Đâu sẽ là điểm nóng về vĩ mô trong năm 2017?
Năm 2017 được nhìn nhận sẽ là một năm với nhiều điểm nóng vĩ mô cần được các nhà đầu tư lưu tâm. Trong đó, tỷ giá là vấn đề cần được chú ý hàng đầu và lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, Tiến sĩ Alan Phạm – Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital nhận định.
Tiến sĩ Alan Phạm – Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital
|
Nhìn nhận về các vấn đề vĩ mô nội địa trong năm 2017, ông Alan Phạm cho rằng tỷ giá sẽ là vấn đề đáng chú ý nhất. Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã thực hiện một chính sách tiền tệ mới là thay đổi tỷ giá trung tâm hàng ngày, chính vì vậy đã giảm được những biến động trong vấn đề tỷ giá.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước đã giữ tỷ giá khá ổn định trong 11 tháng đầu năm lại chính là điểm hạn chế. Bởi khi những biến cố bất ngờ xảy ra trong tháng 11 như Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ và Fed nâng lãi suất, đã tạo thành một áp lực lớn đối với hệ thống tài chính. TS. Alan Phạm phân tích, nếu trong năm qua, NHNN tăng dần tỷ giá thì đã có thể giải tỏa được những áp lực nói trên mà không khiến chúng “bùng” lên vào dịp cuối năm.
Do đó, ông cho rằng NHNN nên thay đổi chính sách một chút trong năm 2017 bằng cách thay đổi tỷ giá dần dần trong năm và đây sẽ là điều các nhà đầu tư ngoại quốc quan tâm trong thời gian tới.
Song song đó, ông nhận định lạm phát trong năm 2017 sẽ tăng lên bởi nếu Chính phủ muốn đạt được mức tăng trưởng GDP 6.7% thì nhất định phải bơm thêm tiền vào trong lưu thông và như vậy lạm phát sẽ trở lại.
Một yếu tố rất đáng lưu tâm trong năm nay chính là vấn đề thu chi ngân sách. Thâm hụt ngân sách của nước ta hiện đã lên tới 6% GDP và cao hơn chỉ tiêu của Chính phủ là 5%. Do đó, Chính phủ sẽ phải có những cân nhắc trong vấn đề thu thuế, hoặc chi thường xuyên.
Vấn đề nợ xấu của VAMC cũng đang được từng bước xử lý dứt đoạn. Trong đó có 5 ngân hàng đưa vào diện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, tuy nhiên Chính phủ sẽ không để xảy ra tình trạng phá sản mà lại mua vào với giá 0 đồng và quốc hữu hóa các ngân hàng này nhằm tránh rủi ro xảy ra với toàn hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, giải quyết vấn đề bằng cách này thì NHNN sẽ rất tốn kém khi phải gánh chịu trách nhiệm những khoản thua lỗ của các ngân hàng thương mại.
Một điểm nóng khác đó là vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp này. Trong năm 2016, Chính phủ đã thực hiện bán vốn tại VNM và trong năm nay sẽ là những doanh nghiệp khác.
Mặt khác, Việt Nam là quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu, thời gian qua chỉ có nền kinh tế Mỹ là phục hồi khá tốt, trong khi các khu vực khác cũng có vẻ khá yếu. Nếu nền kinh tế thế giới không có sự hồi phục mạnh mẽ trong năm 2017 thì xuất khẩu Việt Nam sẽ yếu đi trong khi xuất khẩu lại là động lực của nền kinh tế.
Năm 2016 lần đầu tiên khối ngoại bán ròng, có đáng lo?
Có thể thấy, năm 2016 là năm đầu tiên sau một thập kỷ qua khối ngoại đã có động thái bán ròng trên thị trường chứng khoán với giá trị hơn 6,700 tỷ đồng. Lý giải về điều này, Ông Alan Phạm cho rằng vào cuối năm qua, các quỹ đầu tư nước ngoài thường dàn xếp danh mục đầu tư và hiện thực hóa một số khoản đầu tư để chứng tỏ họ mang tiền và lợi nhuận về cho những cổ đông của họ.
Thế nhưng, sang năm 2017, những yếu tố này sẽ giảm bớt và thị trường mới nổi vẫn sẽ là những khu vực thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, dòng tiền FDI lại tăng mạnh trong năm qua, thể hiện những khoản đầu tư dài hạn đang hướng về Việt Nam. Với những dòng tiền có tính chất dịch chuyển nhanh như dòng tiền trên thị trường chứng khoán, thì sẽ trở lại nhanh, chính vì vậy dòng tiền khối ngoại sẽ quay trở lại.
Việc TTCK Mỹ khởi sắc khi chỉ số Dow Jones vượt 20,000 điểm trong thời gian qua càng hỗ trợ cho niềm tin rằng dòng tiền sẽ quay trở lại, và do đó trong năm 2017, khối ngoại sẽ trở lại mua ròng, đặc biệt nếu Việt Nam có những biến chuyển tích cực trong cơ chế, thì nhà đầu tư ngoại quốc sẽ còn yên tâm hơn.
Tuy nhiên, trong năm nay, những yếu tố quốc tế sẽ có tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Một trong những yếu tố đó là Fed dự kiến tăng lãi suất 3 lần lên 0.75% và điều này sẽ gây áp lực tăng lãi suất trong nước. Nếu Việt Nam không tăng lãi suất, việc dòng tiền thoái lui khỏi thị trường Việt Nam trong khi đồng USD tiếp tục mạnh lên là khó tránh khỏi. Giá dầu thì lại đang tác động tiêu cực khi tiếp tục nằm dưới mức 55 USD/thùng và tạo ra áp lực lên khối sản xuất dầu hỏa trong nước. Song, nếu giá dầu lên mức 60 USD/thùng, thì có thể tạo ra yếu tố tích cực hơn.
Song song đó, thị trường chứng khoán trong nước gặp phải một số yếu tố rủi ro. Nếu như việc bán vốn nhà nước không được thực hiện tốt, điều này sẽ khiến cho thị trường chứng khoán mất động lực đi lên. Hiện tại Chính phủ đã ban hành danh mục ngành nghề với tỷ lệ nắm giữ của khu vực tư nhân trong những ngành nghề này. Với lộ trình như vậy sẽ tăng dần phạm vi thị trường và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng cao hơn. Hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ chiếm 48% GDP của cả nước, con số này thấp hơn rất nhiều so với các thị trường lân cận như Thái Lan hay Philippines. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa sẽ làm tăng mức hàng hóa cho nhà đầu tư nước ngoài, thu hút họ đến với thị trường Việt Nam./.
|