Thứ Bảy, 11/02/2017 10:38

5 rủi ro lớn nhất hiện nay trên các thị trường toàn cầu

Trong khi nhà đầu tư đã và đang phòng ngừa trước các mối đe dọa phát sinh từ các cuộc bầu cử ở khu vực châu Âu, có thể họ sẽ bỏ qua một số rủi ro quan trọng khác, theo nhận định từ các công ty bao gồm, OFI Asset Management, Union Bancaire Privee và NN Investment Partners.

Bloomberg đã ghi nhận 5 rủi ro lớn nhất theo quan điểm của 3 công ty này như sau:

1. Thị trường Trái phiếu suy yếu

Theo quan điểm của Jean-Marie Mercadal, Giám đốc đầu tư quản lý 68 tỷ EUR (tương đương 73 tỷ USD) tại Công ty Quản lý quỹ OFI Asset Management tại Paris, các cuộc bầu cử ở Hà Lan và Pháp là những sự kiện không quan trọng lắm. Ông nhận thấy các mối nguy cơ xuất phát từ phía thị trường trái phiếu.

“Khả năng tăng trưởng trên thị trường trái phiếu còn khá hạn chế tại thời điểm này, nhưng khả năng giảm sút thì lại rất cao và bạn có thể lỗ đậm”, ông Mercadal cho hay.

Sau khi chạm mức thấp nhất trong lịch sử vào tháng 7/2016, lợi suất trái phiếu Chính phủ bắt đầu tăng cao nhờ dữ liệu vĩ mô lạc quan và sự trở lại của lạm phát. Lợi suất tăng cao có thể tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu và gia tăng chi phí tài chính đối với các công ty.

2. Đồng USD

Đà sụt giảm của thị trường trái phiếu có lẽ chỉ mới bắt đầu và đồng bạc xanh mạnh có thể là một rủi ro khác cho nhà đầu tư, theo quan điểm của ông Michael Lok tại công ty Union Bancaire Privee (UBP). Ông nhận thấy sự hồi phục của các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và các thị trường mới nổi là một tín hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong vòng 10 năm qua đã chính thức kết thúc.

“Rủi ro ở đây là đà leo dốc đột ngột của lợi suất trái phiếu hoặc sự nhảy vọt của đồng USD có thể tác động tiêu cực đến thị trường”, ông Lok, Giám đốc đầu tư và cũng là Giám đốc điều hành UBP cho hay.

Đà tăng đột ngột của đồng bạc xanh có thể làm tổn hại đến các nhà xuất khẩu ở Mỹ và xóa bỏ sự hồi phục của lợi nhuận doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều này còn tác động đến các thị trường mới nổi vì nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản Mỹ để tránh bị tác động bởi các đồng nội tệ vốn đang suy yếu. Nỗi đau này cũng có thể lan sang các hàng hóa được neo giá theo đồng USD và cả các công ty khai khoáng.

3. Donald Trump

Đối với Patrick Moonen, chiến lược gia của NN Investment Partners, mối nguy cơ đến từ Mỹ.

“Thị trường đang rất kỳ vọng về các chính sách của Donald Trump, do đó tiềm ẩn nguy cơ thất vọng về việc thực thi các chính sách này nếu không được mạnh như kỳ vọng của nhà đầu tư hoặc bị Quốc hội Mỹ trì hoãn”, ông Moonen cho hay. Được biết, công ty NN Investment Partners của ông quản lý 199 tỷ EUR (tương đương 213 tỷ USD) và hơi nghiêng về các cổ phiếu châu Âu.

Kể từ khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 08/11/2016, S&P 500 đã nhảy vọt 7% và chỉ số Russell 2000 leo dốc 13%, qua đó báo hiệu nhà đầu tư đang rất kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 Basic Resource Index, vốn theo dõi một số công ty khai khoáng lớn nhất trên thế giới, đã bứt phá 20% trong cùng kỳ, cao hơn gấp 2 lần đà tăng của chỉ số Stoxx Europe 600 Index.

4. Trung Quốc

Deutsche Bank AG cho biết Trung Quốc có thể là mối nguy cơ lớn nhất đối với sự ổn định thị trường. Các chỉ số vĩ mô của Trung Quốc có khả năng suy yếu trong vài tháng tới, các chiến lược gia, bao gồm cả Thomas Pearce, cho biết trong tuần này. Deutsche Bank AG không đặt nặng các ngành công nghiệp châu Âu, vốn nhạy cảm nhất với Trung Quốc, cụ thể là các hàng hóa vốn và hoạt động khai khoáng.

Trong năm 2016, mối lo lắng về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc dần trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời đẩy chỉ số MSCI All-Country World Index vào phạm vi thị trường con gấu trong tháng 2/2016. Bên cạnh đó, chỉ số đo lường tình trạng căng thẳng trên các thị trường tài chính lại nhảy vọt.

5. Fed

Anthony Benichou, một chuyên viên giao dịch tài sản chéo ở Louis Capital Markets, cho rằng rủi ro chính đối với thị trường 2017 có thể xuất phát từ quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mang hơi hướng “chủ chiến” nhiều hơn dự báo. Nhà đầu tư nhận thấy có 20% xác suất Fed sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 3 sắp tới. Trong khi đó, xác suất nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 6/2017 là 65%. Đà gia tăng của lạm phát có thể khiến Fed nâng lãi suất nhanh hơn. Điều này có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và khiến nhà đầu tư xa lánh các tài sản có rủi ro cao.

“Tôi luôn nghi ngờ về các rủi ro nhị phân”, ông Benichou cho biết, đồng thời đề cập đến thị trường phái sinh để cho thấy rằng các chuyên viên giao dịch đang phòng ngừa sự biến động của cổ phiếu trước thềm các cuộc bầu cử ở Hà Lan và Pháp./.

Các tin tức khác

>   Vàng vọt hơn 1% trong tuần qua bất chấp đà suy yếu trong phiên (11/02/2017)

>   Dầu gần như đi ngang tuần qua bất chấp báo cáo lạc quan từ IEA (11/02/2017)

>   IEA: “Đây là một trong những lần cắt giảm mạnh nhất trong lịch sử của OPEC" (10/02/2017)

>   Khủng hoảng Hy Lạp sắp lặp lại? (10/02/2017)

>   Tại sao Warren Buffett lại đầu tư vào lĩnh vực trang sức thông minh? (10/02/2017)

>   Singapore để ngỏ quyết định về TPP khi Mỹ rút lui (10/02/2017)

>   Dầu tăng liền 2 phiên nhờ các dấu hiệu về nhu cầu xăng tại Mỹ (10/02/2017)

>   Vì sao dự trữ ngoại hối của NHTW Trung Quốc đang suy giảm? (09/02/2017)

>   Vàng leo dốc 5 phiên không ngừng nghỉ (09/02/2017)

>   Dầu quay đầu tăng nhẹ bất chấp đà leo dốc mạnh mẽ của dự trữ dầu tại Mỹ (09/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật