Chiến lược đầu tư 2017: Đánh nhanh, đánh chắc và không chủ quan
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) khi đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong năm 2017.
Ông Nguyễn Hữu Bình
|
VN-Index có thể đạt 730 điểm đến tháng 3/2017
Ông Bình cho rằng, việc VN-Index tăng mạnh từ đáy 520 điểm lên 660 điểm (tăng 27%) là điều ấn tượng nhất trong năm 2016. Chỉ số tăng mạnh có công rất lớn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VNM, BVH, ROS...
Tuy nhiên, nếu xét một cách chi tiết hơn, thị trường chứng khoán (TTCK) đã tạo ra 2 mảng đối lập. Một mảng với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh (KQKD) vượt trội tăng giá mạnh vài trăm phần trăm như NKG, HPG, HSG, AAA... Ngược lại nhóm cổ phiếu nhỏ, thị giá thấp với KQKD nghèo nàn lại giảm vài trăm phần trăm như FLC, HAI, FIT,... Đáng tiếc, đó cũng là năm thứ hai liên tiếp những nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ chịu thua thiệt khi tiếp tục níu kéo những cổ phiếu này và thích mạo hiểm với những con sóng ngắn hạn.
Theo ông Bình, để có được mức tăng trưởng trên là nhờ đóng góp không nhỏ liên quan tới tổng cung tiền M2. Theo tính toán, M2 đang cao hơn tăng trưởng tín dụng rất nhiều và là đỉnh của đỉnh. Điều đó cho thấy dòng tiền đang đi tìm kênh đầu tư bởi lãi suất khó tăng khi tiền đang dư thừa tại ngân hàng. Tuy nhiên, cũng do tình hình kinh doanh có nhiều sự khác biệt nên đã tạo ra sự phân hóa mạnh như trên.
TTCK năm 2016 có bước tăng trưởng mạnh và VN-Index chạm đỉnh sau gần 1 thập kỷ. Tuy nhiên, yếu tố trợ TTCK là tiền và sự ổn định vĩ mô sẽ bị thay đổi trong năm 2017 này. Đó là chưa kể, thế giới đang biến đổi mạnh và Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3/2017, thị trường vẫn có thể có sóng tăng ngắn hạn và chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt mốc 730 điểm (nhờ vào những cổ phiếu Large Cap)”, ông Bình nhận định.
Một phần nguyên nhân là bởi thị trường giai đoạn vừa qua đã điều chỉnh mạnh, nhiều cổ phiếu cơ bản đã giảm giá từ 15% có mã đến 30%. Trong khi đó những biến cố xấu chưa xảy ra, dòng tiền trên thị trường vẫn còn rất mạnh và các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng đều tiềm ẩn rủi ro.
Rủi ro khối ngoại rút ròng vẫn chưa dừng lại
Theo số liệu, năm 2016 là một năm NĐT nước ngoài bán ròng mạnh trên TTCK đặc biệt với những cổ phiếu niêm yết. Trong khi đó việc Fed nâng lãi suất lần thứ 2 đang khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh ra khỏi các nước cận biên và mới nổi. Các quỹ ETF tại Việt Nam cũng bị rút rất mạnh, Db-x trackers FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 71.01 triệu USD và VanEck Vectors Vietnam ETF bị rút ròng thậm chí còn nhiều hơn, 78.53 triệu USD. Mặc dù đến nay đã chậm lại nhưng rủi ro này chưa dừng lại.
|
Giai đoạn sau đó thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nếu không cẩn trọng thì nhà đầu tư (NĐT) sẽ mất hết thành quả. Vì thế chiến lược đầu tư năm 2017 là đánh nhanh, đánh chắc và không chủ quan. NĐT nên tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản, có KQKD năm 2016 tích cực, có khả năng trả cổ tức cao.
