Thứ Bảy, 07/01/2017 08:22

Giới điều hành ngân hàng toàn cầu đang “đấu đá” về chuyện gì?

Theo Bloomberg, hiếm có khi nào những người phụ trách hệ thống ngân hàng toàn cầu lại tranh luận gay gắt hay công khai như thế. Các thành viên của Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel đang chạy đua để hoàn thành một cuộc “đại tu” các tiêu chuẩn vốn, nhằm củng cố những ngân hàng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, dù thời hạn cuối cùng, ngày 08/01/2017, đang cận kề, nhưng họ vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chung. Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các đòi hỏi “to tiếng” nhất đến từ châu Âu, nơi mà các nhà làm chính sách muốn bảo vệ những ngân hàng vốn đang gặp nhiều khó khăn khỏi những quy định khắt nghiệt hơn.

1. Châu Âu đang rất bực tức về chuyện gì?

Ủy ban Basel đang sửa lại cách các ngân hàng tính toán rủi ro tài sản của họ và số vốn mà họ cần để trang trải cho rủi ro đó. Các ngân hàng trong Liên minh châu Âu (EU) gồm Deutsche Bank AG của Đức và Credit Agricole SA của Pháp đã tích cực vận động hành lang nhằm chống lại kế hoạch này. Họ cảnh báo rằng kế hoạch đó có thể khiến họ tốn thêm hàng trăm tỷ USD chi phí vốn. Những nhà làm chính sách hàng đầu của EU đã tham gia “cuộc chiến”, tranh luận rằng những đòi hỏi về vốn cao hơn sẽ cản trở việc cho vay và gây thiệt hại cho các ngân hàng châu Âu nhiều hơn so với các đối thủ đến từ Mỹ.

2. Vì sao cần thay đổi?

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy các ngân hàng đã chịu quá nhiều rủi ro. Sau sự kiện đó, các nhà điều hành đã phản ứng bằng cách đưa ra Basel III, những quy định nhằm hỗ trợ cơ sở vốn của các ngân hàng và cải thiện khả năng quản lý thua lỗ của họ. Những gì đang được thảo luận là “mảnh ghép” cuối cùng của Basel III.

3. Vấn đề là gì?

Có 2 cách để các ngân hàng đánh giá rủi ro tài sản của họ, đó là các khoản vay liên quan đến bất động sản, và cho vay phát triển cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp. Hầu hết các công ty hiện đều dùng các công thức chuẩn do nhà điều hành đưa ra. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn có thể sử dụng mô hình đánh giá rủi ro của riêng họ, nhưng phải theo sự giám sát. Ủy ban Basel thấy rằng những mô hình này thường đánh giá rủi ro thấp hơn bình thường, dẫn đến không đáp ứng đủ các đòi hỏi về vốn. Nó cách khác, các ngân hàng đang không tuân thủ “luật chơi” của hệ thống.

4. Đâu là “phương thuốc”?

Ủy ban Basel đang “đại tu” các công thức chuẩn dành cho việc tính toán tín dụng và rủi ro giao dịch, cũng như rủi ro hoạt động, bao gồm luôn cả tác động của những việc như kiện tụng, quản lý kém và tội phạm mạng. Ủy ban cũng muốn hạn chế lợi ích mà các ngân hàng có được bằng cách dùng mô hình riêng của họ. Theo đề xuất gần đây nhất, các kết quả từ mô hình của họ không thể thấp hơn 75% so với kết quả từ công thức chuẩn – và mức này được gọi là “sàn đầu ra”.

5. Châu Âu muốn gì?

Những nhà làm chính sách hàng đầu như Valdis Dombrovskis, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Tài chính của EU, đã kêu gọi nên bỏ mức sàn đầu ra này. Điều đó không ngạc nhiên cho lắm khi Đức chống lại thỏa thuận sơ bộ này. Giới vận động hành lang ngân hàng châu Âu cho rằng nếu vẫn giữ mức sàn này thì phải giảm cấp độ xuống. Ủy ban Basel hiện đang xem xét mức 60% - 90%.

6. Vì sao châu Âu “la làng” to nhất?

Kinh tế châu Âu phụ thuộc vào ngành tài chính ngân hàng nhiều hơn nhiều so với các thị trường khác, chẳng hạn như Mỹ. Vì thế mối liên kết giữa ngân hàng và tăng trưởng là trực tiếp hơn. Ngoài ra, các ngân hàng châu Âu có khuynh hướng giữ rủi ro nợ vay mua nhà trên bảng cân đối kế toán của họ nhiều hơn các ngân hàng Mỹ, vốn có thể “trút” sang Hiệp hội Vay thế chấp Quốc gia (FMFM). Điều này khiến cho các ngân hàng châu Âu sử dụng các mô hình rủi ro nhiều hơn, và làm cho họ dễ bị tổn thương hơn trước những đề xuất thay đổi của Ủy ban Basel.

7. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cơ quan giám sát của Ủy ban Basel sẽ họp vào ngày 08/01 tới để phê chuẩn những điều khoản cuối cùng. Cuộc họp đó có thể bị hoãn lại nếu các nhà điều hành không đạt được thỏa thuận.

8. Tại sao khẩn cấp?

Các nhà điều hành đã bàn về khung quốc tế này gần nửa thập niên qua. “Làm rõ chuyện khung điều hành toàn cầu cho các ngân hàng sẽ hoạt động như thế nào là điều quan trọng đối với nhiều phía, chứ không chỉ với ngành ngân hàng, nhà đầu tư và các nhà làm chính sách,” Chủ tịch Ủy ban Basel, Stefan Ingves, cho biết. Cũng có lý khi cho rằng việc này nên được hoàn tất trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nhậm chức, nếu xét đến chuyện ông ta thề dỡ bỏ các quy định tài chính.

9. Nhưng Ủy ban Basel là gì?

Ra đời giữa thập niên 1970, Ủy ban Basel là nơi tập hợp các cơ quan có thẩm quyền trên khắp thế giới, gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA) lại với nhau. Ủy ban này đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc giám sát và điều hành các ngân hàng, trong đó có các luật lệ về vốn. Sau đó các chính quyền ở mỗi quốc gia sẽ ban hành những tiêu chuẩn này khi thấy phù hợp./.

Các tin tức khác

>   Vàng leo dốc 2 tuần liền sau báo cáo việc làm (07/01/2017)

>   Dầu tăng 4 tuần liền không ngừng nghỉ (07/01/2017)

>   8 xu hướng nổi cộm trên các thị trường toàn cầu đầu năm 2017 (06/01/2017)

>   Vì sao các quỹ đầu cơ không còn hấp dẫn với giới nhà giàu châu Á? (06/01/2017)

>   Vàng lên đỉnh 5 tuần bất chấp nghi ngờ về lộ trình nâng lãi suất của Fed (06/01/2017)

>   Dầu tăng liền 2 phiên lên đỉnh 1 tuần (06/01/2017)

>   Giá xăng có thể chạm đỉnh 3 năm trong năm 2017 (05/01/2017)

>   Đà bứt phá mang tên Donald Trump sẽ suy yếu vào giữa năm 2017 (05/01/2017)

>   Chuyện gì đã xảy ra trong 50 ngày khủng hoảng tiền mặt của Ấn Độ? (05/01/2017)

>   Vàng vẫn trụ lại đỉnh 3 tuần sau biên bản họp từ Fed (05/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật