Huy động nguồn lực rất tốt, nhưng sử dụng rất kém
Cần làm gì để đưa đất nước ra khỏi tình trạng tụt hậu? TBKTSG trao đổi với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những người viết bản đề án tái cơ cấu nền kinh tế lần 2.
Phải dành nguồn lực hợp lý để xử lý nợ xấu, vì nếu không thì không thể vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường được, đó là chưa nói đến những tác hại của nó với nền kinh tế. Ảnh: HẢI NGUYỄN
|
TBKTSG: Nhìn lại những thành tựu kinh tế không thể phủ nhận được sau 30 năm đổi mới, và thực trạng hiện nay, ông muốn chia sẻ điều gì?
- Sau 30 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về nhiều việc, nhưng ngày nay chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta không mạnh lên, không tự cường thì sẽ bị hút vào vòng xoáy hướng tâm của Trung Quốc. Đó là điều tôi muốn nói.
Đến năm 2014, thu nhập đầu người của ta mới chỉ bằng một nửa của Trung Quốc, dù họ cải cách và mở cửa trước ta khoảng 7-8 năm. Hiện nay họ vẫn đang có xu hướng đi lên rất mạnh. Bên cạnh đó, ta phải đạt mức tăng trưởng 7-8% mỗi năm thì đến năm 2035 thu nhập đầu người của Việt Nam mới bằng của Malaysia năm 2001. GDP đầu người của Việt Nam cũng chỉ bằng một phần ba của Thái Lan.
Điểm qua như thế để thấy, dù có tự hào như thế nào chăng nữa về 30 năm đổi mới, nguy cơ tụt hậu của chúng ta là hiện hữu, và rõ nét. Muốn bắt kịp các nước, chỉ tính trong khu vực, chúng ta phải nỗ lực gấp bội so với những gì đã làm trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, điều tôi đau đáu là trong lúc sự thay đổi là đầy thôi thúc như vậy, nền kinh tế ngày càng ì ạch, cứ mỗi một thập kỷ thì tăng trưởng lại giảm 1 điểm phần trăm. Tăng trưởng trong thập kỷ đổi mới đầu tiên là khoảng 8%, thập kỷ thứ hai 2 là 7%, thập kỷ thứ 3 đang là khoảng 6%, nếu ta không thay đổi, có thể thập kỷ tới chúng ta chỉ tăng trưởng 5%. Có nghĩa là khả năng tụt hậu sẽ ngày càng xa hơn.
Về con người, chúng ta không dốt nát; về địa chính trị, chúng ta thuận lợi... Không có lý do gì chúng ta không làm được như họ.
TBKTSG: Thưa ông, chúng ta đã nhận thấy rõ điều này và đã nói nhiều về đổi mới hay về thay đổi mô hình tăng trưởng, nhưng thực hiện rất khó khăn. Đâu là nguyên nhân thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Cung
|
- Chúng ta nói nhiều đến thay đổi mô hình tăng trưởng, nhưng kết cục thế nào? Chúng ta chỉ mải miết huy động và huy động nguồn lực cho tăng trưởng. Thực tế là chúng ta đã huy động quá nhiều nguồn lực! Chúng ta đầu tư khoảng 32-33% GDP, có năm lên tới 42% GDP, một tỷ lệ cao so với thế giới. Vậy mà chúng ta chỉ tăng trưởng khoảng 5-6% mỗi năm. Hãy nhìn sang Hàn Quốc, Đài Loan, họ cũng đầu tư bằng tỷ lệ đó nhưng họ tăng trưởng 8-9%. Có nghĩa, Việt Nam ta đầu tư nhiều, nhưng hiệu quả thấp.
Chúng ta huy động vào ngân sách cũng rất cao, khoảng 23-24% GDP; chi cũng rất cao - tới 28% GDP, trong đó chi thường xuyên cao và liên tục tăng trong những năm gần đây và nguồn cho đầu tư phát triển ngày càng teo tóp, bội chi không sao giảm được. Nợ công cứ tăng vùn vụt. Chúng ta biết cả.
Bên cạnh đó, huy động qua kênh tín dụng cũng rất cao, xấp xỉ GDP; huy động trung bình tăng tới khoảng 18-20%, tăng tín dụng cũng khoảng 16-18% mỗi năm. Nền kinh tế dựa quá nhiều vào vốn tín dụng.