Tựu trung lại, năm 2017 là một năm khó lường, nên sự thận trọng là điều cần đặt lên hàng đầu. Trước hết NĐT nên tránh những cổ phiếu có tính đầu cơ, tránh những cổ phiếu thị giá quá thấp bởi rủi ro là rõ ràng, kể cả những cổ phiếu có nghi vấn. Nên tập trung vào những doanh nghiệp hàng đầu, có lợi thế trong kinh doanh và có kết quả kinh doanh tốt. Đó là xu thế đầu tư dài hạn. Còn với NĐT đón sóng, sóng tăng trong khoảng từ nay đến tháng 2-3/2017 chính là cơ hội. Theo đó dòng tiền sẽ hướng tới những cổ phiếu có KQKD 2016 tích cực, có khả năng trả cổ tức cao. Sau sóng, TTCK sẽ phân hóa mạnh theo hướng giảm điểm và nhiều cổ phiếu có thể rơi mạnh.
Kinh tế 2017 sẽ có nhiều thách thức và khó lường
Kinh tế có điểm đạt được, có điểm chưa nhưng tựu trung lại cho năm 2016 vừa qua là sự ổn định. Cho dù tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu nhưng vẫn duy trì mức cao trong khu vực và thế giới. Điều đáng quan tâm là sự ổn định của đồng tiền, lãi suất và lạm phát giúp người dân cảm thấy yên tâm. Nhưng có những điểm rất đáng quan ngại trong năm qua đó là nợ công, thu ngân sách, bội chi, tỷ lệ xuất khẩu của FDI quá lớn so với doanh nghiệp nội. Trong từng mảng có những mối lo ngại riêng, ví dụ như bội chi có thể nằm trong dự toán nhưng thu ngày càng tăng, áp lực với việc thu ngày một lớn. Hay mảng nông nghiệp một trụ cột tăng trưởng đang gặp nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu và thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, thị trường bán lẻ giờ đây đang bị hàng nước ngoài khống chế và bủa vây bởi các sản phẩm ngoại nhập....
Theo ông Bình, bước sang năm 2017, thế giới bắt đầu sẽ có những thay đổi khó lường hơn bao giờ hết. Những quốc gia hàng đầu như Đức - Pháp - Anh... sẽ tổ chức bầu cử và chắc chắn có thay đổi người lãnh đạo khiến những chính sách hiện tại có thể bị đảo. Brexit, hay có thể nữa là Frexit, Itaxit khiến EU tan rã là những mối nguy hại rất lớn về niềm tin.
Hay như việc Tân Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, rồi chính sách bảo hộ thương mại mà ông tuyên bố đã và đang khiến cả thế giới phải thay đổi theo.
Tại Việt Nam, Hiệp định TPP có khả năng thất bại sẽ có tác động không nhỏ tới nền kinh tế trong thời gian tới. Hơn nữa việc TPP bị ảnh hưởng có thể cũng sẽ khiến dòng vốn FDI thời gian tới chậm lại bởi nhiều doanh nghiệp FDI chuyển hoạt động tới Việt Nam cũng vì hiệp định TPP. Nếu dòng vốn này chậm lại chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới tỷ giá vốn được duy trì tích cực thời gian qua.
Trong khi đó, tình hình giá cả hàng hóa sẽ khó duy trì khi hàng loạt giá hàng hóa nguyên liệu đang tăng chóng mặt cuối năm. Rõ ràng mục tiêu lạm phát 4% cho năm 2017 là một thách thức vô cùng lớn, và một khi không duy trì được thì áp lực về lãi suất sẽ quay lại. Những yếu tố vĩ mô luôn đan xen lẫn nhau và chỉ cần một mắt xích có vấn đề các yếu tố khác sẽ bộc lộ.
Nhìn chung kinh tế năm 2017 sẽ là một năm nhiều thách thức và khó lường, đặc biệt nếu như Chính phủ không tìm ra cách thích ứng nhanh với biến đổi thì hệ quả là tất yếu, ông Bình cho biết thêm./.
|