Vì sao các quỹ đầu cơ không còn hấp dẫn với giới nhà giàu châu Á?
Với Michael Preiss, người đang có công ty quản lý 1.9 tỷ USD cho các gia đình giàu có châu Á, việc thêm quỹ đầu cơ vào danh mục đầu tư của họ ở thời điểm cách đây vài năm là... “dễ ợt”. Nhưng giờ thì không, Bloomberg cho biết.
Vị giám đốc của công ty tư vấn tài sản Taurus có trụ sở tại Singapore này cho biết khách hàng của ông hiện tỏ ra thất vọng với khoản lợi nhuận “xoàng xĩnh” do các quỹ đầu cơ mang lại, và bất bình với những khoản phí cao ngất, khiến họ quyết định chuyển sang hình thức đầu tư góp vốn tư nhân (PE).
Với lượng tiền rút ra đã lên mức cao nhất trong 4 năm qua, những người giàu nhất châu Á hiện đang tạo thành một nhóm những đầu tư mà các quỹ đầu cơ ở khu vực này không nên để mất. Trong tình hình chưa có nhiều quỹ hưu trí toàn cầu và các quỹ hiến tặng cho những trường đại học thì những công ty quản lý tài sản cá nhân đại diện cho các tỷ phú và đại tỷ phú đang là nguồn vốn chủ chốt ở châu Á. Và các giám đốc quỹ đang tìm kiếm nguồn tiền cho những quỹ đầu cơ mới có thể là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất.
“Các quỹ đầu cơ châu Á có quy mô nhỏ hơn so với các quỹ đầu cơ trên toàn cầu, nghĩa là họ phụ thuộc nhiều hơn vào các cá nhân và các công ty quản lý tài sản cá nhân có tài sản ròng lớn. Nếu các công ty quản lý tài sản cá nhân rút tiền thì ngành công nghiệp quỹ đầu cơ của khu vực này rõ ràng sẽ ‘gặp họa’”, Melvyn Teo, Giáo sư Tài chính của Đại học Quản lý Singapore, nêu quan điểm.
Hồi tháng 10 năm ngoái, UBS Group AG cho biết, các công ty quản lý tài sản cá nhân trên toàn cầu đã tránh xa các quỹ đầu cơ sau khi họ bị thua lỗ trên thị trường chứng khoán sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Theo Eric Landolt, người đứng đầu bộ phận tư vấn gia đình khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UBS, xu hướng này thậm chí rõ nét hơn ở châu Á -nơi mà các công ty quản lý tài sản cá nhân đặt ra các mục tiêu hiệu suất càng “khủng” hơn.
Cỗ máy tăng trưởng
“Các công ty quản lý tài sản cá nhân (châu Á) thường là nơi mang về tài sản thêm cho gia đình. Đó là cỗ máy tăng trưởng cho gia đình, trong khi ở châu Âu hay Mỹ, họ thiên về góc độ giữ gìn tài sản hơn”, Landolt nói.
Giờ đây, các giám đốc quỹ đang tìm nguồn vốn ngoài châu Á cũng khó tìm được khách hàng hơn. Tháng trước, Ray Nolte, chuyên gia đầu tư trưởng của quỹ đầu cơ 8 tỷ USD SkyBridge Capital ở Mỹ, cho biết ông đang cố tình “né” các quỹ đầu cơ châu Á vì rủi ro ở các thị trường nợ của Trung Quốc đang tăng lên. “SkyBridge hiện có chưa tới 5% tài sản ở các quỹ đầu cơ châu Á, trong khi ở Mỹ là 85% và ở châu Âu là 10%”, Nolte tiết lộ.
Theo ước tính mới nhất của công ty cung cấp dữ liệu Eurekahedge, trong tháng 11 vừa qua, các quỹ đầu cơ đầu tư vào châu Á đã bị khách hàng rút mất 1.6 tỷ USD, con số cao nhất trong 4 năm qua, vì lợi nhuận của họ đã suy giảm trên toàn cầu.
