Bạc Liêu: Chuyển 500ha đất sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi Artemia
Theo kế hoạch của tỉnh Bạc Liêu, đến năm 2020 dự kiến chuyển đổi khoảng 500/1,800 ha đất muối sang nuôi Artemia, tạo sinh kế cho người dân do tình hình sản xuất muối gặp nhiều khó khăn.
Được biết, trứng artemia chứa rất nhiều dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng làm thức ăn trong sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống mà hiện chưa có sản phẩm thay thế. Với diện tích nuôi tôm nước lợ hiện nay dao động từ 600,000 - 700,000 ha (riêng ĐBSCL chiếm trên 80%). Nhu cầu con giống mỗi năm cần 130 tỷ con với 2,422 doanh nghiệp, cơ sở ươm nuôi, cung ứng tôm giống trên cả nước, nhu cầu về trứng artemia rất lớn. Hiện artemia sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, mỗi năm các doanh nghiệp phải nhập tới 160 tấn trứng artemia cho sản xuất tôm giống.
So với các địa phương khác, Bạc Liêu có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển mô hình nuôi Artemia, vì ngoài yếu tố thiên nhiên ưu đãi, chất lượng trứng Artemia của Bạc Liêu xếp vào tốp 1 của thế giới. Artemia sản xuất tại Bạc Liêu có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên trứng Artemia ngoài cung cấp cho thị trường nuôi trồng thủy sản trong nước như làm thức ăn cho tôm giống, cua giống, cá cảnh... còn xuất sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù, có thế mạnh và cơ hội lớn trong phát triển nuôi Artemia, nhưng đến nay diện tích sản xuất trứng Artemia của toàn tỉnh Bạc Liêu chưa đến 200ha, sản lượng tạo ra thấp và không đủ cung ứng cho thị trường. Theo kế hoạch của tỉnh Bạc Liêu, đến năm 2020 dự kiến chuyển đổi khoảng 500/1,800 ha đất muối đen sang nuôi Artemia./.
|