Nhiều chuyện “khó hiểu” tại các dự án BOT giao thông
Có nhiều băn khoăn được nêu ra tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), sáng 21/2.
Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT
|
Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều thông tin “khó hiểu”.
Chẳng hạn, theo quy định tại các nghị định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, nhà đầu tư được lựa chọn theo một trong hai hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Nhưng, thực tế thì hầu hết các dự án đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Trong số 27 dự án thì 26 dự án chỉ định thầu, một dự án đấu thầu có hai nhà thầu thì một nhà thầu bỏ cuộc, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nêu con số cụ thể.
“Bối cảnh gấp rút đến mức nào mà hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, khi hiện nay trong mua sắm công thì chỉ định thầu rất khó khăn, tổ chức hội nghị còn đấu thầu mà dự án lớn thế mà chỉ định thầu?”, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Dương Quốc Anh đặt vấn đề.
Ông Dương Quốc Anh cũng đề cập đến vấn đề rất “khó hiểu” khác là số liệu về lưu lượng phương tiện giao thông qua trạm thu phí.
Kiểm toán Nhà nước cho biết hiện chưa có văn bản quy định cụ thể xác định lưu lượng phương tiện giao thông qua trạm thu phí. Các dự án xác định chỉ tiêu này dựa trên hồ sơ khảo sát và phân tích số liệu khảo sát tính toán bình quân lưu lượng xe hai đoạn trên tuyến dự án để tính bình quân lưu lượng xe năm gốc tính toán.
Mức tăng trưởng lưu lượng xe được tính toán dựa trên yếu tố tăng trưởng GDP của cả nước, vùng hấp dẫn và tăng trưởng vận tải trong vùng nói chung, Bộ Giao thông Vận tải quyết định phê duyệt mức tăng trưởng xe dự kiến theo các giai đoạn để làm cơ sở dự báo lưu lượng xe trong tương lai.
Vì vậy, một số dự án xác định không phù hợp với thực tế, chỉ dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát trong hai ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày, hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vốn đã cũ, nên ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu doanh thu hoàn vốn của dự án.
“Tại sao thống kê hai ngày để tính lưu lượng phương tiện 365 ngày mà không lắp camera để tính toán?”, Phó chủ nhiệm Dương Quốc Anh băn khoăn.
Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết đã bố trí người của cơ quan này ở trạm thu phí 24/24 giờ để tính lưu lượng xe và thấy số xe khác hẳn với số liệu của nhà đầu tư.
Từ số liệu này, sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát thực tế và phù hợp với quy định Nhà nước hiện hành, Kiểm toán Nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu của đơn vị lập.
Cá biệt, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị chấm dứt việc thu phí với dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam, giảm thời gian thu phí hơn 3 năm (theo phương án tài chính đến tháng 6/2018 dự án mới dừng thu phí).
Cộng nhanh số liệu phải giảm thời gian thu phí hoàn vốn của tất cả các dự án, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam bình luận, “26 dự án mà phải giảm hàng trăm năm, đừng có bảo đây là nhầm nhọt, nếu cố tình nhầm thì phải xử lý hình sự”.
“Tự tung, tự tác” cũng là nhận xét của Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành về nhà đầu tư BOT. Ông Thành cũng đồng tình với nhiều ý kiến trước đó là vai trò của quản lý Nhà nước rất mờ nhạt gần như đứng ngoài phương án tài chính của các dự án, nhà đầu tư tự chọn thiết kế tự thi công và tự khai doanh thu.
Kết quả kiểm toán cho thấy công tác quản lý chi phí đầu tư thực hiện tại các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 1.358.671 triệu đồng (giá trị được kiểm toán là 60.295.525 triệu đồng).
Với những điều “khó hiểu” như vậy, một số ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương tại báo cáo kiểm toán.
Điều hành phiên họp, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và các địa phương.
“Có dự án khi dân kêu thì địa phương bảo không biết gì, trong khi muốn làm bất cứ dự án nào cũng cần có thoả thuận với địa phương”, ông Kiên nói.
Những vấn đề được nêu tại phiên họp, theo ông Kiên, sẽ được làm rõ hơn trong các cuộc làm việc với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
http://vneconomy.vn/thoi-su/nhieu-chuyen-kho-hieu-tai-cac-du-an-bot-giao-thong-20170221121935542.htm
|