Năm ảm đạm của cổ phiếu dệt may và tương lai sẽ còn chật vật
Năm 2016 vừa qua là một năm khá buồn với ngành dệt may khi mà hàng loạt cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết lao dốc, mất đến trên 50% giá trị, đồng thời thông tin Hiệp định TPP có khả năng thất bại khiến kỳ vọng hưởng lợi trước đây trở nên ảm đạm.
Hàng loạt cổ phiếu lớn giảm mạnh
Nếu như năm 2014 và 2015 Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) làm mát lòng cổ đông bao nhiêu thì năm 2016 lại khiến cổ đông nóng ruột nóng gan bấy nhiêu khi mà giá cổ phiếu ngay từ đầu năm đã nằm trong xu hướng giảm không một tín hiệu phục hồi. Tính đến phiên ngày 23/12/2016, cp TCM đã bay mất 53% giá trị từ mức giá 30,800 đồng về 14,500 đồng.
Đà giảm giá của TCM có lẽ xuất phát từ kết quả kinh doanh ngày càng xuống dốc. Ba quý đầu năm 2016, lợi nhuận của Công ty liên tục giảm dần đều so với cùng kỳ năm trước; lũy kế chỉ thực hiện được 90 tỷ đồng lãi ròng, giảm đến 32%. Đồng thời theo dự báo của Công ty chứng khoán BIDV (BSI), quý cuối năm của TCM sẽ không có nhiều cải thiện khi mà mảng kinh doanh sợi đang gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc, Hàn Quốc cùng sụt giảm; mảng may thì đơn hàng của Eland giảm do thị trường bán lẻ dệt may tại Trung Quốc đi xuống. Ngoài ra, trong năm qua Công ty tiếp tục gánh lỗ cho nhà máy Vĩnh Long và lỗ tỷ giá khi đồng USD liên tục tăng cao.
“Ông lớn” khác trong ngành là Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng ghi nhận giá cổ phiếu giảm đến 34% so với đầu năm, hiện đang giao dịch tại 12,300 đồng/cp. Do vậy, dù năm qua TNG tăng vốn mạnh từ 219 tỷ lên 342.6 tỷ đồng nhưng giá trị vốn hóa thị trường lại giảm 5.6% so với đầu năm. Đà giảm giá của cổ phiếu TNG khá khó hiểu khi mà kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng đều đặn với doanh thu xấp xỉ cùng kỳ và lãi ròng tăng trưởng 19%; hơn nữa, hàng loạt cổ đông nội bộ như Chủ tịch, Tổng giám đốc, cho đến Trưởng phòng Tài chính kế toán và người có liên quan đều có động thái gom hàng.
Cổ phiếu của Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng giảm giá trên 30% song hành với kết quả kinh doanh bi quan. Doanh thu 9 tháng đầu năm của STK tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận lại giảm đến 37%. Công ty cho biết tình hình thị trường cạnh tranh gay gắt và nhu cầu sợi sụt giảm nên phải giảm giá bán để giữ thị phần. Mặc khác, trong quý 3, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo xác định mức độ phá giá đối với sợi dún polyester filament (DTY) nhập từ Việt Nam và Thái Lan khiến khách hàng trì hoãn đơn hàng để chờ quyết định cuối cùng cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của STK. Tình hình kinh doanh của STK trong quý 4/2016 được dự báo không có gì đột biến, theo đó STK đã hạ chỉ tiêu kế hoạch lãi ròng cả năm xuống 85.1 tỷ, giảm 33% so với mục tiêu ban đầu (127 tỷ đồng).
Giảm mạnh nhất trong ngành phải kể đến tân binh May Phú Thành (HNX: MPT), chào sàn đầu năm 2016 với giá phiên giao dịch đầu tiên là 15,000 đồng/cp nhưng hiện nay chỉ còn 5,900 đồng/cp, giảm đến 61%. Một tân binh khác cùng hoàn cảnh là Đầu tư Dệt may G.Home (HNX: G20), chào sàn vào tháng 9/2015 cũng đang được giao dịch ở mức giá 3,300 đồng/cp, giảm 65% so với thời điểm đầu năm 2016 và giảm 70% so với ngày giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm giữa hai đơn vị thì khá khác biệt, trong khi MPT ghi nhận mức lãi ròng 4.6 tỷ, giảm 58% thì G20 tăng trưởng 16% với mức lãi 10.8 tỷ đồng.
