Thứ Ba, 03/01/2017 20:01

Chuyển động dòng tiền 2016:

Năm buồn của cổ phiếu ngân hàng nhưng là niềm vui với nhóm thép

Trong năm 2016, nhiều cổ phiếu ngành thép có dòng tiền tăng trưởng đáng kể so với năm 2015 trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn duy trì được đà tích cực như năm trước với thanh khoản sụt giảm mạnh, thống kê của Vietstock cho thấy.

Không sai nếu nói rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt đã có một năm tuyệt vời cả về điểm số lẫn thanh khoản. Theo đó, chỉ số VN-Index đã có sự tăng trưởng ngoạn mục 15.75%, tương ứng 90.46 điểm để lên 664.87 điểm. Còn HNX-Index cũng có sự tăng nhẹ 0.84% lên 80.12 điểm. Trong năm, VN-Index đã có lúc leo lên mức 688.89 điểm, đây là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Thanh khoản trên thị trường cũng rất đáng chú ý, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên trong năm 2016 đạt 174 triệu cp, tương ứng giá trị giao dịch đạt 2,935 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Theo thống kê, có 59 cổ phiếu đang niêm yết có thanh khoản sụt giảm trong năm qua, ngược lại thì có đến 73 mã tăng trưởng khi xét trên nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 cp/phiên.

Cổ phiếu thép tạo kỳ tích

Năm 2016 có thể xem là một năm thành công vang dội với cổ phiếu ngành thép khi hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ về giá cổ phiếu lẫn dòng tiền.

Theo đó, HSG của Tập đoàn Hoa Sen tỏ ra vượt trội hơn tất cả các cổ phiếu niêm yết có dòng tiền tăng trưởng cả năm 2016 khi khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 1,000 lần so với năm trước, đạt hơn 1.5 triệu cp/phiên. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu HSG cũng tăng trưởng 153%, đóng cửa năm tại 50,900 đồng/cp, vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết từ năm 2008.

Tiếp đến là cổ phiếu VGS của Ống thép Việt Đức VG PIPE với khối lượng giao dịch bình quân cả năm 2016 đạt 665,000 cp/phiên, tăng 300% so với năm 2015 và giá cũng bứt phá gần 100%. Các ông lớn khác gồm Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) và Thép Hòa Phát (HOSE: HPG) có thanh khoản bình quân đạt hơn 1 triệu cp/phiên và 3 triệu cp/phiên, cùng tăng hơn 200% so với năm 2015. Xét về điểm số thì TLH dẫn đầu đà tăng toàn ngành, đạt mức hơn 223%, từ 3,800 đồng/cp lên 12,300 đồng/cp.

Diễn biến cổ phiếu HSG, HPG, TLH và VGS trong năm 2016

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Nếu xét trên phạm vị rộng hơn (không dừng ở nhóm có khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 cp/phiên) thì các cổ phiếu thép quy mô vừa khác như VIS, NKG và DNY cũng có dòng tiền tăng mạnh trong năm 2016. Cụ thể, VIS có khối lượng giao dịch bình quân 2016 đạt 252,000 cp/phiên, tăng 193% và giá tăng 145%, kết thúc năm ở 18,900 đồng/cp; NKG khối lượng giao dịch bình quân 2016 đạt 152,0000 cp/phiên, tăng 130% và giá tăng 215%, kết thúc năm ở 18,900 đồng/cp và DNY khối lượng giao dịch bình quân tăng gấp 3, giá tăng 18%.

Yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu ngành thép xuất hiện từ đầu năm 2016 khi mà đầu tư cơ sở hạ tầng tăng và thị trường bất động sản khởi sắc đã thúc đẩy tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, các đại lý phân phối đẩy mạnh tích trữ hàng trước quyết định áp thuế tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu cũng góp phần đẩy sản lượng tiêu thụ của các công ty sản xuất thép tăng cao. Cộng hưởng cùng việc giá thép phục hồi nhờ giá quặng sắt tăng trở lại đã giúp các doanh nghiệp ngành thép từ sản xuất đến phân phối có thêm lợi nhuận từ lượng hàng tồn kho giá rẻ trước đó. Đây là những lý do đã được nhà đầu tư trong nước nhìn thấy, từ đó đã mạnh dạn giải ngân vào nhóm cổ phiếu thép, qua đó giúp nhiều mã đạt được sự tăng trưởng mạnh về thanh khoản lẫn giá như đã đề cập ở trên.

Không chỉ ngành thép, trong năm 2016 còn có nhiều ông lớn đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng về dòng tiền như VNM, CSM, AAA, VCG… Trong đó câu chuyện ở VNM có thể xem là một điểm nhấn đáng chú ý trên thị trường chứng khoán bằng thương vụ đấu giá cạnh tranh hơn 130.6 triệu cp, tương ứng 9% vốn thuộc sở hữu của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), với mức giá khởi điểm 144,000 đồng/cp. Kết quả là Fraser & Neave Limited (F&N) đã chi khoảng 11,300 tỷ đồng để sở hữu thêm 5.4% vốn VNM. Thông tin này giúp VNM khép lại năm 2016 thành công với khối lượng giao dịch bình quân đạt xấp xỉ 1 triệu cp/phiên, tăng 270% so với năm 2015 và giá cũng tăng 24%, đạt 125,600 đồng/cp.

