Thứ Sáu, 10/02/2017 17:10

Khủng hoảng Hy Lạp sắp lặp lại?

Liệu lịch sử có lặp lại? Một cuộc khủng hoảng nợ khác lại bắt đầu nhen nhóm ở châu Âu, CNNMoney cho hay.

Hy Lạp cần các chủ nợ châu Âu thực hiện lời hứa cứu trợ bằng tiền mặt trong năm 2015 để quốc gia này có thể thanh toán nợ nần, nhưng các quan chức lại đưa ra các quan điểm trái chiều. Nhà đầu tư bắt đầu lo lắng, đồng thời yêu cầu lợi suất cao hơn đối với các khoản nợ từ Hy Lạp.

Góp phần gia tăng thêm tình trạng hỗn loạn ở châu Âu là lời cảnh báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng các khoản nợ từ Hy Lạp không có tính bền vững và chuẩn bị “bùng nổ”. Chính nhận định này đã ngăn cản IMF tham gia vào việc cứu trợ Hy Lạp.

Thời điểm xảy ra không thể nào tồi tệ hơn khi các quan chức châu Âu đang phải vật lộn với rất nhiều sự kiện sắp tới. Cụ thể, các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Hà Lan, Pháp và Đức. Bên cạnh đó, quá trình thương lượng Brexit sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, mối đe dọa Hy Lạp có thể tách ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Sau đây, CNNMoney đưa ra một số lý do tại sao những tuần sắp tới sẽ rất quan trọng với nhà đầu tư:

Nguy cơ vỡ nợ

Ngay lúc này đây, Hy Lạp đang rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt, trong khi quốc gia này lại cần phải thanh toán tiền cho các chủ nợ, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Cụ thể, hàng loạt các khoản nợ lớn phải trả sẽ đến hạn vào tháng 7/2017.

Nếu Hy Lạp không thể trả nợ thì quốc gia này sẽ bị vỡ nợ và buộc phải tách ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong khi đó, đợt cứu trợ mới nhất và cũng là lần cứu trợ thứ 3 kể từ năm 2010 dường như đã bị “đóng băng”. Lập trường đàm phán của các quốc gia tham gia đợt cứu trợ đã trở nên khác hơn kể từ khi đợt cứu trợ được thông qua trong tháng 6/2015.

Thậm chí, có cả sự bất đồng về quy mô của các khoản nợ từ Hy Lạp.

“Bản đánh giá mới nhất từ IMF về các khoản nợ của Hy Lạp lại cho thấy quan điểm cực kỳ bi quan. Điều này thật là bất ngờ vì Hy Lạp đã và đang hoạt động tốt hơn những gì mà báo cáo mô tả”, Jeroen Dijsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan và cũng là người chủ trì cuộc họp giữa các quan chức tài chính hàng đầu ở Eurozone, cho hay.

Các quan điểm trái chiều

IMF, Hy Lạp và các chủ nợ, đứng đầu là Đức, đều có thứ tự ưu tiên rất khác nhau. Đây là những điều mà mỗi bên mong muốn:

IMF đã kêu gọi Hy Lạp xúc tiến các cuộc cải cách kinh tế nhiều tham vọng hơn, bao gồm cả cải cách thị trường lao động. Sở dĩ IMF không tham gia vào đợt cứu trợ Hy Lạp lần thứ 3, vốn đã được nhất trí lần đầu tiên trong năm 2015, vì cơ quan này thấy rằng các khoản nợ của Hy Lạp không có tính bền vững. Dù vậy, IMF vẫn giữ quan điểm cho rằng Hy Lạp không thể tự mình chống đỡ nếu không có các đợt giảm bớt nợ.

Các chủ nợ lớn của Hy Lạp đều nhất trí rằng quốc gia này nên xúc tiến các đợt cải cách theo đề xuất của IMF. Tuy nhiên, họ lại thẳng thừng từ chối việc giảm bớt nợ. Đây một quan điểm đã được các quan chức tài chính ở khu vực Eurozone nhấn mạnh một lần nữa trong ngày thứ Ba.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, lại không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc thực hiện cải cách theo đề xuất của IMF. Ông khăng khăng cho rằng cần phải giảm bớt nợ cho Hy Lạp trước khi thực hiện bất kỳ động thái nhân nhượng nào.

Đây quả là một tình thế giằng co kinh điển và nhà đầu tư đang theo dõi sát sao để biết được bên nào sẽ nhượng bộ trước.

Dập lửa

Cột mốc quan trọng tiếp theo sẽ là cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính khu vực Eurozone vào ngày 20/02/2017. Được biết, đây sẽ là cuộc họp cuối cùng trước khi các cuộc bầu cử bắt đầu làm xáo trộn tình hình chính trị ở châu Âu. Và việc cứu trợ tài chính cho Hy Lạp sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều một khi các cử tri bắt đầu bỏ phiếu.

Sau đó, các khoản nợ phải trả của Hy Lạp sẽ đến hạn. Cụ thể, quốc gia này cần phải trả cho ECB gần 1.4 tỷ EUR vào cuối tháng 4/2017 và thanh toán thêm 4.1 tỷ EUR vào tháng 7/2017. Đây là khoản tiền khổng lồ và cũng là bài toán nan giải đối với Hy Lạp.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp được dự báo sẽ dao động trên mức 21% trong năm 2017. Các khoản đầu tư sụt giảm hơn 60% và sản lượng công nghiệp đã thu hẹp hơn 25% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, kết cấu xã hội của Hy Lạp thì lại rơi vào tình trạng căng thẳng.

Theo IMF, nếu các chủ nợ châu Âu từ chối cứu trợ, thì các khoản nợ của Hy Lạp sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát cho dù kinh tế nước này có tăng mạnh đến đâu đi chăng nữa.

Điều này sẽ dẫn tới một phương án lựa chọn duy nhất – đó là từ bỏ Eurozone.

Ted Malloch, ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại EU dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho biết tương lai của khu vực Eurozone sẽ được định đoạt trong vòng 18 tháng tới.

“Dĩ nhiên, châu Âu vẫn còn đó cho dù Eurozone có tồn tại hay không, tôi nghĩ vẫn còn một ẩn số rất lớn về chương trình nghị sự. Tôi buộc phải nói rằng lần này xác suất Hy Lạp tự tách khỏi Eurozone sẽ cao hơn”, ông cho hay./.

Các tin tức khác

>   Tại sao Warren Buffett lại đầu tư vào lĩnh vực trang sức thông minh? (10/02/2017)

>   Singapore để ngỏ quyết định về TPP khi Mỹ rút lui (10/02/2017)

>   Dầu tăng liền 2 phiên nhờ các dấu hiệu về nhu cầu xăng tại Mỹ (10/02/2017)

>   Vì sao dự trữ ngoại hối của NHTW Trung Quốc đang suy giảm? (09/02/2017)

>   Vàng leo dốc 5 phiên không ngừng nghỉ (09/02/2017)

>   Dầu quay đầu tăng nhẹ bất chấp đà leo dốc mạnh mẽ của dự trữ dầu tại Mỹ (09/02/2017)

>   Nước Anh có thể bị mất 30.000 việc làm trong ngành tài chính (08/02/2017)

>   Lạm phát châu Á sẽ ra sao khi các đồng tiền bắt đầu hồi sinh? (08/02/2017)

>   Australia hướng tới thỏa thuận “TPP-1” sau khi Mỹ rút lui (08/02/2017)

>   Kinh tế toàn cầu mất 450 tỷ USD vì tấn công mạng (08/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật