Chỉ số ngành nào lên ngôi trong năm 2016?
Trong năm 2016, chỉ số (Index) ngành Chăm sóc sức khỏe ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với 48% trong khi ngành Sản xuất Hàng gia dụng giảm mạnh 46%.
Có thể nói năm qua là năm rất khả quan với ngành Chăm sóc sức khỏe, các cổ phiếu thuộc ngành đều tăng trưởng so với đầu năm. Trong đó, đặc biệt có sự bứt phá đến từ các cổ phiếu lớn trong ngành như TRA tăng 37% để đạt mức giá 114,000 đồng/cp, DHG kết phiên cuối năm ở 98,000 đồng/cp tăng 54%, DMC cũng đem đến cho nhà đầu tư tỷ suất sinh lời 114% khi giá cp tăng mạnh từ 31,000 đồng lên 67,500 đồng/cp hay cp IMP cũng tăng giá từ 34,800 đồng lên 55,900 đồng, ứng tỷ lệ tăng 61%. Ngoài ra, những cổ phiếu nhỏ như DHT, DP3, LDP, PMC cũng đem đến tỷ suất sinh lời cho nhà đầu tư từ 50% đến 90% từ tăng trưởng giá nếu kiên nhẫn nắm giữ 1 năm qua.
Nguyên nhân tăng mạnh ngoài việc các doanh nghiệp thuộc nhóm Chăm sóc sức khỏe đều duy trì được kết quả kinh doanh tốt, cổ tức đều đặn thì riêng cổ phiếu DHG và DMC còn có sự hỗ trợ của nhân tố nhà đầu tư ngoại. Đó là việc Tập đoàn Taisho Pharmaceuticals đến từ Nhật Bản mua 24.5% vốn DHG và CFR International SPA chính thức thâu tóm xong DMC khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.
Đứng thứ hai và ba về tỷ lệ tăng trong năm qua còn có ngành Tiện ích và Vật liệu xây dựng với tỷ lệ tăng lần lượt 44% và 43%.
Diễn biến Chỉ số ngành năm 2016
|
Ngược lại, với sự bết bát của dòng họ “K”, dòng họ “P” cùng họ Vinacomin thì chỉ số ngành Khai khoáng đã phải ghi nhận mức giảm 28% để về mốc 16.54 điểm.
Năm 2016 vốn là một năm đáng buồn của dòng họ “K” với việc hàng hoạt cổ phiếu phải rời sàn do vi phạm công bố thông tin nghiêm trọng và một loạt cổ phiếu khác thoi thóp trên sàn tại mức giá thua một cốc trà đá như MIM, ACM, ALV, BGM, CTA, CVN, KSA, KSH, KSQ…
Còn dòng họ “P”, mức giảm giá mạnh nhất thuộc về PVB, PVC khi bay hơi đến hơn 50% giá trị so với thời điểm đầu năm, PVD mất 17% và chỉ riêng PVS tăng nhẹ 6%. Những doanh nghiệp thuộc dòng Vinacomin như TC6, TCS, TDN và TVD cũng không khá khẩm bao nhiêu khi giá cổ phiếu cùng một xu hướng đi xuống.
Tuy nhiên, nằm chót bảng không phải chỉ số ngành Khai khoáng mà là ngành Sản xuất Hàng gia dụng. Tính đến cuối năm, chỉ số ngành Sản xuất Hàng gia dụng ghi nhận mốc 19.6 điểm, giảm 46% so với thời điểm đầu năm. Điều này cũng không có gì lạ trước vụ bê bối tại TTF khiến cổ phiếu bỗng chốc mất đi trên 80% giá trị trong vòng 1 tháng kể từ thời điểm thông tin Tân Liên Phát hoãn thực hiện chuyển đổi khoản nợ thành cp (18/07/2016). Hiện nay giá TTF đang dừng ở 5,390 đồng, giảm 80% so với thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, diễn biến bi quan ở các cổ phiếu dệt may như TCM, NPS, GMC, STK, TNG cũng góp phần vào đà giảm của chỉ số ngành SX Hàng gia dụng./.
|