Nhờ đâu giá dầu đã tăng gấp đôi chỉ trong 1 năm?
Đây quả là một ngày tốt lành đối với OPEC
Dữ liệu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được công bố trong ngày thứ Hai cho thấy các thành viên của tổ chức này đều tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng, CNNMoney cho hay.
Chính lời xác nhận này đã khép lại một năm đáng nhớ của OPEC. Được biết, tổ chức này buộc phải đưa ra kế hoạch để hỗ trợ giá dầu sau khi rớt xuống mức 26 USD/thùng trong tháng 2/2016.
Nguyên nhân khiến giá dầu trượt xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2003 là do nhiều tháng liền trong tình trạng dư cung toàn cầu, nhu cầu ảm đạm từ Trung Quốc và quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Iran.
Kể từ đó, thị trường dầu đã quay đầu bứt phá, trong đó giá dầu thô tăng gấp đôi lên mức 53.50 USD/thùng.
Đây là cách các nhà sản xuất chủ chốt làm việc với nhau để đẩy giá dầu lên cao:
Thỏa thuận của OPEC
OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng trong tháng 11/2016, với hy vọng xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu.
Thông tin về thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã ngay lập tức kích giá dầu nhảy vọt 9%.
Nhà đầu tư còn tỏ ra vui mừng hơn khi các nhà sản xuất ngoài OPEC, bao gồm Nga, Mexico và Kazakhstan, cũng chung tay cắt giảm sản lượng.
Quan trọng hơn là thỏa thuận đã thành công bước đầu. Báo cáo của OPEC trong ngày thứ Hai cho thấy đa số các thành viên của tổ chức đều tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đồng ý. Trước đó, cơ quan này đã ước tính mức độ tuân thủ thỏa thuận của các thành viên OPEC đạt mức 90% trong tháng 1/2017.
Tại một cuộc phỏng vấn với CNNMoney trong ngày thứ Hai, Bộ trưởng Năng lượng UAE, Suhail Al Mazrouei, cho biết các kết quả trên còn khả quan hơn cả dự báo của ông,
Được biết, các nhà sản xuất tham gia thỏa thuận sẽ cắt giảm tổng cộng 1.8 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng.
Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư
Thỏa thuận của OPEC đã mất nhiều tháng để thương lượng và nhà đầu tư thực sự thích thỏa thuận này. Số lượng quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư tổ chức khác, vốn đang đặt cược giá dầu sẽ tăng cao, đã chạm mức kỷ lục trong tháng 1/2017, dữ liệu của OPEC cho thấy.
Chính tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đã góp phần giúp giá dầu nhảy vọt.
Nhu cầu tăng cao
Dữ liệu mới nhất từ cả OPEC và IEA cho thấy nhu cầu dầu trên toàn cầu đã tăng mạnh hơn dự báo trong năm 2016, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, doanh số bán xe tăng cao và thời tiết lạnh hơn dự báo trong quý 4/2016.
Nhu cầu dầu còn chuẩn bị tăng mạnh hơn trong năm 2017 lên mức trung bình khoảng 95.8 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 94.6 triệu thùng/ngày trong năm 2016.
IEA cho biết nếu OPEC thực hiện đúng theo thỏa thuận này, tình trạng dư cung toàn cầu, vốn đã “quấy rầy” thị trường trong 3 năm qua, sẽ biến mất trong năm 2017.
Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới?
Mặc cho đà tăng đáng kinh ngạc, các nhà phân tích cảnh báo rằng giá dầu có thể không tăng nhiều lắm.
Điều này là do giá dầu cao có khả năng thu hút các nhà sản xuất dầu từ nguồn đá phiến ở Mỹ trở lại thị trường. Dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ ở mức 591 giàn trong tuần trước, cao hơn 152 giàn so với thời điểm 1 năm về trước.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ cũng nhảy vọt lên gần 200 triệu thùng, cao hơn cả mức trung bình 5 năm, theo báo cáo từ OPEC.
“Sự gia tăng mạnh mẽ của dự trữ dầu thô xuất phát từ đà leo dốc của nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ – các nhà sản xuất không tham gia vào thỏa thuận OPEC và tận dụng đà nhảy vọt của giá dầu để gia tăng sản lượng”, Fiona Cincotta, một nhà phân tích tại City Index cho biết.
Nếu nguồn cung tăng mạnh một lần nữa thì điều này có thể gây áp lực lên OPEC./.
|