Quốc gia châu Á nào sẽ tỏa sáng trong năm 2017?
Khi nói về triển vọng tăng trưởng của châu Á, những quốc gia nằm ở phía Nam của khu vực này vẫn tỏ ra vượt trội hơn cả. Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan được xem như những quốc gia có thành quả tốt nhất tại khu vực châu Á trong năm 2017, nhờ những yếu tố cơ bản “khỏe mạnh”, các chuyên gia kinh tế cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – khi cơ quan này dự định nâng lãi suất 3 lần trong năm nay – và hoạt động thương mại toàn cầu ảm đạm trước dự báo về lập trường bảo hộ từ Donald Trump dường như đang ủng hộ 3 quốc gia này.
“Các nền kinh tế lệ thuộc vào hoạt động xuất khẩu như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và ngay cả Trung Quốc có lẽ sẽ không tăng trưởng mạnh trong năm nay. Vì thế các bạn nên xem xét tới các nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nội địa như Ấn Độ và Indonesia vì ở đó có mức độ nợ tương đối thấp, động lực tín dụng khả quan và lượng tiêu thụ nội địa dồi dào”, Frederic Neumann, Giám đốc quản lý và Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC.
Dù HSBC vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng chung của châu Á khi cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng của khu vực này có khả năng giảm sút trong năm 2017 thay vì tăng nhanh hơn, nhưng tất cả 3 quốc gia trên vẫn được xem là những điểm sáng trong khu vực.
Chỉ số SET của Thái Lan là chỉ số có thành quả tốt thứ 2 tại khu vực châu Á trong năm 2016 với mức nhảy vọt 20%, nhờ đà hồi phục của giá dầu. Được biết, 35% thị trường chứng khoán Thái Lan đều có liên quan đến dầu, Kelvin Tay, Giám đốc đầu tư khu vực tại UBS, cho hay.
Trong khi đó, vốn bị tác động nặng nề trong năm 2013 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên cho biết sẽ nâng lãi suất, hiện các đồng tiền của Ấn Độ và Indonesia được dự báo chuyển biến khá ổn định ngay cả khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Lịch sử năm 2013 sẽ không lặp lại trong năm nay đối với đồng Rupiah hay đồng Rupee, ông Neumann dự báo.
Các cuộc cải cách thuế ở cả hai quốc gia trên cũng góp phần làm nhà đầu tư chú ý đến hai thị trường này hơn. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra chương trình ân xá thuế trong tháng 7/2016, qua đó làm doanh thu thuế Chính phủ có thêm khoảng 7.7 triệu USD tính tới ngày 20/12/2016. Đây được xem là một động thái vô cùng quan trọng nhằm gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra lệnh cấm lưu hành các tờ tiền có mệnh giá cao nhằm mục tiêu mở rộng ngân khố Chính phủ và thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử.
Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế tại OCBC, cũng rất lạc quan về nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia.
“Lượng tiêu thụ nội địa được xem như là một ‘tấm đệm’ quan trọng để phòng ngừa các rủi ro bên ngoài”, ông nói thêm.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng đầu tư, một chỉ báo quan trọng về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, chuẩn bị tiến lên mức 5.6% trong năm nay, cao hơn mức 4.5% trong năm 2016, theo DBS.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất có thể gây áp lực lên triển vọng của châu Á, đó là nhu cầu từ Trung Quốc, tổ chức Varathan cảnh báo./.
|