Tỷ giá – 1 năm nhìn lại
Sau khi tăng 3% trong cả năm 2015, tỷ giá USD/VNĐ đã có một năm 2016 được đánh giá khá ổn định, mặc dù thị trường tài chính quốc tế đã biến động mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều sự kiện địa chính trị thay đổi, trong khi nền kinh tế trong nước cũng trải qua một năm nhiều thăng trầm đáng chú ý. Chúng ta cùng nhìn lại những điểm đáng chú ý trên thị trường ngoại hối năm vừa qua.
Cơ chế tỷ giá trung tâm đã phát huy tác dụng?
Điểm đáng chú ý nhất trong năm 2016 là việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm ngay từ đầu năm 2016, mà theo nhiều người cho rằng đã góp phần ổn định hóa thị trường ngoại hối trong năm vừa qua. Nhìn lại những năm trước đây, VNĐ thường được neo chặt vào đồng USD trong suốt một quãng thời gian cố định, rồi sau đó đột ngột bị phá giá mạnh trước áp lực bị dồn nén suốt một giai đoạn, gây sốc cho nền kinh tế và khiến các chỉ số vĩ mô trở nên bất ổn.
Nhận thấy những nhược điểm của cơ chế tỷ giá cố định, thì từ đầu năm 2016 NHNN đã niêm yết tỷ giá trung tâm hàng ngày để làm cơ sở tham khảo cho tỷ giá mua bán của các NHTM. Theo NHNN thì tỷ giá trung tâm nói trên dựa trên 3 chỉ số chính là sự biến động của một rổ các đồng tiền của các nước đối tác kinh tế chủ chốt Việt Nam, chỉ số phản ánh cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô.
Như vậy, thay vì trước đây tỷ giá USD/VNĐ được điều chỉnh dựa trên sự biến động và áp lực cung cầu của đồng USD trên thị trường thì giờ đây NHNN đã dựa vào 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ và đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam để làm cơ sở, cụ thể là các đồng USD, EUR, nhân dân tệ, yên nhật, đô la Singapore, đồng Won, đô la Đài Loan và đồng bath Thái. Về biên độ giao dịch thì NHNN vẫn nhất quán duy trì ở tỷ lệ 3% vốn được điều chỉnh tăng từ 2% lên từ ngày 19/08/2015 cho đến nay.
Với tỷ giá trung tâm được điều chỉnh linh hoạt mỗi buổi sáng trước giờ giao dịch đã giúp cho sự biến động hàng ngày không quá lớn và cũng không gây sốc cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh sử dụng nhiều ngoại tệ trong giao dịch thanh toán, vay mượn. Ngoài ra, sự điều chỉnh linh hoạt ở đây là có tăng có giảm, tức đi theo xu hướng thị trường cũng như xu hướng tăng giảm của các ngoại tệ mạnh trên thế giới, thay vì chỉ đi theo mỗi chiều tăng lên như giai đoạn trước đây.
Các đợt biến động đáng chú ý trong năm
Trong năm qua có những đợt tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh đáng chú ý, khiến giao dịch mua bán tại các ngân hàng cũng như ngoài thị trường tự do tăng mạnh với chênh lệch giá mua và bán bị giãn rộng ra so với mức bình thường. Cụ thể, có 4 đợt là vào tháng 5, giai đoạn nửa cuối tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, giai đoạn tháng 10 và giai đoạn từ ngày 09/11 đến đầu tháng 12.
Trong tháng 5, tỷ giá trung tâm tăng thêm 97 đồng do các quan chức Fed phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 và từ việc NHNN mở lại cửa vay ngoại tệ từ 1/6/2016 qua thông tư 07/2016/TT-NHNN. Sau đó tỷ giá đã có giai đoạn giảm trở lại do thực tế Fed đã tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất do lo ngại những bất ổn và khủng hoảng tăng lên sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thông qua cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6/2016.
Tiếp đến giai đoạn từ nửa cuối tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, tỷ giá đã tăng nhanh trước kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào 14/9. Cụ thể từ ngày 14/8 đến ngày 14/9 tỷ giá đã tăng thêm 118 đồng. Mặc dù tỷ giá sau đó có giảm trở lại nhưng cũng chỉ đến cuối tháng 9 và mức giảm rất thấp. Với tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có dấu hiệu tăng trở lại, lãi suất tiền gửi VNĐ giảm mạnh tại các NHTM nhà nước vào cuối tháng 9 và kinh tế Mỹ khởi sắc hỗ trợ đồng USD đi lênh mạnh mẽ thì tỷ giá trong nước lại lầm lũi đi lên trong tháng 10, với mức tăng trong tháng này là 90 đồng. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến 30/9 đã tăng vọt lên 5.44% so đầu năm, trong khi trước đó cuối tháng 8 vẫn còn giảm 0.33%.
