Chính phủ chưa xem xét tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng
Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000-8.000 đồng/lít trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Chính phủ chưa xem xét tăng thuế môi trường đến 8.000 đồng/lít xăng. Ảnh TL.
|
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000-8.000 đồng/lít trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ gây tác động mạnh đến thị trường, khiến xăng dầu có thể sẽ có đợt tăng giá mạnh kỷ lục, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp và người dân. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng mức thuế này cao hơn nhiều so với khung thuế hiện hành và việc tăng thuế cao như vậy chưa chắc đã giúp môi trường sạch hơn, đặt câu hỏi về vấn đề minh bạch nguồn thu và nguồn chi sử dụng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?
- Ông MAI TIẾN DŨNG: Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 1.000-4.000 đồng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể mức thuế trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chính sách về bảo vệ môi trường của Nhà nước (hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 3.000 đồng/lít).
Việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 3.000-8.000 đồng/lít chỉ mới đang trong quá trình soạn thảo, xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân, chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế - xã hội trong trước mắt và lâu dài… để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định.
Việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường nói chung và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng nói riêng được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Bảo vệ môi trường.
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quí 4-2016 của Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại và mục tiêu lạm phát ở mức 4% cho năm 2017 là không dễ dàng. Xin Bộ trưởng cho biết, ngay đầu năm, Chính phủ tổ chức triển khai những biện pháp gì để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra?
- Để thực hiện mục tiêu tăng GDP năm 2017 khoảng 6,7% được Quốc hội giao, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2016, tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2452/QĐ-TTg ngày 15-12-2016 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Đồng thời ngày 1-1-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 (là lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 ngay từ ngày đầu năm để kịp thời có cơ sở cho các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện sớm); theo đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn. Trong đó đã đề ra một số nhóm giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu tăng trưởng năm 2017, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược.
Để nghị quyết sớm được thực thi, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện; đồng thời tập trung và chủ động chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Cùng với Nghị quyết 01, Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện ngay từ năm 2017.
Những nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đề ra sẽ được đánh giá định kỳ hàng tháng để tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện, trường hợp cần thiết sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,7% trong năm 2017.
Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM ngày càng nghiêm trọng, cả mặt đất và trên không, không chỉ ở trung tâm mà cả các cửa ngõ vào thành phố, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội. Đã có nhiều phương án giải pháp được đưa ra, thậm chí Hà Nội đã trao giải thưởng cho ý tưởng chống tắc đường. Xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết tình trạng này, nhất là tại Hà Nội và TPHCM?
- Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay tại Hà Nội và TPHCM, Thường trực Chính phủ đã họp với lãnh đạo 2 thành phố. Trong các cuộc họp này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một số giải pháp như: hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về quản lý đô thị, hạn chế tăng mật độ dân số trong khu vực nội đô; tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị, nhất là đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, thực hiện nghiêm quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông ngầm, đường trên cao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quí 1-2017. Tập trung đầu tư hoàn thiện, thông suốt các tuyến đường vành đai, các trục chính đô thị kết nối với các vành đai này… Hoàn thành dứt điểm các tuyến đường sắt đô thị; đầu tư các bến xe khách, xe tải bảo đảm kết nối đường bộ, đường sắt; các bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ giao thông tĩnh theo quy hoạch.
Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội và TPHCM chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các bộ có liên quan triển khai ngay các giải pháp để tổ chức giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp lễ hội Xuân 2017. Trong đó: (i) Kiên quyết xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc; (ii) Lập tổ công tác do phó chủ tịch trực tiếp làm tổ trưởng để chỉ đạo và chịu trách nhiệm giải quyết trật tự giao thông tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, hoạt động của xe taxi...; (iii) Phối hợp với các địa phương lân cận tăng cường chỉ đạo tổ chức phân luồng phương tiện ra vào tại các tuyến giao thông cửa ngõ, chống ùn tắc giao thông.
Về việc dự thảo Luật Quy hoạch khi được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến, chưa đồng nhất. Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ kiểm điểm vấn đề này với các bộ. Xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã kiểm điểm vấn đề này chưa và Chính phủ có biện pháp gì để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội?
- Chính phủ xác định yêu cầu xây dựng dự án Luật Quy hoạch nhằm hoạch định không gian phát triển trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, phát huy các lợi thế địa kinh tế của đất nước, đưa công tác quy hoạch và quản lý nhà nước theo quy hoạch vào khuôn khổ; phát huy hiệu quả, tiết kiệm và khoa học các nguồn lực để phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, việc xây dựng dự án luật này tác động lớn đến hệ thống pháp luật và quy hoạch hiện tại. Với tính chất quan trọng và phức tạp như vậy nên trong quá trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật, vẫn còn một số ý kiến góp ý, phản biện cho việc hoàn thiện dự án luật bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, lộ trình hợp lý trong thực hiện.
Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, ngày 13-1-2017, Thủ tướng đã có chỉ đạo việc tiếp thu, hoàn thiện dự án luật về các vấn đề lớn như: Quy hoạch ngành quốc gia lập quy hoạch, thẩm quyền lập, phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh; quy định chuyển tiếp thực hiện luật, mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với các luật chuyên ngành khác liên quan đến quy hoạch (Công văn số 382/VPCP-PL ngày 13-1-2017 của Văn phòng Chính phủ).
Theo Quy chế làm việc của Chính phủ, dự án luật này đã được Chính phủ đồng thuận, thống nhất, thông qua để trình Quốc hội; về nguyên tắc, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không được phát ngôn và làm trái với các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các Bộ trưởng để tiếp tục xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trên tinh thần chung là phải tiếp thu các ý kiến góp ý phù hợp, xác đáng, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Văn phòng Chính phủ sẽ phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm sự đồng thuận cao giữa các thành viên của Chính phủ.
http://www.thesaigontimes.vn/156576/Chinh-phu-chua-xem-xet-tang-thue-moi-truong-len-8000-donglit-xang.html
|