Ngành nông nghiệp và khoáng sản Việt Nam đã chạm ngưỡng
Tại buổi tọa đàm về Kinh tế Việt Nam năm 2016, chuyên
gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngành nông nghiệp và khoáng sản Việt
Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn cùng sức ép trong nhiều mặt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phía bên trái tại buổi tọa đàm
|
Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm 2016 bộc lộ tiếp một loạt các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam, trong đó, ngành nông nghiệp và ngành khoáng sản có sự sụt giảm. Nguyên nhân của việc này là do 2 ngành đã đạt đến ngưỡng và nếu không có những cải cách thì sẽ không thể phát triển và đóng góp vào tăng trưởng, mà ngược lại chỉ mang đến nhiều vần đề cho nền kinh tế.
Ngành Nông nghiệp chịu nhiều sức ép
Ngoài chuyện biến đổi khí hậu, thiên tai thì ngành nông nghiệp còn phải chịu sức ép lớn từ sự tăng trưởng của các ngành khác như ngành công nghiệp dịch vụ, đô thị hóa; do các ngành này đã chiếm đoạt nguồn lực của nông nghiệp. Trong những năm qua, Việt Nam tập trung mọi thứ vào phát triển các ngành khác nhưng lại lãng quên Nông nghiệp. Tất cả các chỉ số đều cho thấy đầu tư vào nông nghiệp đang sụt giảm.
Bên cạnh chuyện nguồn vốn FDI và vốn doanh nghiệp ít đầu tư vào nông nghiệp thì chính bản thân vốn đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp cũng sụt giảm rất nhiều sau khi tham gia WTO, nếu trước đó tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp là 13.4% thì sau này chỉ còn hơn 6%. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang phải hứng chịu rất nhiều hệ lụy của sự phát triển trong suốt thời gian vừa qua và gần như bị lãng quên. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bỏ quên 65% dân cư Việt Nam sống ở khu vực nông thôn.
Thực chất, có nhiều tiền “đổ” vào kế hoạch nông thôn mới, tuy nhiên nông thôn mới không phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, trong khi chính phát triển nông nghiệp mới là sinh kế. Nông thôn mới có thể tạo được bộ mặt bên ngoài, nhưng cũng đem đến nhiều hệ lụy mà gần đây nhất bị phê phán là việc số nợ của các địa phương đang tăng lên. Do đó, bức tranh của nông thôn mới không phản ánh được sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, sức ép của nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập cũng cực kỳ to lớn. Khi còn mong đợi TPP, nhiều ý kiến cho rằng TPP gây nên áp lực đối với nông nghiệp. Tuy nhiên, không chỉ TPP mà còn rất nhiều kênh khác cũng tạo ra sức ép như ASEAN, Trung Quốc và những chính sách hội nhập mở cửa… cũng đều tạo ra áp lực với ngành nông nghiệp. Mặc dù, sức ép tăng lên nhưng biện pháp để giải quyết, giải tỏa áp lực thì gần như không có. Do đó, ngành nông nghiệp thực sự đã đạt tới điểm bế tắc và cần phải có những chính sách thay đổi mang tính đột phá thì mới có thể vượt qua. Những đột phá cần thiết không chỉ nằm trong khuôn khổ của Bộ Nông nghiệp mà là vấn đề của cả nền kinh tế từ đầu tư công, đầu tư của các lĩnh vực khác, cân đối giữa nguồn vốn đầu tư cho các ngành cho đến nguồn vốn của doanh nghiệp cho nông nghiệp…
Bà Lan cho biết thời điểm hiện tại rất cần những cải cách mang tính bước ngoặt từ quan điểm tăng trưởng kinh tế, lẫn một loạt các thể chế cho nông nghiệp như đất đai, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo của nông thôn, một loạt vấn đề liên quan đến sự phát triển của Nhà nước.
“Đầu tư 30 ngàn tỷ cho bất động sản để cứu mấy anh nhà giàu trong khi nếu chi cho nông nghiệp thì đã đỡ hẳn đi sự ảm đạm của nông nghiệp năm 2016”- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.
Ngành khoáng sản đã tận khai
Tương tự với ngành khoáng sản, chuyên gia cho biết nếu tiếp tục khai thác theo kiểu tận khai thì tương lai nguồn cung sẽ dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, giá cả khoáng sản đang giảm dần, năm 2016, kể cả có tăng khai thác sản lượng về dầu thì cũng không đóng góp thêm đáng kể cho tăng trưởng do sự sụt giảm giá dầu trên thế giới.
Kể cả trong tương lai, dự báo giá dầu tăng trong năm 2017 cũng không thể bù đắp cho các khoản chi phí ngày càng tăng lên trong khai thác. Ngành khoáng sản đã tới điểm tận khai cùng lúc với tình trạng tài nguyên cạn kiệt dần, không còn nhiều.
“Bây giờ có muốn làm theo kiểu cũ khai thác thô để bán lấy tiền cũng không được nữa vì cạn hết rồi”- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Ngoài ra, đề cập đến sự gia tăng của số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2016, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, đây là tia hy vọng lóe lên trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà cũng lo ngại rằng liệu hy vọng của doanh nghiệp nuôi dưỡng được bao lâu khi hiện nay hàng loạt vấn đề về quốc tế, vấn đề về môi trường kinh doanh vẫn tồn tại; cùng với các khoản chi phí cũng ngày một tăng cao đổ dồn vào doanh nghiệp./.
|