Sau khi Donald Trumph đắc cử tổng thống Mỹ vào ngày 9/11, đồng USD đã tăng mạnh mẽ trên thị trường quốc tế và gây áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước. Thêm vào đó nhu cầu thanh toán nhập khẩu tăng lên cuối năm và kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 12 đã khiến cầu đầu tư lẫn đầu cơ USD tăng mạnh trong giai đoạn này. Tỷ giá trung tâm USD/VNĐ từ ngày 9/11 đến cuối tháng 11 tăng 93 đồng, trong khi tỷ giá niêm yết bán ra tại các NHTM luôn cận kề mức trần 3% và tỷ giá ngoài thị trường tự do luôn cao hơn tỷ giá trần của NHNN từ 500 – 700 đồng.
Tuy nhiên, sau khi Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0.25% vào rạng sáng ngày 15/12 vừa qua, thì mức độ biến động của tỷ giá lại không quá mạnh do thị trường gần như đã dự đoán được thông tin này trước đó và tin tức cũng đã phản ánh vào giá trước đó. Cụ thể tỷ giá đến ngày 23/12 tăng 31 đồng so với ngày 14/12, thời điểm trước khi Fed quyết định tăng lãi suất.
Cung cầu chuyển dịch nhưng thị trường ngoại hối vẫn khá ổn định
Tính đến ngày 23/12/2016, tỷ giá trung tâm USD/ VNĐ đang nằm tại 22,155, tăng 259 đồng, tương đương 1.18% so với thời điểm đầu năm nay. Đây là mức biến động khá ổn định nếu so với các ngoại tệ khác, cũng như trong bối cảnh đồng USD trên thế giới tăng giá mạnh mẽ. Thống kê cho thấy chỉ số USD Index đã tăng hơn 5% so với thời điểm đầu năm nay.
Về cơ cấu trong nguồn cung ngoại tệ đã có sự dịch chuyển đáng kể, trong đó nguồn vốn FDI giải ngân năm 2016 tăng trưởng tích cực so năm trước, nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng mạnh nhờ vào các thương vụ M&A lớn cũng như chính sách cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước khỏi các doanh nghiệp niêm yết. Thặng dư thương mại ở mức cao cũng giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn trong năm qua. Ngược lại, dòng vốn kiều hối vốn là nguồn cung ngoại tệ đáng kể trong những năm trước đây lại có dấu hiệu sụt giảm mạnh.
Về phía cầu ngoại tệ, quyết định ngừng cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu kể từ tháng 3/2016, rồi sau đó mở ra cho vay lại từ tháng 6 đến hết năm 2016, tiếp đó lại cho phép gia hạn đến hết năm 2017 khiến cầu ngoại tệ tăng giảm thất thường trong năm. Hoạt động nhập khẩu cũng suy yếu, kim ngạch nhập khẩu tăng chậm trước bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và giá cả hàng hóa trên thế giới đi xuống.
Bên cạnh đó, NHNN cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các công cụ phái sinh ngoại tệ nhằm phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. Trước đó ngay từ tháng 10/2015 NHNN cũng đã ban hành thông tư số 15/2015/TT-NHNN về việc hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại hối với các sản phẩm mua bán kỳ hạn,giao dịch hoán đổi và các quyền chọn nhằm ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ hoặc nhu cầu tăng sốc trong cùng thời điểm gây bất ổn lên thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cũng như đầu cơ đồng bạc xanh đã giảm nhiều so với trước đây khi việc nắm giữ USD chỉ còn kỳ vọng ở sự lên giá chứ không còn được hưởng lãi suất khi gửi ngân hàng, sau khi NHNN quyết định giảm trần lãi suất USD về 0% từ 18/12/2015. Do đó, nhiều người đã quyết định chuyển dịch từ nắm giữ USD chuyển sang VNĐ gửi ngân hàng, thể hiện ở huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng giảm nhưng huy động vốn VNĐ tăng mạnh và NHNN cũng mua vào được một lượng ngoại tệ đáng kể trong năm nay.
Về cơ cấu trong nguồn cung ngoại tệ đã có sự dịch chuyển đáng kể, trong đó nguồn vốn FDI giải ngân năm 2016 tăng trưởng tích cực so năm trước, nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng mạnh nhờ vào các thương vụ M&A lớn cũng như chính sách cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước khỏi các doanh nghiệp niêm yết. Thặng dư thương mại ở mức cao cũng giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn trong năm qua. Ngược lại, dòng vốn kiều hối vốn là nguồn cung ngoại tệ đáng kể trong những năm trước đây lại có dấu hiệu sụt giảm mạnh./.
|
|