3 rủi ro mà nhà đầu tư toàn cầu đang không chú ý
2016 không phải là một năm tuyệt vời đối với việc dự báo. Hết Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) rồi đến Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dù trước đó kết quả thăm dò đều cho thấy khá nhiều người tin chắc rằng điều ngược lại sẽ xảy ra, Business Insider đưa tin.
Với tâm thế đó, các giám đốc tại PGIM, nhóm các doanh nghiệp quản lý đầu tư của Prudential hiện đang giám sát lượng tài sản trị giá 1 ngàn tỷ USD, đã thảo luận về những sự kiện đang bị đánh giá thấp nhưng lại có khả năng xảy ra và sẽ gây lo lắng hơn vào thời điểm hiện tại.
Fed
Theo Mike Lillard, trưởng bộ phận đầu tư tại PGIM Fixed Income, phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với tăng trưởng kinh tế nhanh hơn có thể là một rủi ro trong hai năm tới.
“Quan ngại của chúng tôi là trong vài năm tới, Fed sẽ thắt chặt quá mức”, Lillard cho hay tại buổi thảo luận ở New York hôm thứ Tư vừa qua.
Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm thứ Ba, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed, cho rằng nâng lãi suất quá chậm có thể gây bất ổn cho các thị trường tài chính và gây ra một cuộc suy thoái. “Nhưng điều ngược lại – nghĩa là nâng lãi suất quá nhanh – lại là kịch bản khó giải quyết hơn”, phóng viên Pedro da Costa của Business Insider, tranh luận.
Lillard cho rằng rủi ro về một cuộc suy thoái ở Mỹ có thể leo thang trong 3 năm tới. Dù Fed có thể nâng lãi suất cao hơn, nhưng ông hiện vẫn thấy lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, ông đang xem xét hạ thấp rủi ro tín dụng của mình xuống vì có thể có những sự kiện mà thị trường chưa được xem xét đầy đủ.
Pháp
Các cuộc bầu cử ở châu Âu đang cùng nhau hội tụ lại như là một rủi ro chung đối với các thị trường, nhưng theo Eric Adler, CEO của công ty bất động sản PGIM, Pháp mới thật sự là vấn đề.
Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, hiện ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Pháp trong Liên minh châu Âu (EU). Bài phát biểu của bà hồi đầu tháng Hai đã phác sơ bộ bức tranh về nước Pháp dưới thời của bà đã khiến các thị trường tài chính trong khu vực run sợ.
“Có ý kiến cho rằng chiến thắng của bà Marine Le Pen sẽ gây ra biến cố lớn cho đồng Euro”, Adler cho hay. Ông cho rằng sau khi nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, thì Đức và Pháp đang thật sự là hai quốc gia đang giữ vai trò đầu tàu trong khu vực.
“Nếu Pháp rút khỏi EU vì một cuộc trưng cầu do bà Marine Le Pen khởi xướng cộng với chiến thắng của bà ấy, thì tôi nghĩ điều đó sẽ chấm dứt sự tồn tại của đồng Euro, và điều đó thật sự sẽ đẩy mọi thứ vào tình trạng bất ổn toàn cầu ít nhất là trong một thời gian ngắn”, Adler nói.
Theo Bloomberg, vào hôm thứ Năm vừa qua, tỷ lệ đặt cược cho thấy bà Marine Le Pen có 34% khả năng chiến thắng so với 43% của Emmanuel Macron, đối thủ của bà.
Ed Campbell, giám đốc quản lý quỹ của QMA, một doanh nghiệp của Prudential Financial, cho rằng tỷ lệ cược dành cho bà Le Pen hiện cũng tương tự như của ông Trump vào ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trung Quốc
“Với tất cả sự tập trung vào chính trị Mỹ và sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy trên khắp các nền dân chủ phương Tây, nơi mà chúng ta đã được chứng kiến Brexit, chiến thắng của ông Trump, và giờ đây chúng ta quan ngại về lịch trình chính trị của châu Âu, thì tôi nghĩ những rủi ro chính trị ở Trung Quốc đã bỏ qua”, Campbell nói.
“Năm ngoái, Trung Quốc đã tung các biện pháp kích thích lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế, như cắt giảm lãi suất và tăng chi tiêu. Tuy nhiên, giới đầu tư đã trở nên tự mãn đối với những rủi ro tác động đến tăng trưởng kinh tế nước này, đặc biệt là thời gian chuẩn bị cho cuộc họp Quốc hội, mà có thể tạo ra một sự chuyển giao các vị trí lãnh đạo”, Campbell nêu quan điểm.
“Tôi nghĩ rủi ro chúng ta sẽ thấy là nỗi lo liên quan tới Trung Quốc sẽ gia tăng trong năm 2017”, Campbell nói. Ông nhắc lại đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán hồi tháng 1/2016 mà một phần là do sự bất ổn ở Trung Quốc gây ra./.
|