Ngoài ra, với việc giá dầu thế giới tăng 45% trong năm qua thì nhóm cổ phiếu dầu khí và họ “P”, trong đó có PVD, PGD, PGS, PVL, PVIPV2, đều ghi nhận dòng tiền tăng trong năm. Riêng nhóm đầu cơ không thể không kể đến những cổ phiếu như TSC, KSA, VNE, HAR, KHB, DCS, KSK, HHG, BII, VIG… đều tăng thanh khoản nhờ dòng tiền bắt đáy được kích hoạt khi giá cổ phiếu lao dốc mạnh mẽ.

Top 20 cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng mạnh nhất trên HOSE

Những cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng mạnh nhất trên HNX

Một năm buồn của cổ phiếu ngân hàng

Ngành ngân hàng kết thúc năm 2016 với chỉ số chung suy giảm 17%. Dù không phải là nhóm ngành giảm mạnh nhất nhưng đáng buồn là thanh khoản ở nhiều cổ phiếu trong ngành đã suy giảm đáng kể. Dẫn đầu danh sách ngành ngân hàng và cả hai sàn niêm, EIB của Eximbank là mã bị dòng tiền rút ra mạnh nhất, sụt giảm đến gần 72% khi chỉ còn trung bình hơn 191,000 cp/phiên (giá cũng điều chỉnh giảm gần 20% trong năm).

Sàn HOSE còn có sự góp mặt của CTG khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 65%, ở mức 729,000 cp/phiên. BID không có trong top 20 mã giảm thanh khoản nhưng kết năm 2016 cũng ghi nhận mức suy giảm hơn 18% và giá bay hơi đến gần 26%. Sàn HNX thì hai đại diện ACB và SHB có khối lượng giao dịch bình giảm lần lượt 54% và 21% so với năm 2015.

Diễn biến các cổ phiếu ACB, CTG, SHB và MBB trong năm 2016

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Trong số giảm thanh khoản thì chỉ có mỗi MBB là cổ phiếu ngân hàng còn duy trì mức giá tăng nhẹ 3.8% trong năm qua. Hai cổ phiếu ngân hàng duy nhất có thanh khoản tăng so với năm trước là STB và VCB với mức tăng lần lượt 30% và 20%, đạt hơn 1 triệu cp/phiên và 749,000 cp/phiên.

Nguyên nhân mà cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn có thể là do nhà đầu lo e ngại triển vọng lợi nhuận của nhóm cổ phiếu này trước áp lực trích lập dự phòng tăng cao và biên lãi thuần NIM giảm khi áp các quy định (như Thông tư sửa đổi Thông tư 36, Thông tư 24 có thể thắt chặt tín dụng, gây khó khăn cho nhiều ngân hàng trong việc duy trì khả năng sinh lời).

Xét chung trên cả hai sàn, nhóm đầu cơ tiếp tục là nỗi ám ảnh nhà đầu tư trong năm 2016 khi phần lớn có giá suy giảm khá mạnh như HAI, TTF, JVC, AGR, WSS, KLF, ITQ, TIG, HSQ, S99… Việc giảm giá ở nhóm cổ phiếu này còn đi kèm với việc bị dòng tiền rút khá mạnh; trong đó mạnh nhất là WSS giảm gần 69%, khối lượng giao dịch bình quân chỉ còn hơn 100,000 cp/phiên; HAI giảm 66%, còn hơn 980,000 cp/phiên hay OGC giảm 48%, còn hơn 2.3 triệu cp/phiên…

Top 20 cổ phiếu có dòng tiền suy giảm mạnh nhất trên HOSE

Top 20 cổ phiếu có dòng tiền suy giảm mạnh nhất trên HNX

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 03/01: Khởi đầu như mơ (03/01/2017)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 03-06.01.2017 (02/01/2017)

>   Tuần 03-06/01/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (02/01/2017)

>   Nhà đầu tư nhỏ nay đã trưởng thành? (04/01/2017)

>   Nhà đầu tư nhỏ nay đã trưởng thành? (04/01/2017)

>   Sức hút của TTCK Việt đang bị tính minh bạch số liệu cản trở (12/01/2017)

>   Năm ảm đạm của cổ phiếu dệt may và tương lai sẽ còn chật vật (05/01/2017)

>   Ngày 09/01/2017, VIB lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 17,000 đồng/cp (31/12/2016)

>   Chức Chủ tịch HĐQT Sabeco sẽ bị xem xét (30/12/2016)

>   Khối ngoại đã rút ròng sau hơn một thập kỷ mua ròng (01/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật