Bill Gates: Robot nên đóng thuế thu nhập vì đã lấy đi công việc của con người
Nếu robot đang lấy đi công việc của con người, thế thì chúng cũng nên đóng thuế. Đây là quan điểm của tỷ phú Bill Gates, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, MarketWatch đưa tin.
* Robot đang dần thôn tính "miếng bánh việc làm" của kinh tế Mỹ
Nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates
|
Tại thời điểm này, nếu một người lao động tạo ra 50,000 USD tại một nhà máy thì thu nhập đó sẽ bị đánh thuế. Và nếu một con robot đến để làm đúng công việc đó, có lẽ bạn nghĩ rằng chúng ta nên đánh thuế đối với robot ấy ở một mức độ tương tự”, Bill Gates cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Quartz.
Tỷ phú này cho biết, robot sẽ có ích trong việc giải phóng con người khỏi một số loại công việc nhất định. Thay vào đó, những người này sẽ chuyển sang làm việc trong các lĩnh vực đang thiếu hụt nhân công, như giáo viên, nhân viên chăm sóc cho người cao tuổi và người có nhu cầu đặc biệt.
Tuy nhiên, bạn đừng từ bỏ lượng thuế thu nhập đó vì đây là một phần của cách thức bạn tài trợ cho những người lao động đã chuyển sang các lĩnh vực trên, nhà đồng sáng tập đoàn Microsoft nói thêm.
Bill Gates cho biết: “Một phần tiền này đến từ lợi nhuận được tạo ra nhờ tiết kiệm lao động. Phần khác đến trực tiếp từ các loại thuế đánh trên robot. Tôi không nghĩ là các công ty sử dụng robot sẽ phẫn nộ vì họ bị đánh thuế”.
Tỷ phú Bill Gates không phải là người duy nhất đề nghị rằng robot nên đóng thuế. Một báo cáo dự thảo về robot từ Nghị viện châu Âu đã đề nghị robot phải đăng ký với Chính phủ và sẽ phải chịu trách nhiệm vì những thiệt hại mà chúng gây ra, bao gồm cả lượng việc làm mất đi. Ngoài ra, trong báo cáo này, Ủy ban châu Âu (EC) cũng yêu cầu người sở hữu robot phải đóng thuế hoặc đóng góp tiền vào an ninh xã hội.
Andy Haldane, Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho hay, 80 triệu việc làm ở Mỹ và 15 triệu việc làm tại Anh gặp rủi ro đến từ tự động hóa. Cũng nên lưu ý rằng, những công việc có rủi ro cao nhất từ tự động hóa thường là những công việc có tiền lương thấp nhất. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là robot có thể góp phần nới rộng khoảng cách giàu nghèo.
“Nói cách khác, công nghệ có thể hoạt động giống như là một loại thuế thu nhập lũy thoái đánh trên lao động phổ thông. Điều này có thể nới rộng khoảng cách thu nhập”, Haldane đề cập trong suốt buổi Đại hội các Công đoàn (TUC) ở London trong tháng 11/2016./.
|