Ngoài ra, vốn FDI tăng cũng rất cao - chiếm 26% tổng đầu tư xã hội. Doanh nghiệp FDI đang chiếm hơn nửa giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Điều này cho thấy, vốn FDI đang dần lấn át đầu tư trong nước, làm nền kinh tế phơi nhiễm với sự mất cân bằng, mất hài hòa.
Nói như vậy để thấy, chúng ta đã quá mải mê, và làm rất tốt trong huy động nguồn lực, nhưng sử dụng nguồn lực đó lại rất kém hiệu quả. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách này. Chúng ta cần gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực thì áp lực huy động nguồn lực mới giảm xuống. Mô hình tăng trưởng cũ đã tới hạn, nền kinh tế cứ suy giảm dần, độ năng động, động lực nội sinh của nền kinh tế ngày càng phai nhạt đi.
TBKTSG: Vì sao việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng lại khó như vậy?
- Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chúng ta có nghị quyết tốt, nhưng thực hiện kém. Chúng ta nói hay trong chính sách, nhưng khi làm thì ngược lại, hoặc chả làm gì. Ví dụ, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế chia cách của 63 tỉnh thành. Ai cũng đồng ý là phải có liên kết vùng, nhưng khi phân bố đầu tư thì lại làm ngược lại. Tỉnh nào cũng đòi có cảng biển, có sân bay. Ở Nghệ An, Thanh Hóa, người ta xây nhà máy xi măng ngay cạnh nhau, cạnh tranh nhau. Ai cũng muốn nói về cải cách, nhưng hãy trừ chỗ tôi ra.
Tức là chúng ta vẫn tăng trưởng dựa vào các yếu tố đầu vào, vốn đầu tư, huy động, lao động trình độ thấp, khai thác tài nguyên... Đó là cách điều hành chúng ta đều đã biết.
TBKTSG: Theo ông, đâu là những điểm chính cần làm để tạo ra thay đổi?
- Về động lực tăng trưởng, tôi cho rằng nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, nhưng cần có thêm đột phá vì đột phá chỉ cần thời gian ngắn mà có thể thay đổi hẳn cái gì đó. Ví dụ, chúng ta đang xây dựng các đặc khu kinh tế (đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) với thể chế vượt trội và thu hút ngoại lực để tạo ra sự đột phá. Phải tạo cơ chế vượt trội, hay thể chế khác biệt cho vùng động lực, các đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc,... chứ không phải để họ bị hao mòn nguồn lực.
Chúng ta tiếp tục phải ổn định kinh tế vĩ mô. Cần tăng trưởng năng suất lao động ở mức 5,5%, một mục tiêu rất cao trong dài hạn, điều mà không nhiều nước đạt được.
Tôi cho rằng, phải làm thực chất ba đột phá chiến lược, bốn trọng tâm tái cơ cấu như đã đề ra. Trong đó, tôi nhấn mạnh đột phá thể chế. Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng ta phải tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường các nhân tố sản xuất. Chúng ta đã phát triển được thị trường hàng hóa tương đối tốt. Tuy nhiên, các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, vốn, khoa học - công nghệ không phát triển được, vì thế, nguồn lực được chia chác, xin - cho, không hiệu quả. Đất đai phải được thị trường hóa để không chỉ phân bố hiệu quả nguồn lực, mà còn giúp tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, tôi nhấn mạnh từ nay trở đi Chính phủ không bỏ thêm tiền cứu những doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng không phục hồi được. Phải dành nguồn lực hợp lý để xử lý nợ xấu, vì nếu không thì không thể vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường được, đó là chưa nói đến những tác hại của nó với nền kinh tế.
Cần tái cơ cấu dịch vụ công, một thành trì cuối cùng của cơ chế bao cấp. Phải tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ công và phải giao quyền tự chủ cho các đơn vị này để họ tự chủ về tài chính, nhân sự... và hạch toán như một doanh nghiệp.
Cuối cùng là tổ chức thực hiện. Lần này, bên cạnh Chính phủ, Quốc hội cũng có nghị quyết về tái cơ cấu, đưa ra một số chỉ tiêu gây áp lực cho Chính phủ nhiều hơn. Dự kiến trong quí 1-2017 sẽ trình đội đặc nhiệm triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng tưởng. Hy vọng là việc triển khai sẽ thực chất và hiệu quả.
http://www.thesaigontimes.vn/155959/Huy-dong-nguon-luc-rat-tot-nhung-su-dung-rat-kem.html
|