Nhà đầu tư nhỏ nay đã trưởng thành?
Năm 2016 đã kết thúc với những gam màu khác nhau trong hoạt động kinh doanh của các DNNY trên TTCK. Những bài học kinh nghiệm theo đó cũng đã được hình thành khá rõ nét trong thời gian qua. Trong đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã trở thành điểm nhấn nổi bật nhất khi cho thấy sự trưởng thành rõ rệt trong quyết định đầu tư của mình.
Chỉ tăng trưởng lợi nhuận là chưa đủ…
Trong quá khứ, sự tăng trưởng lợi nhuận luôn báo hiệu cho một giai đoạn bứt phá của giá cổ phiếu trong khoảng thời gian dài sau đó. Đây là điều khá dễ hiểu vì khi đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào, nhà đầu tư đều mong muốn hoạt động kinh doanh của công ty ghi nhận sự tăng trưởng ổn định cùng sự gia tăng của giá cổ phiếu theo thời gian. Tuy vậy, năm 2016 đã ghi nhận không ít trường hợp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng nhưng giá cổ phiếu không phản ánh điều đó mà phần lớn lại đi ngang hoặc sụt giảm trong thời gian dài đi cùng với thanh khoản kém tích cực. Trường hợp điển hình có thể kể đến là CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG).
Đối với trường hợp của HVG, KQKD của công ty này khá ấn tượng khi doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế năm 2016 đều ghi nhận những kết quả ấn tượng. Đáng lẽ ra thị giá của cổ phiếu này phải ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, tuy vậy thực tế lại ghi nhận kết quả trái ngược khi giá cổ phiếu HVG vẫn không ngừng lao dốc trong hơn 1 năm qua.
Biểu đồ giá cổ phiếu HVG
Tuy nhiên, nếu nhìn lại kết quả kinh doanh của công ty này thì ta sẽ nhận thấy hoạt động kinh doanh cũng để lại không ít sự e ngại cho giới đầu tư khi chất lượng tăng trưởng hiện là khá “nóng”. Theo đó, tuy doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng khoản phải thu cũng không hề kém cạnh khi tính đến hết quý 3/2016 đã gia tăng hơn 25% so với đầu năm. Tỷ trọng khoản phải thu chiếm đến hơn 46% tổng tài sản cũng cho thấy nguồn vốn kinh doanh hiện cũng đang bị cột chặt vào khoản phải thu. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là sự mở rộng đầu tư của công ty này cũng đang đi kèm với áp lực nợ vay ngày càng tăng cao khi tính đến hết quý 3/2016, nợ phải trả đã chiếm đến 78% tổng tài sản. Các khoản nợ vay ngắn hạn, dài hạn và chi phí lãi vay theo đó cũng gia tăng mạnh theo thời gian.
Vì vậy, việc doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận có thể mang lại những hiệu ứng tâm lý tích cực. Tuy vậy, giới đầu tư đã ngày càng cho thấy sự thận trọng hơn theo thời gian khi tăng trưởng lợi nhuận là chưa đủ mà còn cân nhắc đến chất lượng tăng trưởng hiện tại và sự vững mạnh của tình hình tài chính của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Các kế hoạch tăng vốn không còn quá hấp dẫn
Năm 2016 đánh dấu quá trình tăng vốn của hàng loạt công ty niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán. Phản ứng thường thấy ở các năm trước đây mỗi khi doanh nghiệp có tin phát hành cổ phiếu thì cũng là lúc giá cổ phiếu trên sàn “nóng” lên. Tuy vậy, năm vừa qua lại chứng kiến nhiều trường hợp đi ngược lại với nhận định này khi sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn thì giá cổ phiếu lại liên tục lao dốc hoặc đi ngang trong thời gian dài. Nổi bật trong đó có thể kể đến trường hợp của KVC hay DLG.
Với KVC, ngày 15/04/2016 là ngày GDKHQ của CTCP Sản Xuất XNK Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) khi công ty này thực hiện phát hành 33 triệu cổ phiếu. Với đợt chào bán cổ phần này, vốn điều lệ của KVC đã được nâng lên từ 165 tỷ đồng lên 495 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm. Nguồn vốn huy động được sử dụng nhằm mục đích đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mua đất xây dựng nhà xưởng phục vụ cho các dự án trong tương lai. Tuy vậy, trái ngược với những kế hoạch triển vọng được đề ra, giá cổ phiếu của công ty này vẫn liên tục đi ngang trong nhiều tháng và đã chính thức lao dốc không phanh kể từ đầu tháng 10 vừa qua.
Biểu đồ giá cổ phiếu KVC
Nguyên nhân cho sự lao dốc của giá cổ phiếu nhiều khả năng đến từ những nghi ngờ đặt ra cho triển vọng tăng trưởng của công ty này khi những kế hoạch đầu tư đề ra lại chưa rõ ràng và không có những điểm đến cụ thể. Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng đề ra khi lợi nhuận sau thuế 9T/2016 chỉ hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2016.
Một ví dụ điển hình khác là một cổ phiếu khá nổi tiếng trên HOSE. Đó là cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Dù liên tiếp thực hiện tăng vốn điều lệ trong các năm gần đây và KQKD cũng không quá tiêu cực nhưng giá cổ phiếu lại gần như không tăng trưởng mà duy trì trong xu hướng giảm giá dài hạn qua các năm. Ngày 02/12/2016 vừa qua cũng là ngày Tập đoàn này chia cổ tức cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn VCSH với số lượng cổ phiếu phát hành gần 11 triệu cổ phiếu. Và kể từ thời điểm đó đến nay giá cổ phiếu này cũng liên tục lao dốc và mất hơn 34% giá trị.
Biểu đồ giá cổ phiếu DLG
Vì vậy, kế hoạch tăng vốn có thể cho thấy tham vọng mở rộng và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nay đã thận trọng hơn với các kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp. Nếu các dự án đầu tư không cho thấy sự chi tiết và rõ ràng thì rõ ràng điều này là không đủ để hấp dẫn giới đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu này./.
|