Diễn biến một vài cổ phiếu dệt may giảm mạnh năm 2016
|
Đối với May Phú Thịnh – Nhà Bè (HNX: NPS), tuy giá cổ phiếu chỉ giảm 22% so với đầu năm nhưng lại là cổ phiếu rủi ro nhất ngành. Mới đây, Công ty công bố quyết định của ĐHĐCĐ về việc dừng hoạt động sản xuất hàng may mặc do nguồn hàng không ổn định, lao động khan hiếm và chi phí tăng cao. Dự báo năm 2016 NPS sẽ bị lỗ 2 tỷ đồng và doanh thu thuần giảm 21.5% còn 33 tỷ đồng. Đồng thời, cổ đông cũng đã thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện gần 2.2 triệu cp tại HNX nhằm tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp.
Xét tổng quan toàn ngành, vốn hóa thị trường cho đến cuối năm 2016 đạt 5,216 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Mức giảm không quá lớn nhờ một vài điểm sáng như EVE, GIL, TET và sự xuất hiện đột phá của tân binh ADS vào cuối tháng 6/2016 với việc giá cp tăng 50%. Everpia (HOSE: EVE) tuy có giá cổ phiếu giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm nhưng vốn hóa thị trường tăng 38% nhờ năm qua đã phát hành gần 14 triệu cp để trả cổ tức tỷ lệ 50% tăng vốn lên 420 tỷ đồng, còn cổ phiếu của SXKD & XNK Bình Thạnh (HOSE: GIL) và Vải sợi may mặc miền Bắc (HNX: TET) đều tăng giá mạnh 32% và 49%.
Tương lai còn chật vật, TPP khó đoán định
Phát biểu tại hội thảo về thị trường may mặc 6 tháng cuối năm 2016 và định hướng 2017 diễn ra cuối tháng 8/2016, ông Lê Tiến Trường – Thành viên HĐQT Vinatex cho rằng, năm 2017 được dự báo không có lợi thế cho dệt may Việt Nam về phương diện thị trường, thuế quan và ảnh hưởng của tổng cầu thế giới đến xuất khẩu dệt may Việt Nam. Năm 2016 và 2017 được xem là hai năm khó khăn nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây. Do vậy, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị thị trường tốt hơn cho tương lai, chủ động tìm kiếm khách hàng.
Năm 2017, tổng cầu dệt may thế giới được dự báo tăng trưởng chậm và kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm 2016 do cạnh tranh gay gắt với các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Mặt khác, những yếu tố khó khăn vẫn tiếp tục đè nặng lên các đơn vị dệt may như chi phí ngành ngày càng cao (vận tải lưu kho hàng lẻ, chi phí dịch vụ vận chuyển, lương nhân viên..) và sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.
Một nhân tố khá quan trọng, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu có hiệu lực thì ngành dệt may được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn, đặc biệt là các đơn vị đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm nay như TCM, TNG, STK. Song dẫu đã được ký kết chính thức vào 04/02/2016, đang chờ các nước thành viên hoàn tất thủ tục nội bộ để thông qua và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, TPP đã chưa thể thông qua tại Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Đồng thời, ông Donald Trump – Tổng thống mới đắc cử của Mỹ tuyên bố quốc gia này sẽ rút khỏi TPP vào ngày đầu tiên ông nhậm chức.
Tương lai TPP không còn Mỹ?
|
Điều này khiến tương lai của Hiệp định trở nên bất định hơn bao giờ hết bởi Mỹ là nhân tố quan trọng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng cho biết, TPP sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Mỹ.
Dẫu vậy, các lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương cho biết vẫn theo đuổi thỏa thuận tự do thương mại này bất chấp tuyên bố của ông Donald Trump. Và Nhật Bản cũng đã phê chuẩn TPP. Theo chia sẻ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/12 thì thời gian tới Thủ tướng Nhật sẽ sang Việt Nam, một trong các mục tiêu là vận động Việt Nam sớm phê chuẩn TPP để cùng gia tăng áp lực với Mỹ./.
|