Lạm phát toàn cầu sắp tăng cao?
Kinh tế toàn cầu đã vượt qua nhiều thử thách từ chính quyền mới của Mỹ với sự tự tin đáng kinh ngạc, mặc cho những mối đe dọa nghiêm trọng tới hoạt động thương mại thế giới. Tuy nhiên, chưa rõ là lạm phát sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp thêm bao lâu nữa, Reuters cho hay.
Đã gần một thập niên trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và hàng loạt biện pháp kích thích tiền tệ khẩn cấp được tung ra nhưng tỷ lệ lạm phát hiện cũng chỉ gần với mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, đã có các dấu hiệu “khuấy động” lạm phát ở một vài nơi trên thế giới, qua đó cho thấy nền kinh tế sắp chứng kiến một bước chuyển mình quan trọng.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) vừa bỏ ý định nới lỏng chính sách, cho rằng áp lực lạm phát toàn cầu là lý do khiến họ thay đổi đột ngột. Còn Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico), vốn đang phải vật lộn với sự mất giá của đồng Peso, đã quyết định nâng lãi suất lên mức cao nhất trong gần 8 năm qua hôm thứ Năm (09/02).
Được biết, Mỹ, Anh và Trung Quốc sẽ đưa ra những mục tiêu mới về lạm phát vào tuần tới, với dự báo tương ứng ở mức 2.4%, 1.9% và 2.4%, kết quả thăm dò của Reuters cho thấy.
Thông báo về kế hoạch giảm thuế, vốn đang được nhiều người mong đợi, từ chính quyền Donald Trump có khả năng sẽ xảy ra trong vài tuần tới, và cũng chính thông báo này đã nhấc bổng giá cổ phiếu vốn đã dao động ở mức rất cao, mặc cho những lo lắng về các hàng rào thương mại.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen, sẽ có buổi điều trần với Quốc hội trong tuần tới, qua đó đánh dấu buổi điều trần đầu tiên của bà Yellen kể từ khi ông Trump nhậm chức. Và dường như bà cũng chưa sẵn sàng cho các đợt tăng lãi suất.
Lạm phát trong nền kinh tế đang gia tăng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, sự gia tăng này không phải là do năng suất của các thị trường hàng hóa và lao động đã tăng cao. Thay vào đó, đợt leo dốc mới nhất của lạm phát là do chi phí tăng, đặc biệt là chi phí năng lượng, qua đó khiến cho những người đứng đầu các ngân hàng trung ương, mà đáng chú ý là Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), phải nói rằng họ sẽ tập trung vào các áp lực lạm phát trong thời gian tới.
Và vật cản chính đối với sự gia tăng của lạm phát là nằm ở một trong những “tác dụng phụ” từ dòng chảy tự do của lao động: đó là thiếu áp lực về tiền lương. “Áp lực tiền lương vẫn còn rất nhiều ở các ngành có lương thấp, qua đó hạn chế mức tăng trưởng chung của tiền lương”, Robert Rosener, chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley, cho biết.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện dao động dưới mốc 5% và gần với mức hầu hết các nhà kinh tế cho là thấp nhất có thể, trước khi thiếu hụt lao động bắt đầu đẩy chi phí nhân công lên cao.
Mặc dù dữ liệu chính thức mới nhất này cho thấy sự giảm sút, nhưng kỳ vọng chung là lạm phát tiền lương sẽ sớm nhảy vọt, đặc biệt là khi xét đến một trong những mục tiêu mà ông Trump từng được nhắc tới là “chỉ thuê người Mỹ”.
Tuy nhiên, vấn đề lạm phát tiền lương lại ít được nói đến hơn ở Anh.
Nước Anh đang phải đối mặt với thách thức lạm phát sau khi sự kiện Brexit năm ngoái, khiến đồng tiền của nước này mất giá đến 15%. Điều đó có thể khiến lạm phát tăng lên 3% hoặc cao hơn vào cuối năm 2017.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa hạ ước tính tỷ lệ thất nghiệp từ 5% xuống 4.5% dựa trên bằng chứng gần đây cho thấy rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ không khiến tiền lương tăng quá nhiều.
Mức lương trung bình hàng tuần ở Anh, ngoại trừ tiền thưởng, trong quý 4/2016 được dự báo tăng 2.7% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số khá ổn định so với các dữ liệu chính thức vừa qua.
Nhìn về tương lai, vẫn còn đó nhiều bất ổn xoay quanh mối quan hệ thương mại tương lai giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) và phải mất bao nhiêu thời gian để Anh hoàn thành việc thương lượng với EU.
Nhưng nếu tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, thì khuynh hướng tăng lương sẽ sớm được tái lập, đúng theo các quy luật kinh tế cơ bản./.
|