Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng: “Lợi bất cập hại”
Xét về dài hạn, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại, làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.
* Chính phủ chưa xem xét tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù bằng cách tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, theo quan điểm của VCCI.
|
Đây là quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại văn bản hồi âm đề nghị góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).
Sẽ tác động tiêu cực
Như VnEconomy đã đưa tin, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường mới được Bộ Tài chính công bố, với xăng (trừ ethanol), khung thuế môi trường sẽ tăng lên mức 3.000 - 8.000 đồng/lít. Thuế môi trường cho xăng sinh học ở mức thấp hơn, trong đó xăng E5 là 2.700 - 7.200 đồng/lít, xăng E10 từ 2.500 - 6.800 đồng/lít.
Ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ cho biết, một trong những lý do cho đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường là để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế bị cắt giảm.
VCCI cho rằng, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác.
Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình chung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.
VCCI cũng nhấn mạnh, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.
Cụ thể hơn, đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý giá, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25% - 35% đối với xe chạy xăng, từ 35% - 45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không.
Với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% - 59% cơ cấu giá thành. Còn với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35% - 40% cơ cấu giá thành.
Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân, văn bản của VCCI nêu rõ tác động tiêu cực.
Vẫn theo phân tích của VCCI, các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Giá xăng dầu thế giới đang tăng và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chi phí sử dụng đường bộ của doanh nghiệp vận tải cũng đang tăng do nhiều dự án BOT đã và sẽ đi vào khai thác trong thời gian này.
Vừa qua, chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng cũng khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Các chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng đang trong lộ trình tăng và đây là gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp.
"Với một số các tác động tiêu cực như trên, VCCI nhận thấy việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước", VCCI nhấn mạnh.
Do đây mới chỉ nâng khung thuế, chứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên VCCI cho rằng cần có đánh giá dựa trên ba giả thuyết về mức thuế suất: mức sàn, mức trần và mức trung bình.
Không nên thay thế
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù bằng cách tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, VCCI nêu quan điểm.
Dưới phân tích của VCCI thì thuế bảo vệ môi trường, cũng giống như thuế tiêu thụ đặc biệt, là một nguồn thu không bền vững. Nếu các loại thuế này đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách sẽ khiến Nhà nước bị đặt vào vị trí xung đột lợi ích, vì một mặt Nhà nước có chính sách hạn chế tiêu dùng một số loại mặt hàng, nhưng mặt khác, bộ máy Nhà nước lại được nuôi sống từ chính mặt hàng đó.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Tài chính, văn bản của VCCI cho biết, trong năm 2016 mức đóng góp của thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách.
Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỷ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia.
Do đó, xét về dài hạn, theo VCCI, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại.
http://vneconomy.vn/thi-truong/tang-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-loi-bat-cap-hai-2017020712044888.htm
|