Năm 2017: Tỷ giá, CPI, lãi suất ‘ủng hộ’ tăng trưởng
Dù giá nhiên liệu thế giới có khả năng nhích dần lên, đồng USD cũng sẽ tăng giá... nhưng với nhiều chuyên gia, năm 2017 sẽ là một năm lạc quan với kinh tế Việt Nam.
Đã có đủ các cân đối lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô
Theo mục tiêu đã được Quốc hội quyết nghị, năm 2017 kinh tế tăng trưởng 6,7% và dù GDP năm 2016 chỉ tăng 6,21% nhưng theo TS. Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia), ngay cả Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá cao mức tăng trưởng này của Việt Nam.
Hiện tại các yếu tố lớn cần cho cân đối kinh tế vĩ mô đều đang diễn biến lạc quan. Chốt lại năm 2016, xuất khẩu ròng tăng, dự trữ ngoại hối cũng tăng. Đặc biệt, lạm phát cơ bản (core inflation) ước chỉ tăng 2-2,5% (sau khi loại trừ biến động giá lương thực, giá nhiên liệu, và một số dịch vụ công do Nhà nước định giá). Do đó, lạm phát mục tiêu đề ra cho năm 2017 với mức tăng tối đa 4% là rất khả thi.
“Ở mức lạm phát toàn phần tăng dưới 5% thì mức lạm phát cơ bản này là dầu bôi trơn cho cỗ máy kinh tế vận hành, không vấn đề gì hết. Trong vài năm tới đây, lạm phát dự báo cũng vẫn theo xu hướng như vậy”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Vấn đề nợ công ảnh hưởng thế nào?
Một yếu tố khác đang được chú ý là nợ công của Việt Nam hiện đã tiến sát mức trần mà Quốc hội cho phép (65% GDP). Vậy con số này đang và sẽ tác động lên tăng trưởng GDP ra sao?
TS. Trần Du Lịch cho rằng tất nhiên những e ngại về xu hướng tăng lên của nợ công so với GDP là hợp lý nhưng nếu nhìn ra bên ngoài, có thể thấy nhiều nước nợ công thậm chí còn lên đến 200% GDP mà nền kinh tế vẫn ổn định.
Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề hiện nay của nợ công Việt Nam là khoản nợ đáo hạn hằng năm phải trả so với nguồn thu của ngân sách chứ không phải tổng số nợ công hiện đã chiếm bao nhiêu phần trăm GDP.
Với một nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn thu ngân sách hiện chỉ đủ để chi thường xuyên. Nếu không đi vay thì không có vốn cho đầu tư hạ tầng. Vì thế, điều cần quan tâm hơn là hiệu quả sử dụng vốn vay.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, nhất là từ 2006-2015, Việt Nam đã phát hành rất nhiều trái phiếu trung hạn và đây là thời điểm có nhiều khoản nợ đang đáo hạn. Hiện Bộ Tài chính đang cơ cấu lại nợ trái phiếu. Từ năm 2018 trở đi, các khoản nợ trung hạn sẽ giảm dần, “không có chuyện Việt Nam vỡ nợ, ảnh hưởng đến nền kinh tế”, TS. Trần Du Lịch khẳng định...
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nam-2017-Ty-gia-CPI-lai-suat-ung-ho-tang-truong/295784.vgp
|