“Các quỹ đầu cơ lớn đã trở nên tự mãn, nghĩa là họ dành nhiều sự quan tâm cho phí quản lý hơn là phí hiệu suất. Chẳng hạn, một quỹ đầu cơ 1 tỷ USD có khuynh hướng tập trung vào việc giữ gìn vốn và thu phí quản lý, thay vì cố gắng tạo ra hiệu suất xứng đáng”, Preiss nói.
Theo Preiss, thay vào đó, những gia đình siêu giàu đang ủng hộ quỹ Taurus của ông muốn đầu tư trực tiếp tiền của họ vào các công ty công nghệ.
Sự thay đổi lớn
Tại Golden Equator Capital, công ty quản lý tài sản cá nhân đang quản lý 500 triệu USD, sự thay đổi này thậm chí còn lớn hơn. Theo người sáng lập và CEO Shirley Chua, suốt hai năm qua, phần tài sản được dành cho các quỹ đầu cơ đã giảm hơn phân nửa, xuống chỉ còn chưa tới 10%, trong khi các khoản đầu tư dưới dạng PE đã tăng gấp đôi, lên 20%. Bà Chua cho biết khách hàng của mình đặc biệt quan tâm đến những công ty Mỹ ít cổ đông và tập trung vào các công nghệ mang tính “phá bĩnh” như Uber hay Magic Leap.
“Có sự quan tâm lớn dành cho các startup kỳ lân này. Khách hàng của chúng tôi muốn tham gia vào nền kinh tế mới”, bà Chua nói.
Các startup gặp khó
Taurus và Golden Equator là một phần của một sự thay đổi lớn hơn đang làm suy yếu các quỹ đầu cơ.
Theo dữ liệu của UBS, tính đến hết tháng 5/2016, tỷ lệ bình quân của các tài sản thay thế, chủ yếu là bất động sản và hình thức đầu tư PE, ở các danh mục đầu tư của những công ty quản lý tài sản cá nhân châu Á đã tăng 3 điểm phần trăm, lên 44%, trong 2 năm. Tỷ lệ dành cho các quỹ đầu cơ đã giảm 1 điểm phần trăm, xuống còn 5%.
Theo giáo sư Teo, các quỹ đầu cơ mới ở châu Á đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự lưỡng lự không muốn đầu tư của các công ty quản lý tài sản cá nhân. “Đặc biệt là đối với các startup trong lĩnh vực quỹ đầu cơ, họ bị cản trở vì điều này. Nhiều startup trong số đó hiện không những phụ thuộc vào nguồn vốn từ giới đầu tư ở các tổ chức mà còn phụ thuộc vào nguồn vốn từ các cá nhân và những công ty quản lý tài sản cá nhân có tài sản ròng lớn để có thể đạt được mức tối thiểu. Đó sẽ là một vấn đề nếu các công ty quản lý tài sản cá nhân bắt đầu tránh xa các quỹ đầu cơ”.
Còn Shiraz Poonevala, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản cá nhân GP Group ở Bangkok, một quỹ chỉ đầu tư trực tiếp số tài sản khoảng 500 triệu USD của mình, cho biết đó cũng là một vấn đề của các gia đình giàu có nhất châu Á đang muốn có sự kiểm soát nhiều hơn đối với tài sản của họ.
“Tôi nhìn vào mắt của sếp mình mỗi ngày, và tôi phải trả lời ông ấy. Có thể tôi không thu được siêu lợi nhuận, nhưng đồng thời tôi cũng không làm những điều siêu ngớ ngẩn vì tôi phải gặp mặt ông ấy mỗi ngày. Một quỹ đầu cơ giống như viết một tấm séc và sau đó hy vọng sẽ có điều tốt đẹp nhất”, Poonevala chia sẻ./.
|