngày nay, quan điểm bảo vệ tổ chức tín dụng trong tranh chấp bảo lãnh tín dụng bằng mọi giá đã trở nên lỗi thời. Quan điểm này làm cho hoạt động bảo lãnh tín dụng không ổn định, gia tăng tranh chấp và nợ xấu.
Chúng ta cần phải hiểu, như các quốc gia tiên tiến trên thế giới, bảo vệ quyền lợi người bảo lãnh đồng nghĩa với bảo vệ quyền lợi ngân hàng, hạn chế tranh chấp và ổn định hoạt động tài chính ngân hàng.
Luật sư Quách Tú Mẫn
Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh
|